30 năm sống cùng người chồng thương binh nặng

Thứ Bảy, 15/01/2005, 07:12

Có lần, khi tỉnh lại thấy mặt mũi vợ bầm tím, tứa máu, anh gặng hỏi nhưng chị lặng im. Khi biết đó là “hậu quả” của cơn điên của mình, anh Rường thương vợ quá, bảo: “Lúc đó tưởng địch đang tấn công. Lần sau tôi đau thì em cứ tránh xa ra nhé...”.

Vừa kể chuyện, chi Thanh vừa lật giở cả đống ảnh lưu niệm của gia đình. Chỉ có duy nhất một tấm bé xíu, cũ mờ. Đó là ảnh anh chị chụp với nhau thời còn trẻ. Chị nói: "Ngượng chết, ai lại đem phô bày tình yêu của mình cho người khác coi"...

Chị là Bùi Thị Thanh ở làng Kim Mỹ, Kim Sơn, Ninh Bình. Thật trái với tưởng tượng của chúng tôi, nhà chị Thanh và anh Rường (tên chồng chị) lại rất dễ tìm bởi nó to nhất nhì làng. Đó là một nhà mái bằng, khá khang trang - một điều hiếm thấy ở vùng biển còn nghèo này...

Chị kể: “Là người cùng làng nên chúng tôi quen biết nhau từ cái thuở... cùng tắm mưa cơ! Trong trí nhớ của tôi, cái anh chàng tứ thời áo quần gụ ấy (nhà anh Rường rất nghèo, anh chỉ có bộ quần áo gụ) thật khéo tay, bày nhiều trò chơi lôi cuốn trẻ con trong xóm. Một lần, chơi vui quá, tôi bèn túm áo anh thì thầm: “Sau này em sẽ... lấy anh”.

Nghe tôi “tỏ tình” táo bạo quá, anh sấp ngửa chạy một mạch về nhà... mách mẹ: “Con Thanh nó đòi lấy con, mẹ ạ...”. Ai ngờ, câu nói trẻ con ấy sau này trở thành sự thật. Về sau, anh đi bộ đội, tôi cứ chạy theo khóc suốt khiến anh phải dỗ mãi, tặng chiếc khăn mới nín. Tôi yêu anh Rường từ đấy.

Phút hạnh phúc của vợ chồng người thương binh bên cầu ao.

Như bao đôi trai gái thời chống Mỹ, họ thầm giao ước: “Giải phóng xong sẽ là ngày đoàn tụ”. Thế nhưng chiến tranh, không ai lường hết được chữ ngờ. Anh bộ đội Nguyễn Rường trong một trận đánh, đã bị thương vào đầu. Mảnh đạn không giết chết anh nhưng nó khiến cho anh bị liệt nửa người, mất sức khỏe đến 81%, ăn nói đều rất khó khăn.

Lúc ở Trại an dưỡng 582 Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, khi biết mình bị liệt nửa người, anh Rường suy nghĩ nhiều lắm. Anh xót xa cho Thanh - cô thôn nữ làng đang ngày ngày ngóng trông đoàn tụ. Bao đêm trường, nghĩ lung lắm, anh Rường quyết tâm giấu biệt tăm tích mình rồi viết thư về cho gia đình.

“Lúc đó, nghe tin anh gửi thư về nhà, tôi chạy bổ đến. Trong thư, anh không hề đả động gì đến việc mình bị thương, không hề có một dòng nào cho tôi - điều chưa bao giờ xảy ra - thì linh cảm của người con gái đang yêu mách bảo tôi rằng có cái gì bất thường. Lại nữa, nhìn nét chữ run run, nguệch ngoạc lại càng nghi hơn. Anh đã bị thương, anh đang tuyệt vọng, tôi đoán".

Chị Thanh quyết định làm cuộc hành trình kiểu mối tình “bức thư lông ngỗng” theo dấu anh khắp các trại thương binh, an dưỡng. Đến đâu, chị Thanh cũng khóc, cũng chìa tấm ảnh anh ra mà hỏi, mà tìm. Cuối cùng, chị tìm thấy anh ở Trại an dưỡng Thanh Liêm, Hà Nam.

Lúc đầu, anh lẩn tránh chị, nhưng chị vẫn tận tình chăm sóc anh với những giọt nước mắt tủi hờn. Chị lặng lẽ, cam chịu quá đến độ anh phải... xiêu lòng. Năm 1971, vượt qua mọi điều tiếng, anh chị cưới nhau. Trong nhật ký của anh sau này chúng tôi đọc được mấy dòng: “Lời ước hẹn ta đã tạc ghi. Biết bao nhiêu tiếng bấc, tiếng chì. Nhưng lòng anh chỉ ghi có một. Một niềm vui, vui nhất là em”.

Anh kể: “Thanh cứ cầm tay, chân bị liệt của tôi mà giơ lên, vung xuống mỗi ngày cả trăm bận. Nhiều lúc tôi thương vợ đã vất vả ruộng đồng nên lén tập một mình: cứ lấy tay khỏe nâng tay yếu. Có bận mỏi quá, buông tay nên chảy cả máu mồm, máu mũi khiến vợ tôi xót quá khóc rầm lên...

