Lặng lẽ tô điểm cho cuộc sống bình yên
1. Anh là Đinh Minh Cảnh, Tết này 48 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Tiếng là nông dân nhưng do không có đất làm ruộng nên ba mẹ anh phải đi làm thuê, làm mướn. Cũng vì khó khăn mà năm 17 tuổi, chưa xong lớp 11, anh phải bỏ dở giữa chừng để lao vào cuộc mưu sinh.
“Làm mướn mà, cái gì cũng làm, từ cuốc đất trồng khoai đến tát mương bắt cá, phụ hồ, cắt cỏ cho bò… cái gì tôi cũng đã trải qua. Tới khi lấy vợ, sinh con, tôi chuyển qua chạy xe ôm luôn. Tới giờ, ngót ngét 20 năm ròng”, anh Cảnh tâm sự.
Nơi mà anh Cảnh chọn làm bến đỗ xe ôm ở trước chợ Bình Chánh. Cả chợ, dù là tiểu thương hay khách mua hàng, ai cũng biết mặt, cũng quý anh. Nên khi cần đi xe ôm anh là sự lựa chọn đầu tiên của họ. Vì vậy mà anh không thất thu như những người hành nghề xe ôm truyền thống khác trước “cơn lốc” xe ôm công nghệ.
Anh Cảnh và công việc yêu thích hằng ngày. |
“Lúc mới hành nghề chạy xe ôm, tôi cũng thường bị cán đinh nhưng là đinh nhọn, loại dùng đóng gỗ. Khi đó, tôi nghĩ chắc người ta chở hàng làm rơi xuống đường chứ không nghĩ có ai cố tình rải xuống. Rồi ngày ngày ngược xuôi qua tuyến quốc lộ 1A, cửa ngõ từ các tỉnh miền Tây vào Sài Gòn, tôi chứng kiến rất nhiều người bị thương, thiệt mạng chỉ vì cán phải đinh. Những lần như vậy, tôi đều xuống cứu giúp họ và xem bánh xe thì phát hiện có cả loại đinh hình con ách rô. Từ đó tôi biết có kẻ đã rải đinh. Tôi về nói vợ phải làm cái gì đó để cứu giúp mọi người chứ để như vậy thì tội cho người ta quá. Vợ tôi lo sợ làm vậy sẽ bị người ta trả thù nhưng tôi trấn an rằng mình làm việc nghĩa chẳng lẽ sợ kẻ gian. Vậy là tôi quyết định đi nhặt đinh từ đó”, anh kể.
Thời đó, “đinh tặc” rải không nhiều nên anh Cảnh nhặt bằng tay, lúc đi bộ, lúc chạy xe chầm chậm thấy cây đinh nào thì lượm cây ấy. Người dân hai bên đường ngày ngày thấy anh, có người khâm phục, có người dè bỉu, bảo anh “khùng”, “làm chuyện dở hơi”.
Anh bỏ hết ngoài tai, cặm cụi suốt 5 năm ròng, nhờ đó mà người đi đường được an toàn hơn. Ngược lại, những kẻ rải đinh xem anh là “cái gai” trong mắt, chúng trực tiếp đe dọa, đạp đổ xe anh và tăng cường rải đinh với số lượng nhiều hơn. Trước tình hình này, anh không nhặt đinh bằng tay nữa mà dùng nam châm gắn vào thanh cây gỗ để nhặt được nhanh hơn.
Lượm theo kiểu mới được đâu chừng 3-4 năm nữa, anh thấy không xuể, bởi bọn “đinh tặc” rải ngày càng nhiều và mật độ cũng dày hơn. Từ đó anh mới chế tạo ra xe hút đinh. Để có được thanh nam châm dài 60cm anh phải ráp 3 thanh nam châm lại. Tuy nhiên, khi vướng phải chướng ngại vật trên đường, chiếc nam châm ghéo này bị hỏng, phải mua cái mới thay vào.
“Cách đây hơn 3 năm, có một người tặng tôi thanh nam châm dài 6 tấc, tôi mừng khôn tả và nó đã theo tôi tới bây giờ”, anh tươi cười nói và cho biết công việc của anh từ đó không còn bị gián đoạn.
Ngày nào cũng vậy, 3 giờ sáng là anh thức giấc để chuẩn bị hút đinh. Chiếc xe hút đinh tự chế có đề bảng “Xe hút đinh tự nguyện” và đèn báo hiệu xuất phát từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh dọc theo quốc lộ 1A đến địa phận giáp ranh với huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đoạn đường dài tầm 5 cây số, anh ngược xuôi 6 lần và kết thúc khi bình minh ló dạng. “Đinh tặc ban ngày rải vào làn đường xe gắn máy, còn ban đêm chúng rải làn đường hỗn hợp và làn ôtô nên tối tôi phải “càn quét” thêm một lần nữa”, anh cho biết.
Anh Cảnh có hai người con trai đã yên bề gia thất. Vợ anh làm công nhân trong xí nghiệp nên đời sống tuy nghèo nhưng không còn thiếu thốn. Sau khi hút đinh xong, anh chạy xe ôm đến trưa, sau đó về nhà tự nấu ăn, nghỉ tí buổi trưa tiếp tục lao vào công việc. Buổi chiều, cơm nước xong là anh lại ra đường hút đinh như buổi sáng.
