“Đẩy” con em vào các trường mầm non tư thục

Chủ Nhật, 04/07/2010, 09:05
Theo Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, trường mầm non công lập của Hà Nội hiện nay đang ở trong tình thế quá tải (chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu của trẻ đến trường), thành phố đã có chủ trương xã hội hoá giáo dục mầm non, ưu tiên phát triển hệ thống trường mầm non tư thục. Nói như thế để thấy "trọng trách" của trường mầm non tư thục đang đua nhau phát triển theo dạng "chợ cóc, chợ tạm".
>> "Cơn sốt" trước cổng trường mầm non công lập tại Hà Nội

Đêm 30/6, sáng 1/7, một "cuộc chiến" giành suất cho con vào trường diễn ra trước các cổng trường mầm non công lập ở Hà Nội. Có lẽ người dân ngoại thành và ngoại tỉnh giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không nghĩ ra "cuộc chiến"  này. Đây là vấn đề đã "nóng" nhiều năm và chắc chắn sẽ tiếp tục "nóng" trong những năm tới. Làm sao để hạ cơn sốt trong tuyển sinh mầm non, lớp 1 đang là câu hỏi chưa có hồi kết…

Những "cuộc chiến" công khai trước cổng trường mầm non

Đêm 30/6 rạng sáng 1/7, hàng ngàn cha mẹ học sinh xếp hàng trắng đêm, chen chúc nhau để giành chỗ mua hồ sơ học cho con vào trường mầm non công lập. Những cái tên: Trường mầm non Thanh Xuân Bắc, Trường mầm non Chu Văn An, Trường mầm non Bình Minh… được nhắc đến nhiều bởi tại những nơi đó, "cơn sốt" xin học cho con đã lên tới đỉnh điểm.

Chen chúc mua đơn xin học mầm non.

Không ai có thể tưởng tượng, ở giữa Thủ đô của cả nước, người dân phải xếp hàng từ chiều hôm trước tới sáng hôm sau để đăng ký học cho trẻ lần đầu tiên tới trường. Đúng tính chất của người "trực chiến", những đồ dùng, thức ăn nhanh như: ghế nhựa, áo mưa, báo cũ, quạt giấy, quạt nan, bánh mỳ, nước uống… được sử dụng trước cổng trường. Nhiều gia đình bố trí tới 2, 3 người thay phiên nhau xếp hàng trắng đêm, không ai dám bỏ về vì sợ bị người khác chèn lên danh sách hay số phiếu mình đã ghi tên, xếp hàng. Một cảnh tượng chưa từng xảy ra là hàng trăm người bám chặt lấy cánh cổng của một trường mầm non suốt đêm, căng mắt hướng vào bên trong chờ trời sáng.

Sức "nóng" của việc xin học cho con đã lên đến đỉnh điểm khiến trường này không còn cách nào khác là phải mở cổng trường. Tức thì dòng người ùa vào giống như một trận lũ quét. Với đa số phụ huynh, một đêm thức trắng "không ăn nhằm gì" nếu con được đến trường theo nguyện vọng.

Hoà mình trong dòng người chen chúc đêm 30/6 tại Trường mầm non Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Trường mầm non Bình Minh (quận Tây Hồ), phóng viên Báo CAND chứng kiến sự vất vả, lo lắng của các bậc phụ huynh. Sau khi xếp hàng, họ nhất quyết "không rời vị trí" để canh chỗ. Quá đêm, ở các cổng trường xuất hiện đủ tư thế ngủ gật, người bó gối, người gục xuống bàn đặt phiếu, người ngủ trên xe máy...

Bà Tuyết ở phường Bưởi, quận Tây Hồ kể: "Năm trước, hàng xóm của tôi đi từ 23h để xếp hàng ghi số rồi về nhà ngủ. 5h sáng hôm sau chạy ra nhiều phụ huynh khác phản đối, không chấp nhận danh sách từ ngày hôm trước, chỉ chấp nhận danh sách từ 0h ngày 1/7. Thế là con không được đi học đấy".

Bi hài hơn là trường hợp ông Nguyễn Minh Chiến ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc có 2 đứa cháu sinh đôi, đêm hôm trước ông đi xếp hàng ở Trường mầm non Thanh Xuân Bắc nhưng chỉ được đăng ký cho 1 cháu (mỗi người chỉ được đăng ký một cháu), ông giải thích thế nào cũng không được. Đúng lúc ấy có người mách, Trường mầm non Tràng An vẫn còn chỗ, ông cuống cuồng chạy sang trường kia và may mắn khi còn một lá đơn xin học cuối cùng. Thế là 2 đứa cháu sinh đôi của ông Chiến mỗi đứa học một trường, việc đưa đón vì thế cũng bất tiện.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, mức phấn đấu huy động số trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ năm học 2010-2011 đạt 28%, mẫu giáo đạt 85%, ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi để phổ cập 1 năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Đối với trường mầm non thì diện tích tối thiểu phải đạt 1,5m2/cháu, mỗi lớp không quá 35 cháu. Quy định là vậy, nhưng nhiều trường mầm non đã không "giữ" được đúng như chỉ tiêu mà Sở đề ra. Lớp vẫn quá tải, thậm chí có phường còn không có trường mầm non, phải học ghép 2 trường làm một. Đó là chưa kể Hà Nội mọc lên hàng loạt khu đô thị mới với những căn nhà cao trọc trời nhưng không có trường học. Tất cả lại đổ dồn vào nội thành, càng gây nên sự quá tải trầm trọng.

