Nóng bỏng cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến đường sắt

Thứ Tư, 27/07/2016, 19:37
Khi các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không bị kiểm soát gắt gao, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Chỉ tính riêng trong tháng 6-2016, gần 100 tấn hàng hóa các loại gồm xe máy, điện thoại di động, linh kiện điện tử... đã bị các trinh sát Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) phát hiện, thu giữ.

Trưởng thành từ người lính trinh sát, gần 40 năm sát cánh cùng các đồng đội, đã từng đấu tranh, khám phá hàng trăm vụ án lớn về buôn lậu; Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục C74 chia sẻ rằng: Xuyên suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, đến nay, một mạng lưới đường sắt từ Bắc tới Nam với chiều dài 3.143km đã được hình thành, trong đó có 2632 km đường sắt chính tuyến, 403 km đường ga, 108 km đường nhánh.

Những năm gần đây, khi các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không bị kiểm soát gắt gao, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Hàng lậu không chỉ là linh kiện điện tử, áo quần, vật tư y tế xuất xứ từ Trung Quốc từ Bắc vào Nam mà gỗ lậu từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng theo đường sắt ra Bắc tiêu thụ.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu triển khai phương án chống buôn lậu trên tuyến đường sắt.

Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô lớn, có tổ chức đặc biệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm chủ yếu trên tuyến đường sắt từ biên giới Lạng Sơn về Hà Nội và tuyến đường sắt Bắc Nam. Nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, các đầu nậu, đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa nhập lậu tại các địa bàn giáp ranh Hà Nội, xa trung tâm sau đó tìm cách xé lẻ, ngụy trang, vận chuyển bằng đường sắt; sẵn sàng manh động, liều lĩnh chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ.

Để “hạ nhiệt”, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu trên tuyến đường sắt, những chiến sĩ C74 đã tỏa xuống có mặt khắp các địa bàn trọng điểm về buôn lậu trên các tuyến đường sắt để nắm chắc tình hình các đối tượng cầm đầu, các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quản lý thị trường… kết hợp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước nhằm phòng chống có hiệu quả tội phạm buôn lậu.

Một toa tàu chở hàng lậu bị lực lượng  chức năng bắt giữ.

Hai vụ vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt được coi lớn nhất từ trước tới nay, trị giá ước tính hơn 20 tỷ đồng cũng đã được các cán bộ chiến sĩ Phòng 2 – Cục C74 cùng các đơn vị chức năng phát hiên, bắt giữ vào những ngày giữa tháng 6 vừa qua.

Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát của Phòng 2 – C74 phát hiện có hàng chục tấn hàng hóa vận chuyển trên tàu Bắc Nam có nhiều nghi vấn. Hơn 2 tháng trời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, bí mật theo sát hành trình tàu chạy từ ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) đến ga Biên Hòa (Đồng Nai), các trinh sát đã nắm được thủ đoạn vận chuyển hàng lậu của các đối tượng.

Thời cơ phá án đã đến, khoảng 7h ngày 13-5, các trinh sát Phòng 2 – C74 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra đột xuất 2 toa tàu số hiệu VNR232144 và VNR232016 vận chuyển hàng từ ga Hà Nội vào ga Biên Hòa, Đồng Nai. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 247 kiện hàng với tổng trọng lượng 25 tấn tại 2 toa tàu khi được vận chuyển tới ga Biên Hòa gồm túi xách, quần áo, linh kiện phụ kiện điện tử, mỹ phẩm, đồng hồ; ước tính trị giá 12 tỷ đồng.

Toàn bộ lô hàng trên đều không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ.
Đối tượng vận chuyển đã sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của một số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động để hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa.

Hàng lậu bị lực lượng Công an phát hiện trên tuyến đường sắt.

Tiếp đó, trong các ngày 16 và 17-6, tại ga Biên Hòa (Đồng Nai), các trinh sát của C74 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai và Công an Đồng Nai bất ngờ kiểm tra tàu TN1 chạy từ Hà Nội vào ga Biên Hòa khi đoàn tàu này vừa vào tới nhà ga. Tiến hành kiểm tra 4 toa tàu có số hiệu VNR232142, HLR71507, VNR232035 và VNR232170.

Đoàn công tác phát hiện, bắt giữ khoảng 50 tấn hàng hóa là đồ dùng và linh kiện điện tử như điện thoại, dây sạc pin điện thoại, quần áo… không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, đáng chú ý có cả  1 xe máy hạng sang nhãn hiệu Ducati, trị giá khoảng 35.000 USD; 3 xe máy SH được gắn biển kiểm soát giả đều đã qua sử dụng được nghi vấn là hàng trộm cắp mang vào Tp.Hồ Chí Minh để dập lại số khung số máy.

Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục C74: Để có thể chặn đứng, đấu tranh, phòng ngừa tình trạng hoạt động buôn lậu trên tuyến đường sắt cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng và ngành đường sắt. Tiếp tục mở các cao điểm tấn công tội phạm trên tuyến đường sắt, kịp thời nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các hoạt động lợi dụng giao thông đường sắt để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, đặc biệt trên các tuyến Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Tp Hồ Chí Minh và trên một số tuyến, ga trọng điểm…
Việt Hưng
.
.
.