“Mấy hôm có đội tuyển Việt Nam đá giải AFF Cup, tụi nó rải đinh ghê lắm. Có hôm, tôi hút về đếm được hơn một ngàn cây. Sở dĩ tụi nó rải nhiều vậy là để... đón cổ động viên từ Long An lên Sài Gòn đi bão khi Việt Nam thắng. Người gì mà sao ác vậy chứ”, anh ưu tư.
Mặc dù cố gắng nhưng làm sao anh Cảnh có thể hút sạch đinh mà kẻ gian rải nên cũng không ít người là nạn nhân. Các tiệm sửa xe “đinh tặc” thay vỏ, ruột xe với cái giá cắt cổ, cao từ 2-10 lần so với giá thị trường. “Đó là đối với người cẩn thận quan sát, còn với mấy cô cậu mắt dán vào màn hình điện thoại di động thì bị chúng “luộc” phụ tùng bất cứ thứ gì có thể. Nhiều người vì không có tiền phải để lại xe thì khỏi phải nói… Nghĩ đến mà thấy đau!”, anh Cảnh giãi bày.
Chính vì cái đau đó đã thôi thúc anh cố gắng nhiều hơn. Những ngày lễ, Tết, sau khi hút xong, cứ mỗi giờ anh lại ra thăm chừng một lần. Nếu thấy “đinh tặc” rải thêm thì anh lại lấy xe ra hút.
“Niềm vui của tôi bây giờ là hàng xóm láng giềng, bà con dòng họ, kể cả người không quen cũng đồng cảm với việc của tôi làm. Mỗi lần nhận được từ ai đó một ly nước mía, 1 chai nước suối, 1 ổ bánh mì…với lời dặn dò cố lên vì việc nghĩa, tôi cảm thấy ấm lòng. Nhiều đêm mưa to gió lớn nhưng nghĩ tới cảnh đường trơn trợt, ai đó chẳng may cán phải đinh ngã sõng soài thì tôi day dứt không chịu nổi”.
“Thành quả” của gần 15 năm hút đinh của người đàn ông tay chân sần sùi, da rám nắng là hàng tấn đinh hút được trên đường. Trong nhà anh hiện có hơn 100kg đinh mà anh giữ để làm kỷ niệm. Ngoài việc hút đinh, thời gian qua, anh Cảnh còn hỗ trợ cơ quan Công an bắt giữ nhiều “đinh tặc”. “Cuộc chiến chống “đinh tặc” vẫn chưa có hồi kết. Nhưng tôi nhất quyết không buông xuôi. Tôi làm tới chừng nào “đinh tặc” cảm thấy… ngán thì thôi!”, anh Cảnh bộc bạch.
2. Cũng giống như anh Đinh Minh Cảnh, cô Dương Thị Nguyệt (61 tuổi, Trưởng Ban điều hành Khu phố 1; Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 14, quận 11, TP Hồ Chí Minh) có hơn 20 năm miệt mài mang đến niềm vui, hạnh phúc cho biết bao gia đình mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì cho mình.
“Chuyên gia hòa giải” Dương Thị Nguyệt. |
Bước ngoặt cuộc đời của cô Nguyệt là vào năm 1996, khi ly dị chồng cũng là lúc cô nhận ra rằng có những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình mà tự thân những người trong cuộc khó thể nào hóa giải. “Nếu lúc ấy, có người trung gian hòa giải, phân tích đúng sai rạch ròi để hai bên nhận lỗi với nhau thì đã không xảy ra đổ vỡ. Từ đó, tôi tâm niệm sẽ làm việc gì đó giúp mọi người hàn gắn vết thương để cuộc sống được tốt đẹp hơn”, cô tâm sự.
Rời quê hương An Giang, cô Nguyệt mang theo 3 đứa con nhỏ dại đến Sài Gòn mưu sinh với nghề làm may gia công quần áo. Tuy công việc vất vả, nhưng mỗi tối cô vẫn đến lớp học tình thương ở phường để dạy miễn phí cho các cháu. Thấy cô nhiệt tình với công tác xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 14 kết nạp thành viên, từ đó cô có cơ hội trở thành một “chuyên gia hòa giải”.
Để thử nghiệm, mỗi khi có gia đình nào bất hòa, cô xung phong đi hòa giải. Với kiến thức của một giáo viên cũng như qua nhiều trải nghiệm trong cuộc sống cô đã hóa giải nhiều “ca khó”, tạo được lòng tin cho mọi người. Để rồi sau này, không còn giới hạn ở “hội phụ nữ” nữa mà gần như ở các khu phố có chuyện gì xảy ra thì lãnh đạo UBND, Ban chỉ huy Công an phường… đều nhờ đến cô. Từ chuyện vợ chồng lục đục, hàng xóm xích mích, con cái hỗn xược với cha mẹ, đánh nhau ngoài đường, đến kẻ ngáo đá đe dọa người dân… cô luôn có mặt như là sự mặc định.
Hơn 20 năm qua cô đã hàn gắn cho rất nhiều gia đình lục đục, giảng hòa cho hàng trăm trường hợp lối xóm mâu thuẫn, thù hận nhau.
Cô là một trong những “gương sáng phố phường” được Công an thành phố tôn vinh trong năm 2018.