17 năm đi tìm liệt sỹ

Thứ Năm, 30/04/2009, 11:43
Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm nhưng vẫn còn đó những nỗi đau không thể xóa nhòa. Là một người lính trở về sau ngày giải phóng, niềm vui của Đại tá Quân đội, Anh hùng LLVTND Trần Kim Hùng (80 tuổi), trú tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng không được trọn vẹn bởi ông vẫn đau đáu về những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường.

Vì vậy, trong những năm phục vụ công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, ông luôn trăn trở về những đồng đội, chiến sỹ của mình đang còn nằm đâu đó trên những mảnh đất đã bị cày nát bởi bom đạn kẻ thù.

Từ ngôi mộ 11 hài cốt vô danh…

Chúng tôi đến nhà ông Trần Kim Hùng vào một ngày cuối tháng tư nắng nóng. Căn nhà nhỏ, chật chội nằm sâu trong con hẻm chứa đầy những kỷ vật của đồng đội. Là một Đại tá Quân đội, ông hiểu hơn ai hết những nỗi đau mất mát của đồng đội. Do đó, gần 2 thập kỷ qua, ông đã khăn gói đi nhiều nơi từ đồng bằng đến miền núi để cất bốc hài cốt những người lính, người đồng đội cũ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Một dấu ấn quan trọng để ông thực sự đến với những người lính đã ngã xuống, giúp họ trở về là năm 1990, tại tổ 25, phường Vĩnh Trung, người dân phát hiện một ngôi mộ chôn 11 hài cốt không tên tuổi. Theo nhiều thông tin cho biết, đây là 11 nạn nhân bị thực dân Pháp bắn tại một ngã tư trên đường Hùng Vương sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).

Ông Trần Kim Hùng bên những kỷ vật của đồng đội.Ảnh: B.N..

Từ đây ông nhận định, họ chính là những con người cách mạng, bị thực dân Pháp bắn chết, do đó, cần phải được đưa về với người thân và cần phải khắc bia ghi dấu sự tàn bạo của thực dân… Từ 11 hài cốt không tên tuổi nằm dưới lòng đất này, ông đã nghĩ đến những người lính, người đồng đội đã ngã xuống trên khắp các nẻo chiến trường. Nỗi trăn trở không nguôi thôi thúc ông…

Đến 17 năm đi tìm liệt sỹ

Ông tâm sự, xung trận, có nhiều người ra đi mãi không về. Khi ra đi đánh giặc, những đồng chí, đồng đội thề với nhau rằng, sau này nếu ai còn sống hãy đi tìm nhau. Bây giờ đồng đội mình đang còn nằm ở trên những cánh đồng, nơi đồi núi xa xôi hẻo lánh, các anh rất mong được về với gia đình. Vậy, sao mình có thể sống mà không nghĩ và tìm họ? 

Để thực hiện ước nguyện đó, ông phải tự nuôi heo bán kiếm tiền đi tìm đồng đội. Ông tâm sự, mỗi năm phải nuôi 4 con heo, khi mỗi con lớn 80 đến 100 kg mới bán lấy tiền. Một phần đưa vợ, còn lại để thực hiện cho mỗi chuyến đi của mình. 17 năm qua, theo phép tính nhẩm của mình, ông cũng nuôi gần 70 con heo. Qua số tiền dành dụm được, ông tiếp tục vận động các anh em của mình một thời chiến đấu còn sống sót để đi tìm đồng đội.

Mỗi chuyến đi, ông tổ chức thêm một số anh em chiến hữu để cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn cũng như những nỗi vất vả. Với ngần ấy thời gian tìm kiếm, ông cùng đồng đội đã đi khắp các chiến trường, nơi mà năm xưa ông cùng những người đã ngã xuống quyết sống mái với quân thù. 17 năm ấy với biết bao nhiêu đêm lội suối, ngủ rừng và đã có trên 300 đồng đội, chiến sỹ được trở về với gia đình để yên nghỉ. 

Bà Lê Thị Mai Mận (67 tuổi) vợ ông cho biết, vừa làm công tác từ thiện, vừa đi tìm mộ liệt sỹ, ông đi miết, đôi lúc tôi cũng cảm thấy buồn và trống trải, nhất là giai đoạn con cái đang còn nhỏ. Mỗi lúc ông đi, con cái phải thay ông nuôi heo, nhiều lúc tụi nhỏ gặp bạn bè ngại lắm nhưng vì tâm nguyện của cha mình nên mấy đứa con gái cũng sẵn sàng hết. Tôi cũng là người lính, thấy các anh về với gia đình, tui cũng vui lây…

Bà Mận kể lại, vào những năm của thập niên 90, một lần ông tìm được một hài cốt liệt sỹ, sung sướng quá nên ông đã đưa tin lên đài thông báo.

Nghe tin, một người phụ nữ quê tận ngoài Bắc, nghèo nàn nhưng đã mấy năm nay lặn lội đi tìm người thân mà không có đã vượt cả mấy trăm cây số vào cho kịp để đón nhận người thân trở về. Vì nôn nóng khi hay tin người thân nên người phụ nữ ấy chẳng kịp thu xếp áo quần, tiền bạc và cũng vì quá nghèo nên chẳng có gì để chuẩn bị.

Khi vào đến nơi, bà đói lả sắp ngất đi bởi đã 2 ngày không có hạt cơm nào trong bụng. Hai vợ chồng ông Hùng không chỉ tiếp đãi bà như thượng khách mà sau đó còn cho tiền để mai táng người thân về quê…

Bằng kinh nghiệm của một người lính trải nghiệm trong thực tế chiến đấu và bằng tính cẩn thận của người chỉ huy năm xưa, ông đã ghi lại tường tận mọi chi tiết công việc trong nhật ký của mình. Giở cuốn nhật ký chiến trường của mình, ông cho tôi xem từng địa chỉ. Tuy nhiên ông nói, do dáng đất, địa hình, cây cỏ đã thay đổi nên nhiều địa chỉ thất lạc khó tìm thấy.

Hiện tại, cũng xác định được nhiều địa chỉ nhưng phải xác minh cho rõ lai lịch, thân nhân rồi mới đi bốc đem về cho gia đình. Ông Hùng khẳng định, dù khó đến mấy cũng phải cố gắng để đưa các anh về với gia đình… 

Bùi Ngọc
.
.
.