17 năm cứu người trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thứ Tư, 28/03/2007, 17:51

17 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Tuy - khu ga Phạm Xá (xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã bỏ thời gian, công sức và tiền bạc cấp cứu cho nạn nhân của hàng nghìn vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 5, cứu sống hàng trăm người.

Từ năm 1990 đến nay, những lời kêu gọi của các nạn nhân như đã ngấm vào máu ông Tuy và trở thành một thứ phản xạ, bởi cứ nghe thấy nó là ông tất bật lên chiếc xe cà tàng chằng sẵn chiếc nẹp, chiếc hộp chứa bông băng và vài viên thuốc để lao đến nơi xảy ra tai nạn, bất kể khi đó là nửa đêm, gà gáy hay mưa gió, bão bùng.

Bị tai nạn, gọi ông Tuy!

Cái hồi mà chưa có điện thoại, người ta chạy đến nhà ông để gọi, bây giờ thì người ta chỉ cần bấm máy để "alô" cho ông. Hai số điện thoại 0320.729982 và 0904.718661 của ông Tuy đã trở nên quá quen thuộc với người dân từ khu vực Phạm Xá đến cầu Lai Vu, quen hơn cả số 115 (số đường dây nóng gọi xe cứu thương).

Nhà ông Tuy giáp mặt với đường 5, quốc lộ với tốc độ của những dòng xe nhiều khi lên tới gần trăm cây số/giờ vốn được gọi là con đường tử thần. Ông Tuy tâm sự: "Thử hỏi, chú thấy người ta bị nạn giẫy giụa, bất tỉnh liệu có cầm lòng được không? Nghĩ vậy thì mình làm thôi, chẳng tính toán gì hết. Làm lâu rồi thành quen, thành trách nhiệm".

Ròng rã mười mấy năm trời, cứu cả trăm, cả nghìn nạn nhân các vụ tai nạn nhưng phải đến khi ông Tuy nhặt được và đem trả lại cho người bị nạn một chiếc cặp trong đó có gần 40 triệu đồng thì người ta mới ngã ngửa: "Cái lão này hóa ra chẳng có âm mưu gì. Nhưng mà... gần bốn chục triệu bạc, số tiền có nhỏ nhặt gì đâu, nhà lại nghèo, ỉm đi thì ai biết".

Chuyện đó xảy ra vào năm 2000. Sáng sớm, ông Tuy đi tập thể dục về nghe tiếng va quệt rợn người. Ông quay lại thì thấy chiếc xe container từ phía Hải Phòng đi Hà Nội đang kéo một chiếc xe máy lê cả trăm mét. Người lái xe máy văng ra va vào taluy đánh rầm. Ông Tuy lao lại, chiếc xe máy bẹp dúm dó còn người lái xe thì bất tỉnh nhân sự, đó là anh Đỗ Quốc Đạt người Hải Phòng.

Trong lúc đang vội vã sơ cứu, bỗng một tên lưu manh lao đến vơ chiếc cặp định bỏ chạy. Biết là chiếc cặp của anh Đạt, ông Tuy nhanh chân quật đổ tên cướp: "Cút. Người ta đang bất tỉnh mà mày còn làm cái điều vô đạo đó sao?"- Ông Tuy thét lên rồi bế anh Đạt, cầm theo chiếc catap bên trong có gần 40 triệu đồng.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 18/6, anh Đạt (hiện nay là Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vimexco Hải Phòng) lại đến nhà ông Tuy uống một chén rượu để nhớ lại cái ngày mình đã được cứu giúp. Anh coi ông Tuy là ân nhân.

Chốt cấp cứu đường... "Vê"

Đến bây giờ, ông Tuy không đếm, cũng không nhớ chính xác là bao nhiêu vụ tai nạn giao thông mà ông đã tham gia sơ cứu các nạn nhân. Ông bảo, mình làm đâu để lấy thành tích.

Tuy vậy, theo thống kê sơ bộ, mỗi năm ông Tuy cấp cứu cho gần 100 vụ, 16 năm nghĩa là khoảng 1.600 người đã sống được hoặc giảm bớt thương tích nhờ có ông. Ông có 10 cuốn sổ ghi chi chít những vụ tai nạn với mục đích ghi lại để bàn giao cho Công an giúp họ giải quyết.

