Thời điểm để đối thoại

Thứ Hai, 25/05/2020, 15:01
"Trong nguy có cơ", đại dịch Covid-19 lại đang hé mở cơ hội để hai nền kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nảy sinh nhu cầu hàn gắn quan hệ thương mại hai chiều, vốn đã trở nên lạnh nhạt kể từ ngày đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử ba năm về trước.


"Thành ý" của EU

Theo hãng AFP đưa tin, mới đây, Ủy viên thương mại châu Âu Phil Hogan đã gửi thư tới Đại diện Thương mại Mỹ đặc trách là Robert Lighthizer. Trong bức thư đó, ông Hogan thể hiện sự tin tưởng rằng, "cuộc khủng hoảng hiện nay (với các hệ lụy phát sinh từ đại dịch Covid-19) là cơ hội mang tính chính trị để tháo gỡ những vấn đề tồn đọng giữa hai bên".

EU, như cách diễn giải của AFP về những thông điệp từ ông Phil Hogan, đang chờ đợi phía Mỹ phát đi những tín hiệu tích cực thể hiện rằng Washington cũng sẵn sàng cho việc giảm căng thẳng. Và theo một số nguồn tin khác từ châu Âu, trong ngày 11-5, ông Phil Hogan cùng ông Robert Lighthizer đã có một cuộc điện đàm với các chi tiết được đánh giá là tích cực.

Ông Robert Lighthizer - người cũng "sắt đá" trong các vấn đề thương mại không kém gì đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đó là những diễn biến rất đáng chú ý, bởi Ủy ban Thương mại châu Âu dự định chuyển văn bản về chiến lược mới trong quan hệ thương mại với Mỹ tới 27 nước thành viên EU vào ngày 15-5. Phil Hogan, hành động với tư cách cá nhân, thực tế lại đóng vai trò một "sứ giả hòa bình" truyền tải thiện chí "làm lành" từ EU tới Mỹ. Bởi vậy, cho dù chưa được công bố cụ thể, giới quan sát quốc tế có lẽ cũng đã có thể đoán được "gam màu chủ đạo" của chiến lược thương mại mới EU - Mỹ.

Chiến lược ấy sẽ phải hướng đến những thay đổi tích cực để chuẩn bị sẵn sàng những nền tảng cho tiến trình phục hồi. Những ngày qua, khi Covid-19 ập tới,  không chỉ riêng EU hay Mỹ, mọi hoạt động thương mại đều đã ngưng trệ, mọi nền kinh tế trên thế giới đều đã bị tổn thương nặng nề.

Mây xám bao phủ trên cả bầu trời Washington lẫn Bruxelles.

Những được - mất vô hình

Tình trạng "cơm chẳng lành, canh không ngọt" giữa những đối tác truyền thống ở hai bờ Đại Tây Dương đã bắt đầu như thế nào?

Ba năm trước, khi trở thành tổng thống Mỹ, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu trở nên "riết róng" hơn đối với các bạn bè ở cựu lục địa, một cách toàn diện. Song, như vấn đề cốt lõi bất biến của mọi mối quan hệ quốc tế, lợi ích kinh tế vẫn là đích đến cuối cùng. Điểm khác biệt là ngài Trump đòi hỏi điều đó cho nước Mỹ một cách thẳng thừng và cứng rắn gấp bội so với các chính quyền tiền nhiệm.

Ông gây sức ép lên EU về quân sự - an ninh - quốc phòng, khi chỉ trích các đồng minh châu Âu là đóng góp quá ít vào các kế hoạch chung (nghĩa là "Hãy bỏ thêm tiền ra!"), đến mức độ mà nước Đức và nước Pháp phải nghiêm túc đề cập đến chuyện thành lập một "Quân đội châu Âu" riêng, hoạt động độc lập với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Ông dựng những hàng rào thuế quan, ký những lệnh trừng phạt dành cho các "kẻ thù", và tuyên bố bất cứ quốc gia nào vi phạm cũng sẽ "bị liên lụy", cho dù là những đồng minh cố cựu của nước Mỹ.

Châu Âu, bởi vậy, khổ sở khi thường xuyên bị kẹt giữa những làn đạn, theo cách không hề mong muốn. Họ, chứ không phải nước Mỹ, mới là khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những lệnh cấm vận hướng về phía nước Nga (và bị nước Nga đáp trả, với những biện pháp cứng rắn nhắm vào an ninh năng lượng của EU). 

Các doanh nghiệp châu Âu, vốn đã sẵn sàng tham gia vào tiến trình tái thiết Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 (JCPOA), "rơi vào thế việt vị" bởi nước Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận đó. EU cũng đã lên sẵn những kế hoạch đầy tham vọng để nắm bắt các cơ hội phát triển vĩ đại nảy sinh từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và còn hơn thế là Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thì Mỹ rời bỏ TTP, và khiến TTIP "chết yểu".