Không đợi đến đúng ngày tuyển sinh (1/7), ngay từ đầu hè, một "cuộc đua" ngầm đã diễn ra trong các phụ huynh cho con vào lớp 1 trái tuyến. Một số trường điểm, trường có "tiếng" như Trường Đoàn Thị Điểm, Trường Nguyễn Tri Phương, Trường Kim Liên, Trường Kim Đồng, Chu Văn An… luôn được phụ huynh có điều kiện hướng tới. Mặc dù xin học vào các trường này là trái tuyến, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cậy cục, huy động mọi mối quan hệ để xin cho con vào trường với mong muốn con mình được hưởng cơ sở vật chất, phương pháp giáo dục tốt.

Với cách nghĩ như vậy, nhiều trường điểm, trường chuẩn quốc gia ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng quá tải, vượt chỉ tiêu tuyển sinh, có trường xin chỉ tiêu tuyển sinh 8 lớp nhưng vào năm học mới đã tăng lên thành 11 lớp, mỗi lớp có từ 50 - 60 học sinh, phải ngồi bàn phụ, thậm chí là ghép 3 cháu 1 bàn. Quá tải không những khiến học sinh không được quan tâm nhiều hơn, mà cũng khiến giáo viên vất vả.

Trong khi nhiều trường tiểu học ở Hà Nội rơi vào sự quá tải trầm trọng thì lại phát sinh nghịch lý, có trường tiểu học nằm ngay ở quận nội thành phải ở trong cảnh mời gọi học sinh mà vẫn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Điển hình nhất là Trường Tiểu học Thủ Lệ, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Không gian trường học thoáng đãng, yên tĩnh, cơ sở vật chất của trường tốt và không thua kém bất cứ trường học nào ở nội thành Hà Nội nhưng vẫn thưa thớt học sinh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ cho biết: Trên địa bàn, năm học này có 152 trẻ đến tuổi vào lớp 1, nhưng nhà trường chỉ xin chỉ tiêu tuyển 130 cháu nhưng còn lo các cháu không đến đủ. Thời "hoàng kim" Trường Tiểu học Thủ Lệ luôn có 1.700 học sinh theo học, nhưng giờ giảm xuống chỉ còn 600 học sinh, thậm chí có năm trường chỉ tuyển được 82 học sinh vào lớp 1.

Theo bà Hà thì nguyên nhân dẫn đến trường ít học sinh là do vị trí của trường nằm khuất trong ngõ, trước cổng trường là một chợ cóc án ngữ lấn chiếm lối đi, sáng nào cũng gây ách tắc giao thông. Nguyên nhân nữa là phường mới thành lập thêm một Trường Tiểu học Ngọc Khánh, nên số lượng học sinh sụt giảm.

Ngày 1/7, ngày đầu tuyển sinh lớp 1 tại tất cả các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, theo ghi nhận của chúng tôi, không khí tuyển sinh diễn ra khá suôn sẻ do đây chưa phải là thời điểm tuyển sinh trái tuyến.

Bà Phan Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Liên cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm học 2010-2011 là 11 lớp, mỗi lớp có khoảng 45-50 học sinh. Nhà trường "phân luồng" để tuyển sinh (theo địa bàn dân cư) trong những ngày đầu tháng. Đến ngày 8,  9 tháng 7 sẽ tuyển học sinh vào trái tuyến (từ 1-2 lớp). Trường đã có thông báo, hướng dẫn phụ huynh từ trước khi tuyển sinh nhiều ngày nên tránh được cảnh chen chúc, không gây tâm lý căng thẳng cho phụ huynh học sinh.

Lối thoát… đổ dồn vào mầm non tư thục

Sau sự kiện "vỡ" trường mầm non vừa qua, ngành Giáo dục Hà Nội cho biết, lối ra cho các mầm non - thế hệ tương lai vừa bị "trượt" vào trường công lập là học…tư thục. Điều đó thì hiển nhiên rồi, vì không học tư thục hay nhóm trẻ gia đình thì các bậc phụ huynh biết gửi con vào đâu. Thậm chí ngay cả trăm khu đô thị "trắng trường" như dư luận đã lên tiếng, thì các cháu đến tuổi biết học ở đâu?

