60 năm ao ước tìm cha mẹ của một người con nước Lào

Chủ Nhật, 04/12/2005, 09:36

Hơn 50 năm sống trong tình yêu thương đùm bọc của bà con Việt Nam, số phận của Kim Đao Môn tựa như một trang sử bi hùng phản chiếu mối quan hệ đặc biệt của người dân 3 nước Đông Dương…

Có cha là một hàng binh Nhật tình nguyện gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, mẹ thuộc lực lượng Bộ đội Giải phóng Pa Thét Lào, cậu bé Kim Đao Môn được gửi nuôi dạy ở một trường học lâm thời tại xứ Nghệ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi cha hy sinh, mẹ chuyển công tác không còn liên lạc, cậu bé 3 tuổi mang hai dòng máu Nhật - Lào ấy đã được những người Việt Nam giàu lòng nhân ái yêu thương và nuôi dưỡng.

Cách đây 57 năm, ngày 8/10/1948, Liên khu ủy Đảng Liên khu IV ra quyết định thành lập Viện Dục Anh ở Nghệ An để tiếp nhận các cháu từ 1-15 tuổi là con các liệt sỹ, con của các đồng chí cán bộ cách mạng đi hoạt động xa phải gửi lại nhờ người thân chăm sóc. Trong số những học sinh của Viện Dục Anh năm đó có cả con em cán bộ cách mạng nước bạn Lào. Viện Dục Anh nằm trong ngôi biệt thự của một người Pháp bên bến sông Giăng, xã Tam Đồng, huyện Thanh Chương, thầy cô và học sinh sống như một gia đình.

Trong điều kiện cả nước phải tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng học sinh Viện Dục Anh vẫn được ưu tiên đảm bảo đủ cơm ăn, áo mặc, được học chương trình tiên tiến nhất. Người dân Thanh Chương ngày ấy thường gọi học sinh Viện Dục Anh bằng một tên gọi yêu thương là "con Chính phủ", là thế hệ nguồn cho tương lai. Hồi ấy, các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh là vùng tự do, nhưng thực dân Pháp "đánh hơi" được mái trường này và đã nhiều lần cho máy bay ném bom bắn phá, buộc trường phải sơ tán vào trong núi. Bước sang năm 1950, giặc Pháp điên cuồng mở rộng chiến tranh, cho máy bay bắn phá ác liệt, nhất là ở vùng Nghệ - Tĩnh.

Để bảo vệ an toàn cho các em, Viện Dục Anh buộc phải giải thể để phân tán các em ra nhiều địa điểm. Các em học sinh lớn được gửi vào học tại các xưởng quân khí, xưởng dệt, trường Thiếu sinh quân. Các em nhỏ khác có địa chỉ được nhà trường thông báo cho gia đình đón về. Thế nhưng, khó nhất là các em do bố mẹ đi hoạt động, chiến đấu ở chiến trường xa hoặc không có địa chỉ, Viện không biết tính sao.

Lúc ấy, người ta không biết bố mẹ Kim Đao Môn ở đâu. Nhìn cậu bé 4 tuổi ngân ngấn nước mắt, ai cũng thương lắm, bàn nhau tìm người tâm đức để cậu được nương nhờ. Biết ông Nguyễn Phương Lương làm nghề giáo viên, có thể nuôi dạy trẻ nên người nên Viện đã cử cán bộ đến nhờ giúp.

Hôm nay gặp lại chúng tôi, ông Lương đã 85 tuổi, kể rằng: "Hè năm 1951, một cán bộ ở huyện Thanh Chương đến nhà tôi nói: "Lương à, tỉnh gặp khó khăn, Pháp lại ném bom, 3 học sinh đã bị trúng bom, Viện Dục Anh phải giải thể. Lương nhận về nuôi giúp mình vài cháu". Nhìn các cháu, ông thương lắm bèn nhận luôn cả ba học sinh người Lào về nuôi, trong đó có Kim Đao Môn. Kim Đao Môn khi ấy nói tiếng Lào còn bập bẹ, chỉ biết "Kin khẩu, kin nậm" nghĩa là ăn cơm, uống nước…". Thương cháu bé, đã rất nhiều lần ông Lương nhờ người dò tìm tin tức bố mẹ của Kim Đao Môn.