Một cách trực tiếp, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump không buồn che đậy mục tiêu giảm thâm hụt thương mại, kể cả với các bạn bè cũ như EU, bằng bất cứ thứ ngôn ngữ ngoại giao nào. Vừa lên nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng hiện tại đã áp một loạt mức thuế mới lên các sản phẩm nhôm - thép nhập khẩu từ cựu lục địa. 

Không còn cách nào khác, EU buộc phải trả đũa, bằng việc tăng thuế đối với những mặt hàng mang tính biểu tượng của nước Mỹ: Xe máy phân khối lớn, hay thời trang jeans. Song, cũng đã từ trước đó rất lâu, Mỹ và EU bất đồng gay gắt quanh câu chuyện bảo hộ cho hai hãng sản xuất máy bay dân dụng lớn nhất thế giới: Boeing và Airbus. Thậm chí, trước tháng 3-2020, giữa cao trào Covid-19, chính Robert Lighthizer cũng vẫn tán thành việc tăng thuế nhập khẩu đánh lên các máy bay của Airbus.

Chưa ai được gì với những cuộc tranh chấp này thì Covid-19 ập đến và khiến tất cả đều có thể chẳng còn gì nhiều để mà mất.

Yếu tố Brexit

Gần như song song với bản kế hoạch chiến lược thương mại Mỹ - EU mới, châu Âu cũng bước vào một giai đoạn quan trọng của tiến trình hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho thời hạn chuyển tiếp của việc nước Anh "dứt áo ra đi". Luân Đôn vẫn kiên định sẽ không đề nghị gia hạn thời hạn chuyển tiếp đó (sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2020), và những vòng đàm phán mới đã bắt đầu tiếp diễn từ ngày 11-5.

Vấn đề là, những cuộc thảo luận này có rất ít hy vọng sớm khai thông được bế tắc, khi bất chấp thiện chí được bày tỏ trên lý thuyết, giữa EU và Anh vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc trong thực tế, về khá nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong khi đó, một tuần trước, Anh bắt đầu xúc tiến việc ký kết một hiệp định thương mại tự do với Mỹ - kế hoạch kinh tế được đánh giá là quan trọng nhất của Luân Đôn, thời kỳ hậu Brexit.

Tuy nhiên, nếu không thể giải quyết dứt điểm các khúc mắc với EU trước thời hạn 31-12-2020, "chuyện làm ăn" của riêng nước Anh vẫn phải tuân thủ một số quy định như khi họ vẫn là thành viên của EU.

Bên cạnh đó, việc Anh và EU có đạt được những thỏa thuận quan trọng với nhau hay không lại có những mối liên hệ mật thiết với quan điểm của Washington. Năm 2019, khi chính phủ của Thủ tướng Anh lúc đó - bà Theresa May - đưa ra những thỏa hiệp (được cho là) cần thiết để thúc đẩy tiến trình Brexit, nước Mỹ đã lập tức lên tiếng rằng họ sẽ xem xét lại những mối quan hệ kinh tế với nước Anh, nếu các cam kết của Luân Đôn với châu Âu lục địa làm ảnh hưởng tới quyền lợi của Mỹ.

Mà nước Mỹ, như tất cả đều biết, là đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh. Và nước Mỹ, ba năm qua, lại đang duy trì một sự băng lạnh "đáng sợ" với EU.

Với những vấn đề chồng chéo và phức tạp của mối quan hệ tam giác này, một thỏa thuận "hậu Brexit" Anh - EU hay một hiệp định thương mại tự do Anh - Mỹ, muốn "xuôi chèo mát mái" đều cần phải tháo gỡ được điểm then chốt: Căng thẳng thương mại EU - Mỹ.

Và Covid-19, bằng sự tê liệt khủng khiếp mà nó gây ra, bằng những tổn thất mà nó mang tới, bằng tương lai đầy chật vật mà nó để lại cho guồng máy kinh tế toàn cầu… lại vô tình đẩy bật một cánh cửa cho đối thoại.

Cứng rắn, không khoan nhượng đến tàn nhẫn vẫn luôn là phong cách quen thuộc của đương kim tổng thống Mỹ. Song, trong bối cảnh hiện tại, sự cứng rắn ấy sẽ là có hại hơn là có lợi cho "chuyện làm ăn".

Mà cũng chỉ còn hơn sáu tháng nữa thôi, "cuộc chiến bảo vệ Nhà Trắng" của ngài Donald Trump đã lại chính thức bắt đầu. Ông cần những thành tựu kinh tế, hơn lúc nào hết, để bảo vệ vị trí của mình.

Biết đâu nhờ vậy, mọi bế tắc đều có thể được khai thông…

Thiên Thư
.
.
.