21 năm cứu người chết đuối

Thứ Năm, 08/02/2007, 12:46

Theo anh Mai Văn Vân, người suốt 21 năm qua cứu người chết đuối trên sông Công (Thái Nguyên),  người sắp chết đuối thường rất hoảng loạn, họ ghì chặt bất cứ thứ gì rơi vào tầm tay. Vì thế, khi tiếp cận, anh chủ động túm tay, quần áo nạn nhân để kéo lên, chứ không để nạn nhân ôm vào người.

Năm 1986, khi anh Mai Văn Vân xuất ngũ trở về, cuộc sống của hai vợ chồng anh lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Nhà 4 nhân khẩu nhưng chỉ trông chờ vào 5 sào chè, hai đứa con lại đang tuổi ăn tuổi học. Không biết lấy tiền đâu để trang trải cho cả gia đình, để cải thiện, anh Vân vác tre, gỗ lạt ra bờ sông Công lập chòi canh, găm đó đánh tôm, bắt cá.

Lầm lũi cả ngày lẫn đêm, một mình một bến sông, mỗi ngày, anh Vân cũng kiếm được 1,2kg chiến lợi phẩm, ngày nào được giá may ra cũng bán được 30.000 đến 40.000 đồng để chi tiêu lặt vặt trong nhà. Nhưng cũng chính vì thường xuyên trực ở đây, hiểu hết những hiểm nguy tiềm ẩn trong lòng sông nước nên anh Vân đã trở thành người cảnh báo, cứu hộ tai nạn ở bến sông này trong suốt 21 năm qua. 

Dòng sông Công, đoạn chảy qua xóm Ao Cang, xã Bá Xuyên (thị xã Sông Công) rộng chừng 5m, nước chảy êm đềm nhưng người dân địa phương lại bảo đây là "điểm đen", nơi có "dớp" về tai nạn chết đuối.

Lòng sông dốc, những lúc mưa lũ hay những đợt hồ Núi Cốc phía thượng nguồn bất thình lình xả nước, lòng sông rộng ra đột ngột, nước chảy với tốc độ phi mã. Những lúc như thế, xe máy chạy qua cầu Tràn (nối xã Bá Xuyên với xã Bình Xuyên) thường bị xô xuống sông, ngay cả những chiếc ôtô cũng bị nâng nổi lên và đánh dạt về phía thành cầu. Rồi hàng loạt chiếc hố do tàu đào, máy hút cát hoạt động trước đây để lại cũng trở thành những cái bẫy chết người.

Thế mà, khi tai nạn xảy ra, anh Vân lao xuống sông cứu người bất kể nông hay sâu, nước chảy xiết hay là cuộn xoáy. 21 năm cứu người, anh Vân đã tích lũy được cả một kho kinh nghiệm. Theo anh, người sắp chết đuối thường rất hoảng loạn, họ ghì chặt bất cứ thứ gì rơi vào tầm tay chới với của họ. Vì thế, khi tiếp cận, anh chủ động túm tay, quần áo nạn nhân để kéo lên, chứ không để nạn nhân ôm vào người bởi như thế có thể chết cả dây.

Chiến thuật tốt nhất mà anh vận dụng là lặn xuống, đẩy người gặp nạn lên khỏi mặt nước, giữ như thế một lúc để nạn nhân hoàn hồn rồi mới đẩy vào bờ. Với cách đó, trong nhiều năm qua, anh Vân ít khi thất bại. Còn khi đã vớt được người lên, kỹ thuật làm cho nước trong người nạn nhân ộc ra, rồi tiến hành hô hấp nhân tạo thì anh đã rất thành thục từ khi còn trong quân ngũ.

Anh Vân cố nhớ lại số lần xuống sông cứu người trong suốt 21 năm qua nhưng không thể nào nhớ nổi bởi một lẽ đơn giản "thấy người bị nạn thì cứu, chứ chẳng đếm bao giờ". Sau mỗi lần cứu được người thoát chết, tùy theo tuổi tác mà nạn nhân nhận anh là bố, là anh em, thậm chí là con nuôi của họ.

Nhiều người trong số đó đã đến tạ ơn anh bằng gói bánh hay bữa rượu mừng. Đó âu cũng là cái lẽ cư xử tự nhiên giữa người với người. Bởi khi lao xuống sông cứu nạn, anh đâu nghĩ đến những hiểm nguy đe dọa tính mạng mình. Anh cũng chẳng nề hà hay bận tâm đến việc người ta sẽ làm gì để trả ơn hay báo đáp.

Thế nhưng, cũng có một vài nạn nhân sau khi được anh cứu sống đã có những hành động khiến anh cảm thấy phiền lòng. Chẳng hạn năm 2004, anh cứu một thanh niên say rượu ngã từ trên cầu Tràn xuống, đưa nạn nhân về nhà chăm sóc, nấu cháo cho nạn nhân ăn, đi gõ cửa từng nhà hàng xóm, thuyết phục mọi người ra cầu Tràn kéo chiếc xe máy của nạn nhân lên. Thế mà hôm sau, khi đưa nạn nhân về, gia đình nạn nhân đã đưa ra một khoản tiền kha khá để trả công cho anh.

Lòng thơm thảo và tự trọng của một cựu binh dường như bị xúc phạm, giao người xong, anh lặng lẽ cáo lui, lòng buồn nặng trĩu... Anh Hà, một người dân trong xóm Ao Cang nói với chúng tôi: "Mỗi năm ít nhất có 1, 2 vụ, 21 năm ít nhất là 40, 50 người được cứu. Mà vụ nào anh Vân cũng dính vào, có chuyện ở bến sông, dân làng cứ ra hỏi chú Vân là khắc biết".

Dòng sông Công đoạn chảy qua xóm Ao Cang từ trước đến nay vẫn được tiếng là đẹp nhất nên lượng người đổ về đây thưởng ngoạn ngày càng nhiều. Chiếc chòi của anh Vân nằm ở đó suốt 21 năm qua như một trạm cứu hộ bất đắc dĩ. Điều khiến anh Vân trăn trở nhất hiện nay là không thể thường trực 24/24 giờ trên trạm cứu hộ, sông nước cũng đã lấy đi của anh rất nhiều sinh lực, tuổi 50 cũng sắp sửa đến gần nên anh không thể nhanh nhẹn và xông xáo được như trước.

Anh Vân đang nghĩ đến giải pháp sẽ phối hợp với chính quyền dựng một cái biển cảnh báo nguy hiểm thật to để trẻ em, người lớn trong vùng cũng như khách từ nơi khác đến đều có thể trông thấy từ xa mà phòng tránh, để mỗi lần ra sông là thấy sự yên bình

Huyền Thanh
.
.
.