Ông Lương nhớ lại: Khi làm thủ tục để nhận ba cháu người Lào, bà Kỳ, Giám đốc Viện Dục Anh có bàn giao lý lịch các cháu cho tôi, phần lý lịch của Kim Đao Môn chỉ ghi bố là một hàng binh Nhật tình nguyện tham gia bộ đội Việt Nam, làm huấn luyện kỹ thuật quân khí ở đơn vị do ông Nguyễn Hữu Cầu làm Trung đoàn trưởng, đóng tại Kỳ Sơn. Còn mẹ là người Lào làm tạp vụ, tiếp phẩm cho một đơn vị của Hoàng thân Xuphanuvông trong thời gian Hoàng thân cùng các đồng chí lãnh đạo nước Lào tạm lánh sang huyện Kỳ Sơn, trước âm mưu và sự tấn công của giặc Pháp. Nghe nói thời gian sau đó, bố của Kim Đao Môn đã anh dũng hi sinh, còn mẹ chuyển công tác gấp gáp theo đơn vị của Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia giải phóng nước Lào khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp...

Tuy vậy, ông Lương vẫn chưa thôi kiếm tìm cha mẹ cho Kim Đao Môn. Thế nhưng, năm 1956, theo lời ông Lương thì do quan niệm sai lệch của một số cán bộ xã "nhà giàu như ông Lương thì không được phép nuôi con Chính phủ nữa" nên đã chuyển Kim Đao Môn cho một gia đình khác nuôi dưỡng để đảm bảo được giáo dục "thuần nông" hơn. Trước khi rời nhà ông Lương, Kim Đao Môn được ông đổi cho tên mới là Nguyễn Phương Bình. Bản lý lịch của Kim Đao Môn cũng thất lạc từ đó…

Nhóm nhà báo chúng tôi đã tìm gặp bà Phạm Thị Bạch Hà, một cô giáo của Viện Dục Anh năm xưa hiện nghỉ hưu tại Hà Nội để mong bà có thể cung cấp một vài thông tin về bố mẹ của Kim Đao Môn - Nguyễn Phương Bình. Nghe hỏi chuyện, bà Hà 82 tuổi xúc động lắm, nghẹn ngào: "Hồi đó chiến tranh nên mọi việc đều bí mật. Tôi chỉ còn nhớ vào một đêm tối trời, tôi ở Thanh Chương thì có bốn chiến sĩ bộ đội Pa Thét Lào dẫn ba cháu nhỏ đến gặp bà Kỳ, Hiệu trưởng Viện Dục Anh nhờ Viện chăm sóc, sau này tôi biết có em Kim Đao Môn. Hồi đó Viện có tới 126 học sinh. Người biết nhiều là bà Kỳ thì đã mất lâu rồi…".

Sau khi rời nhà ông Lương với cái tên Nguyễn Phương Bình, cậu bé tiếp tục nương nhờ tại nhiều gia đình nghèo ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Nhưng lần cuối cùng cậu ở lại cho đến bây giờ là gia đình ông Nguyễn Phương Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tường và được ông bà nhận làm con nuôi suốt 50 năm nay. Khi tỉnh Nghệ An tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Dục Anh, Kim Đao Môn được ông Nhân và nhiều học sinh tìm đến mời hội ngộ. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi Kim Đao Môn - Nguyễn Phương Bình đã về tìm lại người bố nuôi đầu tiên Nguyễn Phương Lương và đưa ông đến cùng dự buổi gặp mặt. Cuộc hội ngộ trải hơn nửa thế kỷ biến động đầy cảm kích, nhiều người đã lên tuổi ông, tuổi bà, nhiều người đã khuất bóng…

Trong buổi đoàn viên gia đình thơ bé ngày nào, nhiều bạn bè vẫn nhận ra Kim Đao Môn - Nguyễn Phương Bình. Dường như với một nỗi buồn sâu thẳm, ông tâm sự: "Tôi có hai người bố nuôi chăm tôi như con đẻ. Tôi được bố mẹ Nhân hỏi vợ, tạo cho cuôc sống ổn định, nay đã con đàn cháu đống… Nhưng ngần ấy năm tôi vẫn chưa có tin tức gì về người mẹ, về quê hương bản quán. Liệu mẹ tôi có còn sống không? Tôi tin mẹ tôi sống mà…". Nói rồi Kim Đao Môn khóc, dường như đấy là giọt nước mắt chảy từ cội nguồn của người mẹ hiền thục của đất nước hoa đẹp Chăm Pa.

Chứng kiến những giây phút thiêng liêng ấy của một  người bạn Lào lưu lạc, được đồng bào ta chăm sóc bao bọc, lòng chúng tôi sao cứ thấy không yên, xao xuyến một nỗi niềm khó tả. Dường như câu chuyện về Kim Đao Môn - Nguyễn Phương Bình ẩn chứa sự thăng trầm của rất nhiều số phận trên dải đất Việt - Miên - Lào… Có ai biết một chút gì về người mẹ Lào của Kim Đao Môn không?

Thế Lữ - Thái Hà
.
.
.