A lô… có thợ gặt

Thứ Hai, 03/11/2008, 09:55
Ngày xưa, khi điện thoại ở quê không có, đám thợ gặt cứ nhớ ngày chính vụ là khăn gói lên đường để gặt thuê. Còn bây giờ, khi công nghệ thông tin hiện đại và trải rộng, thợ gặt cũng được hưởng phúc. Không những thành phố, nhà nhà có điện thoại, mà nhà thợ gặt ở quê cũng có. Đến mùa cấy cày cũng, nơi nào cần thuê thợ gặt cứ gọi điện thoại là họ đến làm.

Tôi đã nghe nhiều chuyện về thợ gặt vùng đồng bằng Nam Bộ, họ đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để gặt lúa thuê trên miệt sông nước, cứ thế họ đi quanh năm suốt tháng và nhiều câu chuyện ly kỳ kèm theo hành trình của đời thợ gặt.

Thì nay, tôi lại được nói chuyện với đời thợ gặt thuê ở vùng Bắc Bộ, họ không gặt thuê trên những cánh đồng màu mỡ và rộng lớn nơi miền quê. Mà những thợ gặt này lại tìm từ quê lên phố, họ đi, hết những cánh đồng còn sót lại của các huyện ngoại thành TP Hà Nội để hành nghề gặt thuê. Đối với người lớn lên từ nông thôn thì thợ gặt là hình ảnh quá quen thân, nhưng với người thành phố, thợ gặt nghe lạ lắm…

Tìm thợ gặt lúa trong phố

Từ bến xe Mỹ Đình, chúng tôi đi theo đám thợ gặt vừa lên từ tỉnh Thái Bình vào xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội để gặt thuê cho những người quen cũ. Xuống xe, phường thợ gặt 7 người ở mọi lứa tuổi này không đi xe ôm mà đi bộ, họ bảo, đi bộ tiết kiệm tiền.

Chị Nguyễn Thị Hoa, 49 tuổi, là thợ gặt cao tuổi nhất trong nhóm nói: "Mấy ngày trước, mấy hộ làm ruộng ở Xuân Phương hẹn chúng tôi lên thu hoạch. Mùa gặt nào chúng tôi cũng có mặt kịp thời".

Chị Hoa còn cho biết, nhóm thợ gặt này gắn bó truyền đời với các hộ nông dân làm ruộng ở các xã của Từ Liêm, nhất là xã Xuân Phương. Đã bao đời nay rồi, khi mà một số thành viên trẻ tuổi nhất của đám thợ gặt chưa được sinh ra và có mặt thì cha mẹ họ đã là thợ gặt quen thuộc của vùng này. Bây giờ người ta thuê trả công nhật, khoảng 70 ngàn/ngày công chứ không trả bằng gạo, bằng thóc như đời cha ông họ.

Khi phường thợ gặt lên từ tỉnh Thái Bình đến đầu làng đã có người đón đưa vào nhà sắp xếp chỗ ăn ngủ. Buổi chiều hôm ấy họ ra đồng. Cánh đồng xã Xuân Phương xưa kia rộng lắm, bây giờ đồng ruộng lên phố xá, xa xa là những nhà cao tầng lấn lướt ruộng đồng.

Đứng giữa cánh đồng, giữa đám thợ gặt, anh Công, một người dân đang thuê nhóm thợ gặt ở tỉnh Thái Bình lên nói: "Các bác gắn bó với em chắc vài vụ nữa thôi là hết đất cấy".

Một số gia đình như anh Công thì thực tình là làm ruộng chẳng lời lãi bao nhiêu so với việc đi làm thuê. Thế nhưng đất đấy chẳng nhẽ không cấy cày lại bỏ hoang thì người ta chửi cho. Thế là thuê thợ, mà người làm mọi công đoạn từ cày, cấy, gặt… đều nhờ đám thợ lên từ Thái Bình này.

Cũng như bao gia đình khác, về những ngày cuối tháng mười này, về xã Xuân Phương nghe nhắc chuyện cấy cày râm ran. Mà ở đây là phố rồi, bao nhiêu năm, nhiều người không biết đến cấy cày nữa, vậy mà vẫn còn nhiều người bám đất. Nên đêm đêm, dưới ánh điện cao áp, đám thợ gặt, người thuê đi lại gọi nhau nháo nhác.

Không chỉ đám thợ gặt lên từ Thái Bình, còn có đám thợ gặt sang từ tỉnh Phúc Thọ, Hà Nội gồm 11 người đến đây được hơn một tuần nay và gặt cho 8 hộ gia đình rồi. Còn đám thợ xuống từ huyện Mê Linh, 6 người, thì mới hôm qua đã chuyển sang Gia Lâm gặt cho người quen cũ.

Riêng phần cánh gặt thuê đến từ Dương Liễu, Hà Nội đông hơn cả, nhờ lợi thế nhà gần nên có hôm đám thợ này tăng thêm quân số hơn 20 người tỏa đi các cánh đồng ven đô như Xuân Phương, Mỹ Đình, Hà Đông, Thanh Trì.