Lại có bận, đã lê bước đi tàm tạm được, tôi đòi tập xe đạp. Vợ giữ yên sau, chồng thèo thẽo trên khung xe, tay chân luống cuống thế nào lao cả xe lẫn người xuống mương. Trẻ con kéo đến xem đông nghịt....”

Khi sức khỏe đã phần nào hồi phục, anh chị cố dựng một căn nhà nhỏ, vách đất, mái rạ. Trong tổ ấm bé nhỏ ấy, lần lượt sáu mầm hạnh phúc của anh chị cất tiếng khóc chào đời. Khi gia đình cần anh nhất ở vai trò trụ cột, khi đàn con thau tháu trứng vịt, trứng gà cần bàn tay chăm sóc, chở che thì bệnh cũ của anh tái phát dữ dội. Ba mảnh đạn trong đầu hành hạ, đau đớn khiến anh chân tay co quắp lại như con tôm, mắt trợn lên, vằn đỏ.--PageBreak--

Suốt ngày, anh hò hét: “Anh em phía trước có việc gì không? Đới, Tắc... đã về hết chưa?...”. Những lúc như thế chị Thanh vừa bóp chân, bóp tay cho chồng, vừa khóc, lay anh tỉnh cõi mê. Thương bố, các con lớn của anh chị một buổi cắp sách đến trường, một buổi đeo giỏ đi bắt từng con cua rèm, con tôm, con tép ở bãi triều ven nhà về bồi dưỡng cho bố.

Kể từ khi anh Rường đổ bệnh, con gà, con lợn, sào lúa gặt về chị bán để dành dụm tiền chạy chữa cho anh. Thời bao cấp, thuốc còn hiếm, lại không phải khi nào cũng mua được nên chị Thanh có cách để dành rất độc đáo là cứ dồn tiền mua vài vốc một, trữ trong một cái âu để phòng xa.

Những cơn đau khiến cho anh có cảm giác nóng bừng, như có lửa cháy trong người, chỉ thích ngâm mình xuống ao cho mát, làm cho phải cố sống, cố chết giữ anh lại.

“Cả đời tôi chỉ hối hận có một bận, đó là lần khi anh lên cơn mà không có tôi ở bên. Lúc đi chợ về, thấy nhà cửa tanh bành đã nghi rồi. Kiếm mãi không thấy chồng đâu, tôi mới sấp ngửa chạy đi tìm.

Vừa chạy, tôi vừa khóc vừa gọi anh để khua mọi người dậy tìm giúp. Nghĩ quẩn, anh nóng người, ngâm mình xuống nước có lẽ chết đuối rồi. Ao nào tôi cũng xuống mò, lặn hụp rồi về sau không đủ sức lặn hụp nữa thì cầm gậy mà dò, mà cào tìm chồng nhưng không thấy tăm hơi anh đâu.

Tuyệt vọng, tôi ngất lên ngất xuống thì bỗng thấy một người đàn ông cũng lấn bấn, tò mò len đám người đang vây kín bờ ao để xem. Nhìn kỹ, hóa ra là... chồng mình. Mừng quá, người lép nhép đầy bèo tây, tôi chạy lên ôm chầm lấy anh”.

Kể từ đó, mỗi lần anh đi lang thang, chị đều đi theo. Lên cơn, nóng giận, anh mắng, anh đuổi, anh ném thì chị nấp vào một chỗ để lúc sau lại đi tiếp. Bất kể nắng mưa hay đêm tối mịt, những lúc anh ngâm mình dưới ao, chị ở lỳ trên bờ chờ anh “tinh tỉnh” rồi lội xuống dẫn chồng về nhà tắm giặt, ăn uống...

Chị kể, mùa hè thì anh bỏ đi lang thang, dầm mình xuống ao, mùa rét, vết thương trở chứng, chân tay co quắp, nhói buốt thì lại nằm liệt giường, thâm chiếu, thâm màn cả 4 - 5 tháng. Tứ thời anh đau, tứ thời chị tất tả. Cứ như vậy, hơn 30 năm nay, kể từ khi lấy anh, chị Bùi Thị Thanh tận tình chăm chồng và nuôi con khôn lớn...

Ngay cả khi chúng tôi đến, nhìn cảnh chị và anh đang quây quần bên đứa cháu, nét mặt chị rạng rỡ nhưng vẫn sẽ sàng: “Trông thì vậy thôi, chứ lúc anh ấy lên cơn thì bất thường lắm”.

Nghe chuyện, gặp người, chúng tôi cảm phục tình cảm của chị giành cho anh và càng cảm phục hơn, bằng sức lao động cần cù của chị, chị đã cùng anh và các con, xây được căn nhà... mà không phải gia đình bình thường nào ở vùng biển Kim Mỹ cũng có thể làm được

Dương Đình
.
.
.