Khó như vào trường … mầm non

Thứ Tư, 06/09/2017, 21:08
Tưởng câu chuyện thừa trò thiếu lớp chỉ diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng ở một số huyện của tỉnh Nghệ An, câu chuyện này cũng "nóng" không kém. Trước tình trạng thiếu phòng học, hàng trăm trẻ em "bơ vơ" vì không được đến trường...


"Rớt" đầu vào ở trường mầm non  

Mặc dù kết quả tuyển sinh vừa được công bố cách đây khoảng 1 tuần nhưng câu chuyện đầu vào ở một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An dường như chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Dù nhà trường, chính quyền địa phương cũng như Phòng Giáo dục & Đào tạo đã cùng ngồi lại, cố gắng tìm mọi phương án để giảm thiểu số lượng trẻ em không được đến trường trong năm học 2017 - 2018 nhưng có vẻ những giải pháp đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề vốn được xem là nhức nhối suốt nhiều năm qua.

Trong những điểm "nóng" đó phải kể đến một số xã thuộc huyện Diễn Châu như Diễn Thành, Diễn Cát, Diễn Hải… Theo tìm hiểu, suốt 5 năm qua, năm học nào, công tác tuyển sinh vào mầm non ở những nơi này cũng gặp khó khăn, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Chung quy cũng vì… thiếu phòng học, gây bức xúc trong dư luận.

Trước đó, từ tối 21-8 sang 22-8, nhiều phụ huynh có con em đang trong độ tuổi đi học nhà trẻ, mầm non đã tập trung chờ trước cổng Trường Mầm non xã Diễn Thành để nộp hồ sơ. Vì sợ "trật" mất cơ hội cho con em mình được đi học, nhiều phụ huynh đã không rời "căn cứ địa" trường mầm non của xã suốt cả ngày, chấp nhận đợi trong thời tiết nắng nóng 38 độ và ăn cơm hộp, trong đó có những phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Theo chia sẻ từ phía Phòng Giáo dục & Đào tạo của huyện, dù đã cố gắng sắp xếp, mở thêm một lớp 30 cháu thì vẫn còn hơn 60 cháu… không có cơ hội đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Hàng trăm phụ huynh tập trung tại Trường mầm non xã Diễn Thành để nghe kế hoạch tuyển sinh năm học 2017 - 2018. (Ảnh: NDCC)

Tương tự, ở xã Diễn Hải, hàng trăm phụ huynh kéo nhau đến trường đòi quyền lợi cho con em mình, trong đó có không ít cựu binh, thương binh, thậm chí cả bậc lão thành cách mạng. Nhiều phụ huynh cho biết, đây không phải là năm đầu tiên họ xếp hàng mong có suất học cho con cháu. Còn ở xã Diễn Thắng, việc trẻ em thiếu chỗ để học không phải quá lạ. Có trường hợp, như cháu nội của ông Hồ Bá Thìn, năm học 2016 - 2017 không được đi học, nhà trường còn viết hẳn một cái cam kết là năm học 2017 - 2018 cháu sẽ được đi học nhưng cuối cùng, cũng vì thiếu lớp mà năm nay không được đi học tại trường mầm non gần nhà, phải học "nhờ" ở trường mầm non của xã khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng thiếu lớp này không chỉ diễn ra ở huyện Diễn Châu mà còn ở những địa phương khác của tỉnh Nghệ An như Đô Lương, Quỳnh Lưu,… Riêng xã Quỳnh Châu của huyện Quỳnh Lưu, trong năm học này đã có gần 250 cháu không được đến trường vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ phòng học.

Phụ huynh ở xã Diễn Hải còn dựng băng rôn gây áp lực với nhà trường và chính quyền địa phương. (Ảnh: NDCC)

Đủ lí do, biện pháp đối phó

Qua khảo sát, có thể thấy, nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em không được đến trường có đủ thứ lí do trên trời dưới đất. Chỗ này vì dân nơi khác chuyển đến nhập cư đông quá, làm số lượng trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo tăng lên. Chỗ kia thì thiếu cơ sở vật chất, phải đi học "tạm" ở các nhà văn hóa trên địa bàn. Chỗ thì do xã vay ngân sách, doanh nghiệp gần 35 tỷ đồng để xây dựng các công trình trên địa bàn chưa trả được nên bây giờ có thiếu phòng học cho các cháu cũng… đành chịu, chưa biết tính ra sao… vì nợ cũ còn đó chưa trả, ai cho vay mà xây?! 

Một góc Trường mầm non xã Diễn Thành. (Ảnh: Đ.D)

Và có một điều cần nói ở đây đó là, trong danh sách này, có không ít trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, hoặc chuẩn quốc gia giai đoạn I. Trường mầm non đạt chuẩn mà còn thế, không biết những trường chưa đạt thì sẽ như thế nào? Đó là chưa kể tới việc, có một số mô hình trường tư thục được mở ra, đã "gánh" bớt một số lượng không phải là nhỏ các cháu đến tuổi đến trường.

Tuy nhiên, tâm lý phụ huynh ở nông thôn nói chung vẫn thích cho con em đi học trường mầm non công lập. Ngoài việc học phí rẻ hơn, trường công dẫu gì cũng là trường của Nhà nước, học ở đây sẽ an toàn hơn cho các cháu. Vì thế, nhiều trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã quá tải lại càng quá tải hơn trong nhiều năm qua.

