Du xuân để về cội nguồn

Thứ Hai, 13/02/2017, 10:23
Ra Tết, rong ruổi chơi, đi lễ, đi chơi. Xưa, từng đoàn người rồng rắn đi thăm nhau, gặp nhau, vui chơi từ lễ này qua hội khác. Nay có cả ngành du lịch với nhiều dịch vụ hỗ trợ, nườm nượp người xe, lễ rồi hội. Bao năm vẫn thế, và bao năm vẫn nghĩ về chuyện lễ hội mùa xuân…


Hầu như chỗ nào cũng có lễ hội, trong làng ngoài huyện, cấp vùng, cấp cả nước. Sao nhiều thế? Vì mỗi lễ hội đều gắn với lịch sử, văn hóa, nhân vật… mà người Việt với lịch sử đấu tranh oai hùng, có nhiều miền đất thiêng, nhiều nhân vật lẫy lừng được muôn đời sau ghi công.

+ Chiến tích lễ hội

Hội Gò Đống Đa (Hà Nội) diễn ra vào ngày mùng 5 Tết chẳng hạn. Đó là ngày hội chiến thắng, ghi chiến tích đoàn quân Vua Quang Trung tiến ra Bắc quét quân xâm lược phương Bắc, hẹn ăn Tết tại Thăng Long giải phóng.

Cũng ngày này, tại Bình Định, quê hương và là nơi xuất quân của Quang Trung, lễ hội Đống Đa cũng được tổ chức nhằm tưởng nhớ các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lễ hội tại đất võ Tây Sơn có biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng...

Hội Thánh Gióng chẳng hạn. Về làng Gióng vui hội, tưởng nhớ cậu bé anh hùng quét sạch giặc bằng bụi tre đằng ngà, rồi không màng chức tước, cưỡi ngựa sắt về trời…

Đền Đức Thánh Trần (TP Hồ Chí Minh) dịp xuân là một lễ hội lớn, diễn ra từ ngày 8 đến 10 tháng Giêng, tri ân công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đầu xuân, người dân miền Nam thường đi hội Đức Thánh Trần và chùa Bà, tưởng nhớ những người xưa có công cứu dân cứu nước.

Có nhiều hội chọi trâu. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu,Vĩnh Phúc, thoạt tưởng chỉ là hội chọi trâu cho vui. Nhưng lễ hội có từ xa xưa này gắn với truyền thuyết Thừa tướng Lữ Gia lui quân về vùng này tổ chức đánh giặc Hán. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để quân sĩ luyện tinh thần chiến đấu như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân, bồi dưỡng chiến sĩ…

Sau khi Lữ Gia mất, dân làng thờ làm Thành hoàng và hằng năm tổ chức lễ hội chọi trâu, tổ chức trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng.

Tại An Giang, lễ hội Bà Chúa Xứ được coi là một lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là Bà mẹ của xứ sở Châu Đốc. Bà mẹ Chúa Xứ, theo truyền thuyết luôn dang tay cứu các con, dạy các con làm ăn, tồn tại nơi hoang dã…

+ Đi thăm đất nước con người

Nhiều lễ hội được tổ chức từ xưa gắn với tâm linh và là dịp để người hành lễ đi thăm đất nước, con người. Rất nhiều cảnh đẹp, sông núi hùng vĩ, bồi đắp tình yêu đất nước, tình cảm thiết tha gắn bó với quê nhà.

Chùa Hương chẳng hạn, một lễ hội dài bắt đầu từ sau Tết và có thể đi cả năm. Người hành hương đủ cả, từ những bà già chống gậy đến thanh niên trai trẻ. Đường đi qua suối Yến vòng vèo qua các khe núi, đến leo núi dốc qua nhiều động đẹp.