Ngôi nhà ở mặt đường 5 của ông Tuy có treo một tấm biển "Chốt sơ cứu tai nạn giao thông trên đường V" hệt như đây là một cơ quan y tế. Nhưng kỳ thực đó là do ông Tuy "tự phát" làm, trường hợp nào tai nạn nhẹ ông đưa vào "chốt" để nghỉ ngơi, băng bó rồi đưa về mà không thu tiền, trường hợp nặng lập tức sơ cứu rồi đưa đi viện.

"Nhiều người rất sợ nhìn thấy tai nạn. Bác không sợ sao?". Tôi hỏi. Ông cười: "Ngày trước tai nạn nhiều, mình lo quá lao vào làm liều thôi. Cứ tay không bế người ta, lúc về máu dính be bét. Nghĩ cũng hoảng. Sau này có điều kiện thì mặc thêm cái áo mưa, đeo găng. Rồi cũng phải học qua một tý về cấp cứu. Nhưng kì lạ là chưa khi nào sơ cứu mà bệnh nhân lại thêm nặng ra cả. Nhiều lúc đến bệnh viện, bác sĩ hỏi đùa: "Bác nẹp cho bệnh nhân siêu thế. Có lẽ phải mời vào làm Trưởng khoa cấp cứu thôi". 

"Chốt cấp cứu đường V" của ông Tuy bây giờ vẫn đang là một địa chỉ mà bà con thường nghĩ tới mỗi khi nghe có vụ tai nạn giao thông xảy đến. Hàng ngày, ông vẫn đều đặn dăm, bảy lần đảo qua đó. Cái mong muốn nhỏ nhoi duy nhất của ông hiện nay là làm sao có điều kiện để trang bị thêm dăm thứ dụng cụ y tế nữa, để ông có thể cấp cứu giúp người bị nạn mỗi khi xảy ra sự cố được hữu hiệu hơn, chứ hiện nay nó sơ sài quá. Có thể chỉ là một chiếc cáng cứu thương, dăm chai huyết thanh hay chiếc giường bệnh tử tế cho nạn nhân nằm nghỉ.

Ông bảo, thôi, mình sẽ cố sắm dần dần, nhưng giá như thành lập được hẳn một tổ chuyên cấp cứu tai nạn, có được sự huấn luyện của các chuyên gia y tế thì hay biết mấy.

Bà Bùi Thị Mát - vợ ông Tuy - giờ cũng không còn cằn nhằn về việc làm "dấm dớ" của chồng nữa. Lúc ông đi đâu xa, gặp vụ tai nạn, bà Mát lại: "Alô, có tai nạn, về ngay ông ơi!". Riêng ông Tuy tâm sự: "Tôi hy vọng sẽ đến ngày không "bị" nghe câu gọi đó nữa. Không phải tôi không còn nhiệt huyết, cái mà tôi muốn là tai nạn không bao giờ xảy ra".

Tâm nguyện giúp người…

Ông khai giảng lớp học đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật. Đó là ước nguyện từ rất lâu của ông trong dự án "Tuy Hưng - Dạy nghề cho thanh niên, thiếu niên khuyết tật huyện Kim Thành". Lớp học nằm ngay trong khuôn viên nhà ông. Ông Tuy không thu tiền học phí mà tự bỏ tiền túi thuê 3 giáo viên của Công ty May quốc tế Đồng Tài về dạy, trả lương mỗi tháng 400.000 đồng/người. Ở đây, học sinh được học chủ yếu về nghề thêu, móc. Mỗi khoá học kéo dài 3 tháng, nếu cháu nào "tốt nghiệp" xuất sắc, ông Tuy sẽ tìm việc cho làm.

Tôi chợt lẩn thẩn, ông Tuy phải có nguồn kinh phí ở đâu để mà sống, mà làm những việc "giời ơi đất hỡi" này chứ. "Cũng nhờ có ba người con làm ăn ở nước ngoài chu cấp một phần, cộng với sự tảo tần của vợ nên tôi mới rảnh rang hoạt động được, nhưng không có nghĩa là nghèo thì không có tình thương đâu nhé. Tôi làm việc này từ năm 1990, khi đó tôi cũng còn rất nghèo".

Tình thương, lòng nhân ái, không hẳn tỉ lệ thuận với sự giàu nghèo. Và quả thực, cuộc sống nếu không có những tấm lòng nhân ái, có lẽ sẽ chẳng còn gì là ý nghĩa của cuộc sống

Mai Tâm Hiếu
.
.
.