Để khắc phục, một số địa phương đã đưa ra các phương án tuyển sinh khác nhau, như căn cứ vào năm sinh của các cháu, cháu nào sinh trước thì được đi học trước; phụ huynh nào nộp hồ sơ sớm nhất thì được ưu tiên; ai bốc được lá thăm may mắn thì con cái mình được đi học. Có những nơi, trẻ em 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi phải "nhịn" học để "nhường" cho các anh chị 5 tuổi vì theo quy định, trẻ em 5 tuổi bắt buộc phải được phổ cập mầm non trước khi vào lớp 1. Có địa phương năm ngoái còn ra tối hậu thư nghe rất vô lí, đó là “con thứ 3 thì không được đi học”…

Chị Nhiên, xã Diễn Thành, đang bụng mang dạ chửa đi rút thăm cho con vào học ở trường mầm non của xã nhưng rút thăm trật. (Ảnh: DTQT)

Tuy nhiên, xét thấy, dù chọn cách nào vẫn chỉ là những phương án mang tính đối phó, "chữa cháy" và vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để thực trạng đáng buồn này. Dù trước khi vào năm học, nhiều trường đã tiến hành khảo sát số lượng trẻ trong độ tuổi đi học, nhưng khi khai giảng đang cận kề, trước số lượng các cháu có nguyện vọng đi học quá đông, nhiều trường tỏ ra lúng túng, bị động, phải chờ ý kiến từ Phòng Giáo dục & Đào tạo. Và trẻ em, từ cái quyền đến tuổi thì được đi học, cuối cùng, có khi chỉ vì cái rút thăm không may mắn của phụ huynh mà ở nhà. Phụ huynh thì bức xúc tự hỏi vì sao năm nào cũng đóng thuế đầy đủ mà con em của mình lại không được đi học ở trường gần nhà?

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng quá tải chẳng có gì lạ. Nhưng với tỉnh Nghệ An hầu hết các địa phương đều là những huyện nông thôn có quỹ đất đai rộng lớn, bởi vậy bất kì lí do nào đi chăng nữa tình trạng thiếu lớp học, hàng trăm trẻ em (có khi lên con số hàng nghìn nếu thống kê toàn diện) không được đến trường như mong ước là một bất cập. Thực trạng ấy không phải năm học này mới diễn ra mà là một thực trạng trầm kha từ nhiều năm về trước nhưng chưa được giải quyết. Nếu vẫn dừng lại ở những phương án mang tính đối phó ấy, năm nào, Nghệ An cũng sẽ là điểm "nóng" của cả nước về câu chuyện giáo dục mầm non.

Thầy Ngô Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Diễn Châu:

"Tất cả trẻ em đều có quyền đi học"

Theo quan điểm phổ cập mầm non hiện nay, tất cả các em 5 tuổi đều được đi học. Diễn Châu thực hiện tốt điều này. Với các cháu mẫu giáo (3-4 tuổi) và các cháu nhà trẻ (2-3 tuổi), huyện Diễn Châu trong thời gian qua tuyển sinh theo tỷ lệ đảm bảo 20% cháu trong độ tuổi nhà trẻ và 89% cháu trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ này đúng theo mặt bằng chung của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, số cháu trong nhà trẻ và số cháu mẫu giáo vẫn có nhu cầu đi học. Đó là nguyện vọng chính đáng, cũng là quyền lợi của các cháu. Để đáp ứng được điều kiện đó, phải có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để dạy. Song có một thực tế là, có một số xã, nhu cầu đi học của các cháu vẫn còn nhưng địa phương chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, cụ thể là thiếu lớp học. Hiện nay, biên chế giáo dục mầm non ở Nghệ An cũng chưa đáp ứng đủ theo tiêu chuẩn nói chung. Thông thường, một lớp sẽ có 2 giáo viên thì ở Nghệ An, bình quân chỉ có 1,5 giáo viên/lớp. Tình trạng quá tải không nhiều thì ít, diễn ra ở hầu hết các địa phương của tỉnh Nghệ An nói chung, Diễn Châu nói riêng.

Nguyên nhân của sự quá tải, tăng số lượng trẻ đến trường mầm non cao như vậy xuất phát từ nhu cầu của người dân. Phụ huynh bây giờ lo cho con em của mình hơn so với trước đây. Hai là chất lượng giáo dục mầm non càng ngày càng tốt nên phụ huynh yên tâm gửi con ở trường để đi làm ăn. Lý do từ phía bộ phận nhập cư mới có, nhưng không đáng kể, và không phải địa phương nào cũng có áp lực từ dân nhập cư vì điều đó chỉ tập trung ở một vài xã có công nghiệp tập trung mà thôi.

Trước tình hình quá tải đó, địa phương đã đề xuất phương án tuyển giảm cháu nhà trẻ, tăng cháu mẫu giáo lên. Theo quy định, các cháu nhà trẻ cũng như các cháu mầm non đều có quyền lợi ngang nhau. Ưu việt nhất là, ai có nhu cầu đều được đi học. Phương án đó từ phía địa phương vô tình hạn chế quyền lợi đi học của cháu nhà trẻ. Quan điểm ngành giáo dục, tất cả trẻ đều phải được đi học và có quyền đi học như nhau. Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết dứt điểm những bất cập trong thời gian qua, đó là xây thêm trường, mở thêm lớp. Cơ sở vật chất do xã, thị trấn đầu tư. Chỉ cần có lớp học, Phòng Giáo dục & Đạo tạo sẽ lo phần nhân sự. Song cũng phải nói thêm rằng, để làm được điều này cũng khó. Không phải xã nào cũng đủ kinh phí để xây dựng trường, xây thêm phòng học được.   



Du Nguyên
.
.
.