Chủ trương xã hội hoá giáo dục, trong đó đẩy mạnh các trường mầm non tư thục là đòi hỏi thiết yếu. Thế nhưng, việc quản lý chất lượng các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, nhóm lớp tư thục hiện nay vẫn còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến phụ huynh chưa tin tưởng để gửi con em mình vào những cơ sở này.

Xếp hàng đặt hộ khẩu từ đêm hôm trước ngày tuyển sinh.

Theo Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, trường mầm non công lập của Hà Nội hiện nay đang ở trong tình thế quá tải (chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu của trẻ đến trường), thành phố đã có chủ trương xã hội hoá giáo dục mầm non, ưu tiên phát triển hệ thống trường mầm non tư thục. Nói như thế để thấy "trọng trách" của trường mầm non tư thục là rất lớn (gánh gần 60% nhu cầu đến trường của trẻ). Chính vì thế, các nhóm lớp tư thục, nhóm trẻ gia đình đua nhau phát triển theo dạng "chợ cóc, chợ tạm".

Trung bình mỗi năm, Hà Nội đóng cửa 40 điểm trông giữ trẻ gia đình và tư thục do không đủ các quy định về điều lệ trường mầm non. Hầu hết các nhóm lớp ở Hà Nội không đạt tiêu chuẩn, nhóm lớp mầm non thực chất chỉ là nơi giữ trẻ, không phải cơ sở giáo dục mầm non vì giáo viên không đáp ứng trình độ chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Thế Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thì quá tải ở các trường mầm non là vấn đề nóng, bức xúc không chỉ xảy ra trên địa bàn Tây Hồ mà là vấn đề chung của cả thành phố.

Việc tuyển sinh vào trường mầm non năm học 2010-2011 đã gây "sốc" trong xã hội. Lối thoát cho sự quá tải này lại đổ dồn lên đôi vai của các trường mầm non tư thục, trong khi nhiều trường mầm non tư thục hiện nay lại không đáp ứng được yêu cầu. Thiết nghĩ, TP Hà Nội phải có những dự báo về quy mô dân số, dành quỹ đất để xây dựng thêm trường mầm non, tăng phòng học, kêu gọi xã hội hoá giáo dục mầm non trong từng giai đoạn. Nếu không, cuộc chạy đua của thế hệ mầm non, một thế hệ tương lai của đất nước vẫn còn đứng trong vòng xoáy của sự quá tải và phát sinh tiêu cực.

Bà Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội: Theo sự chỉ đạo của thành phố, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non" theo lộ trình từng năm như đầu tư nâng cấp phòng học, tăng thêm phòng học. Trong những năm qua, quận Tây Hồ đã quan tâm, đầu tư, tạo mọi điều kiện để phát triển giáo dục mầm non, cụ thể đã xây, nâng cấp các trường mầm non Phú Thượng, Xuân La, Quảng An.

Hiện nay, Tây Hồ có 3 trường mầm non có 2 cơ sở học là Trường mầm non Xuân La, Bình Minh, Phú Thượng. Tuy nhiên, với quỹ phòng học như hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các cháu ở lứa tuổi đến trường. Những cháu không xin được vào học mầm non năm học 2010-2011 sẽ vào học các trường tư thục, trường ngoài công lập. Phường nào trên địa bàn quận cũng có trường mầm non tư thục, trách nhiệm của Phòng Giáo dục và chính quyền địa phương là phải tăng cường tuyên truyền để các bậc phụ huynh đưa trẻ đến học ở những trường tư thục này.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Không phải năm nay mới "nóng" vấn đề tuyển sinh mà mấy năm nay cũng đã "nóng" rồi. Theo yêu cầu phổ cập giáo dục, tất cả các cháu 5 tuổi đều phải được nhận vào trường mầm non công lập. Nếu các trường còn chỗ thì mới dành cho các cháu lứa tuổi 3, 4 tuổi. Với lứa tuổi 3, 4 nếu không được học ở trường công lập thì đề nghị gia đình cho con em vào học tại các trường tư thục. 

Ông Nguyễn Anh Trí, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Tôi thấy ở những điểm nóng thiếu trường mầm non trầm trọng thì lãnh đạo thành phố và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng nghiên cứu để dành quỹ đất xây dựng thêm trường, lớp. Có nơi vẫn còn đất nhưng lại không xây trường học mà xây nhà cao tầng, văn phòng, nhà ở… Nguyện vọng được đến trường là nhu cầu chính đáng của mọi trẻ thơ, đừng để những hình ảnh chen lấn, xô đẩy trước cổng trường chỉ vì tranh chỗ xin học cho con xảy ra trước những ánh mắt ngây thơ của trẻ.

T.H. - V.H.

Việt Hà - Nhật Anh
.
.
.