Khi nào hết cảnh sống chung với "thảm họa"?

Chủ Nhật, 26/08/2018, 09:58
Mới đây, Đề án "Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Hà Nội" đã được chính quyền TP Hà nội thông qua. Từ sự cảnh báo này, trách nhiệm với các ban, ngành được cụ thể hóa nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống rủi ro, hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả xảy ra trong đời sống.


Theo đó, những rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của Hà Nội như: Vỡ đê sông Hồng; ô nhiễm nguồn nước; cháy, nổ, đổ sụp công trình; tai nạn giao thông; rủi ro tại các sự kiện tập trung đông người; rủi ro dịch bệnh; rủi ro trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; rủi ro do mất điện diện rộng; rủi ro do rò rỉ phóng xạ và cuối cùng là rủi ro khi có các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Tất nhiên, rủi ro nào cũng đáng lo ngại, bởi nó đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản không chỉ một mà là nhiều người, vào bất kỳ thời điểm nào. Một trong những rủi ro khiến nhiều người lo ngại nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt, đó chính là các khu nhà tập thể cũ nát có tuổi thọ hàng nửa thế kỷ hoặc những chung cư mới xây dựng nhưng không đảm bảo chất lượng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Rõ ràng, đây là một thảm họa được cảnh báo trước và hậu quả của nó thật khó lường.

Minh họa: Lê Tâm

Thống kê của các cơ quan chuyên môn cho thấy, tại thời điểm này, Hà Nội có tới 1579 khu chung cư, tập thể cũ, có quy mô từ 2-5 tầng. Đa số các chung cư nói trên có "tuổi thọ" khá cao và đều có tình trạng xuống cấp, sụt lún rất nghiêm trọng do hết hạn sử dụng. 

Những loại chung cư này tập trung ở 4 quận nội thành cũ. Sự xuống cấp có thể nhìn thấy bằng mắt thường không khó khăn gì và các nhà chuyên môn cho rằng: Chỉ cần động đất khoảng 4-5 độ richter là có thể sụp đổ. 

Ngay cả các chung cư mới, cao tầng, hiện đại, nếu để xảy ra cháy hoặc kết cấu kém cũng dễ dàng gây sụp đổ và trở thành thảm họa. Cụ thể, nếu động đất có cường độ lớn hơn 7 độ richter có thể sẽ làm sụp đổ hoàn toàn đối với các chung cư không được thiết kế chống địa chấn, hoặc thiết kế sai quy trình xây dựng.

Điều đáng lo ngại là những chung cư cũ này xây từ rất lâu nên không có quy hoạch đồng bộ. Cùng với đó, các hộ dân cũng đua nhau làm biến dạng như lấn chiếm tầng 1, cơi nới, làm "chuồng cọp" các tầng trên để ở hoặc trồng cây… nên nếu có xảy ra hỏa hoạn thì độ rủi ro rất lớn, khả năng lực lượng chức năng vào chữa cháy rất khó khăn và chắc chắn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Những cảnh báo này ai cũng có thể nhìn ra và nhiều chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp cần thiết. Song, những khu tập thể, chung cư cũ nát đó vẫn tồn tại nhiều năm qua mà không được giải quyết dứt điểm để rồi rủi ro vẫn treo lơ lửng trên đầu. Tất nhiên, những gia đình có điều kiện đã di dời đến chỗ ở mới an toàn. Còn những gia đình khó khăn thì vẫn kiên trì "bám trụ", phó thác tính mạng của bản thân và gia đình.

Giải pháp hữu hiệu nhất đối với những công trình cũ nát này là đập đi xây lại. Nếu những công trình mới được mọc lên, đương nhiên người dân sẽ có chỗ ở mới an toàn hơn và bộ mặt thành phố cũng khang trang, hiện đại hơn. 

Tiếc là sự thỏa thuận giữa các hộ dân với doanh nghiệp đầu tư xây dựng không thể đến hồi kết. Phải hiểu một chân lý giản đơn rằng, có lợi nhuận thì nhà đầu tư mới đổ tiền vào. Còn các hộ dân, cứ đòi hỏi quyền lợi của mình quá nhiều mà không cần biết đến lợi ích của doanh nghiệp thì việc họ phải tiếp tục sống ở những nơi nguy hiểm đó cũng là chuyện dễ hiểu.

Nếu những năm trước, nhiều doanh nghiệp còn mặn mà với việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ thì giờ đây, họ khá dửng dưng. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp bị khống chế số tầng và mật độ sử dụng đất. Dân trong ngành gọi đây là "nút thắt" của việc cải tạo. Hy vọng rằng, "nút thắt" trên sẽ được gỡ bỏ, lợi ích các bên được hài hòa để hạn chế thấp nhất rủi ro từ những khu nhà cũ nát mang lại.

Tuấn Nguyễn
.
.
.