Đã 10h đêm ra đường Phương Canh ngồi trà nóng là y như gặp cánh thợ gặt ngó nghiêng vào các nhà hỏi, đã có ai gặt chưa?... Còn gia chủ thì chỉ việc hẹn mai cho mấy người qua gặt là xong. Những thợ gặt này nhân lúc nhàn rỗi dưới quê, họ lang thang khắp các quận huyện ngoại thành Hà Nội kiếm việc làm thêm.

Theo như chị Hằng đến từ Mê Linh cho biết, hằng năm vào vụ gặt chị và đứa con gái 13 tuổi kiếm được gần 2 triệu chứ chẳng chơi. Nên ở quê chị nhiều người cũng theo các bà, các mẹ vào Hà Nội gặt thuê là thế. Chả thế mà, ở xã Xuân Phương những ngày này, chúng tôi gặp cả những người từ Mỹ Đình, Hà Đông, Gia Lâm… cắt cử người sang tìm thợ gặt cho làng.

A lô… có thợ gặt

Thời bây giờ, những người thành phố làm ruộng không phải vất vả tìm về quê hẹn ngày như xưa nữa, mà thợ gặt theo nhau lên địa điểm nào đó, ví như làng Thị Cấm, Xuân Phương là nơi mà những người thuê thợ gặt tìm đến mướn dễ nhất. Vì đây là nơi tập trung nhiều thợ gặt nhất của Hà Nội (cũ). Đã thành thói quen, cứ thiếu thợ gặt là người thuê thợ tìm đến.

Nghe chị em kể chuyện làm thợ gặt cũng thích thú lắm, ngày xưa, khi điện thoại ở quê không có, đám thợ gặt cứ nhớ ngày chính vụ là khăn gói lên đường. Cứ thế nhưng thợ gặt chưa bao giờ để nhỡ mùa màng.

Còn bây giờ, khi công nghệ thông tin hiện đại và trải rộng, thợ gặt cũng được hưởng phúc. Không những thành phố, nhà nhà có điện thoại, mà nhà thợ gặt ở quê cũng có. Chỉ cần ngồi nhà nghe điện thông báo là kéo nhau lên gặt kịp thời. Rồi mùa cấy cày cũng vậy, cứ điện thoại là họ lại lên.

Tất cả những công đoạn đều qua tay thợ gặt. Gặt xong, thợ cho máy tuốt ngay tại ruộng, rồi đêm về sân nhà văn hóa, sân đình phơi thì thợ gặt hết công việc. Tại Nhà văn hóa thôn Thị Cấm, khi cơn mưa chực đổ xuống, cả một sân phơi rộng gần 1ha tưởng chừng như ướt thì anh thanh niên rút điện thoại ra alô vài cái. Thế rồi chừng vài phút sau, đám thợ gặt kéo nhau từ cánh đồng cách đó không xa lên thu gom lại. Còn gia chủ cứ ngồi chơi xơi nước như không có gì xảy ra.

Trong vòng 15 phút, cái sân phơi ngồn ngộn lúa ấy được quét dọn đâu vào đấy. Cánh thợ gặt kéo nhau về nhà trọ để tránh mưa. Chúng tôi theo cánh thợ đến từ Lý Nhân, Hà Nam vào nhà trọ cách đó không xa.

Cũng phải nói thêm rằng, không phải thợ gặt nào cũng được thân chủ lo cho chỗ ở, có khi họ phải đi thuê một phòng với giá 3, 4 trăm ngàn nhưng chỉ ở nửa tháng mà phải trả tiền cả tháng.

Bữa cơm tối đạm bạc với mắm, muối vừng, lạc rang đem từ quê lên vẫn còn đó, chị Tâm 56 tuổi cười nói: "Thức ăn ở phố đắt quá, bọn tôi chỉ dám mua rau, còn đồ ăn thì mang từ nhà lên. Nếu thiếu cho người về lấy, tiện thăm nhà luôn".

Chị Tâm còn cho biết, mấy ngày trước, đám thợ của chị gặt thuê bên Thanh Trì được một tuần. Khi bên Xuân Phương gọi điện sang, chị em chỉ cử 3 người ở lại gặt nốt những cánh đồng lúa còn lại. Còn đâu 5 chị em kéo nhau sang đây, vừa có việc dài ngày hơn, lại vừa không làm nhỡ việc của nhà người quen.

Buổi tối, 5 người trong cái phòng trọ 12m2 ấy họ phải nằm úp thìa vào nhau may ra mới đủ, thế nhưng họ vẫn ngủ ngon lành cho đến sáng. Vì họ kể rằng, đằng sau những ngày miệt mài đi gặt thuê ấy là đem theo giấc mơ cơm áo gạo tiền cho con cái ăn học trưởng thành nên có qua bao nhiêu cánh đồng, gặt lúa thuê, có vất vả đến mấy họ cũng làm được

T.V.
.
.
.