Hợp lực đấu tranh chống buôn lậu trên biển

Thứ Tư, 10/08/2016, 15:37
Trong thương mại toàn cầu, buôn lậu đã trở thành hoạt động siêu lợi nhuận. Những "mặt hàng" buôn lậu trên biển chủ yếu là khoáng sản, hàng điện tử, hàng tạm nhập tái xuất, ngà voi, vảy tê tê, sắt, thép, đường, than, xăng dầu… và cả ma túy.

Cuộc chiến giữa lực lượng chống buôn lậu trên biển với tội phạm buôn lậu luôn nóng bỏng, khốc liệt. Vượt qua mọi khó khăn, gian nan, thử thách, những cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an - Bộ đội Biên phòng - Cảnh sát biển - Hải quan đã bền gan, vững chí, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, lập nên những chiến công, thành tích vô cùng xuất sắc.

Quyết liệt chống buôn lậu trên biển

Là đơn vị chuyên trách của lực lượng Cảnh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74) mới được thành lập hơn một năm nhưng những nỗ lực quyết tâm cùng với những thành tích, chiến công xuất sắc của đơn vị ngay từ những ngày đầu mới thành lập đã góp phần vào những thành tích chung của toàn lực lượng, làm giảm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biển.

Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng C74 triển khai phương án triệt phá các băng nhóm tội phạm buôn lậu.

Cả cuộc đời gắn bó với lực lượng Cảnh sát đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, buôn lậu, giờ đây trên cương vị là người chỉ huy, lãnh đạo của Cục C74 hàng ngày, hàng giờ trực tiếp đấu tranh với tội phạm buôn lậu; Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục C74 bộc bạch rằng: Ngay sau lễ ra mắt thành lập đơn vị tại Hà Nội, những chiến sĩ C74 đã tỏa xuống có mặt khắp các địa bàn trọng điểm về buôn lậu trên tuyến đường biển, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng… để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu.

Qua công tác nắm tình hình trên tuyến địa bàn miền Trung, các trinh sát C74 phát hiện thấy một đường dây buôn lậu lớn ngà voi, sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam bằng đường biển với số lượng lớn hàng chục tấn sau đó cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Lãnh đạo Cục C74 tiến hành xác lập chuyên án có bí số 368C để chặn đứng tình trạng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác với số lượng hàng hóa cực lớn này. Tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua một thời gian theo dõi, các chiến sĩ C74 đã nắm được toàn bộ thủ đoạn, cách thức hoạt động của các đối tượng. 

Công ty TNHH có biểu hiện buôn lậu trên tuyến đường biển quốc tế từ nước Cộng hòa Mozambique về Việt Nam tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng mang tên Vạn An, có địa chỉ tại Lô 2-A10.2, đường 2-9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Giám đốc Công ty TNHH Vạn An là ông Nguyễn Văn Sáu, SN 1956, trú tại tổ 78, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngày 13-8-2015, Công ty TNHH Vạn An nhập 2 lô hàng trong 2 container từ châu Phi về cảng Tiên Sa.

Để qua mắt lực lượng chức năng, chủ hàng khai báo Hải quan toàn bộ 2 lô hàng là đá cẩm thạch dạng khối, chưa đánh bóng, hàng mới 100% nhập khẩu từ Mozambique có trọng lượng 40 tấn, trị giá khoảng 480 triệu đồng, đã nộp thuế.

Lực lượng Công an ra quân đấu tranh trấn áp tội phạm buôn lậu.

Các trinh sát của C74 phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu thuộc Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Nội Bài tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng của Công ty Vạn An.

Tất cả những khối đá trong 2 container lần lượt được các trinh sát và lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Những chiếc máy soi chuyên dụng, hiện đại nhất của lực lượng Hải quan được điều động đến để soi chiếu, dò xét kỹ lưỡng nhằm phát hiện trong những khối đá có chứa đựng hàng lậu gì bên trong.

Quá trình khám xét diễn ra vô cùng khó khăn vì số hàng cấm được cất giấu tinh vi: được bao bọc bằng các lớp giấy bạc để trong những khối đá nhân tạo và chèn lẫn vào khối đá tự nhiên khác nên máy soi dù rất hiện đại cũng không phát hiện được.

Mặt khác, đối tượng nhập khẩu, vận chuyển hàng lậu đã cố tình trốn tránh, không hợp tác, tìm mọi cách che giấu tội phạm. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác không phát hiện trong lô hàng của Công ty Vạn An chứa hàng cấm.

Trước tình thế đó, các trinh sát xin ý kiến chỉ đạo của Thiếu tướng Ngô Kiên. Từ nguồn tin của các trinh sát trước đó báo về, Thiếu tướng Ngô Kiên quyết định cho tiến hành phá dỡ các khối đá. Khi các khối đá bị đập vỡ, lần lượt lộ ra những chiếc ngà voi, sừng tê giác.

Mỗi khối giả đá chứa từ 10 đến 25 ngà voi và sừng tê giác, kết quả đã phát hiện, thu giữ được 593kg ngà voi và 142kg sừng tê giác. Trên thị trường, ngà voi có giá từ 30 - 35 triệu đồng/kg, sừng tê giác có giá từ 30-40 triệu đồng/lạng. Theo tính toán thì tổng giá trị lô hàng trên gần 100 tỉ đồng...

Để phá một chuyên án đòi hỏi các trinh sát phải lênh đênh trên biển, trầm mình giữa biển khơi ròng rã vài tháng trời để nắm được quy luật của các đối tượng buôn lậu. Mùa đông trên biển rét đến cắt da cắt thịt. Mùa hè nắng như đổ lửa bỏng rát đổ xuống boong tàu.

Cứ như vậy, suốt hàng trăm ngày đêm, mặc sóng to gió lớn, dông bão, lốc xoáy, các anh vẫn kiên cường, chiến đấu trên biển. Trong những chuyên án như thế, đã có những chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ gian khổ và thầm lặng.

Kiểm soát chặt chẽ trên biển

Thiếu tướng Ngô Kiên khẳng định thời gian qua, các lực lượng chức năng đã hợp lực triển khai hiệu quả các giải pháp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu trên biển.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên biển trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trở lại. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu trên biển đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của tất cả các ban, bộ ngành chức năng.

Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, cao điểm, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biển trọng điểm Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Tăng cường lực lượng, hiện đại hóa các trang bị kỹ thuật như xuồng cao tốc, hệ thống quan sát, theo dõi… để lực lượng phòng chống tội phạm buôn lậu trên biển đủ sức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ…

Những chiến công của các lực lượng chức năng trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu trên biển thêm một lần nữa thể hiện quyết tâm của Ðảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu; khẳng định tinh thần chủ động, tích cực, đấu tranh quyết liệt với tội phạm của các lực lượng.

Những khó khăn, vất vả cùng với những hy sinh, chiến công của các anh trên tuyến biển đã góp phần làm giảm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; củng cố lòng tin của nhân dân, của các nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Dù cuộc sống còn bộn bề những khó khăn, vất vả, nhưng những cán bộ, chiến sĩ đấu tranh trên "trận tuyến nóng" vẫn luôn yêu nghề, hết lòng với công việc để vượt qua được những gian khó, thử thách; mưu trí, sáng tạo, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, tiếp tục lập chiến công.

Việt Hưng
.
.
.