Lớp trẻ, leo núi như đi du lịch vui vẻ, chen lẫn tiếng lầm rầm của các bà tay chống gậy vừa đi vừa lần hạt tràng. Lớp trẻ ít biết rằng những hang động thích thú vì cảnh đẹp lại là những điểm đến tâm linh của lớp già…

Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) là một điểm đến thú vị và thách thức, thu hút đông người. Leo dốc nhiều đoạn dựng đứng, phải leo 2 ngày mới lên đến đỉnh, nơi có chùa Đồng, một ngôi chùa nhỏ được làm bằng đồng, cheo leo dựng trên đỉnh. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa, thu non nước hữu tình vào lòng người.

Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa…; còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái Phật giáo Việt.

Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, khai hội vào ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Thái Bình có lễ hội vào ngày 14 tháng Giêng: Hội Chùa Keo, nơi những ngôi cổ tự nổi tiếng với nghệ thuật Gác Chuông toàn bằng gỗ. Nơi đây thờ Thiền sư Không Lộ, người có công chữa bệnh cho Vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư.

Ở miền Nam, các lễ hội lớn thường gắn với Bà, những nhân vật nửa hư nửa thực giúp dân an toàn và giúp dân làm ăn thuận lợi. Hội Núi Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu với những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ.

+ Khuyến khích làm ăn, học hành

Nhiều lễ hội của người Việt gắn với tích, là lệ để khuyến khích sản xuất, kinh doanh, học hành…

Hội Tịch điền Đọi Sơn ở Duy Tiên, Hà Nam chẳng hạn. Là ngày hội ra đồng sau Tết, được vua đích thân cầm cày khuyến khích dân trồng trọt, tăng gia. Hội này diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, từ thế kỷ X trên quê hương Vua Lê Đại Hành và được khôi phục năm 2009 sau nhiều năm thất truyền.

Lễ hội Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh vào ngày 14 tháng Giêng, nhưng từ đầu năm đã luôn chật kín người. Đa số người làm ăn đến hành lễ “vay vốn” đền Bà Chúa Kho, cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt. Người ta tin bà là chúa giữ tiền, cho dân vay làm ăn. Để lời cầu xin được đến tai bà, thân chủ phải khai rõ như vay ngân hàng: vay bao nhiêu, thời hạn vay, mục đích vay và phải trả, tức tạ lễ.

Ở Nam Định có hội chợ Viềng, hội Phủ Giày, diễn ra vào nửa đêm mùng 7 tháng Giêng. Đêm, lọ mọ mua bán hàng cầu may, không cần biết hàng, biết giá…

Nghe cứ như một hội khuyến kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên hội tổ chức tại phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong “tứ bất tử” ở Việt Nam. Bà là Công chúa Ngọc Hoàng, ba lần xuống đất Việt giúp dân hành thiện nhiều việc, từ làm thủy lợi, đắp đê, xây cầu đá…

Cũng tại Nam Định, lễ hội phát ấn đền Trần từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng nay được nhiều người biết và chen chân xin ấn, cứ như cầm được ấn là được làm quan.

Nam Định xưa nay được tiếng đất học, đất làm quan, hiếu học và rộng đường quan trường, có nhiều lệ khuyến học.

Nhưng không mấy ai biết bà là một phụ nữ từng giúp vua Việt lo quân lương, đào sông ngầm giấu thuyền ở vùng này để chống quân xâm lược từ phương Bắc.

+ Chiêm bái, thưởng thức nghệ thuật

Bắc Ninh nổi tiếng với hội Lim với quan họ. Hội này có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương.

Đất đô hội Bắc Ninh còn có rất nhiều lễ hội khác, cả lễ hội chém lợn làng Ném Thượng. Xem thì dã man, nhưng các cụ vùng này nói rằng nó liên quan đến sự tích nghĩa quân kháng chiến chống xâm lược xưa, nên nay vẫn làm đúng thủ tục lễ và phần hội đa dạng hơn như một hội xuân.

Người Việt có tổ chung, và có lễ giỗ tổ chung. Đó là Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ rước kiệu và lễ dâng hương. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian, đấu vật, thi kéo co, thi bơi... mang âm hưởng của thời luyện quân dựng nước và giữ nước.

Hội Phết Hiền Quan (hay hội cướp phết) được tổ chức ngày 12 và 13 tháng Giêng tại Phú Thọ. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa Công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.

Trong lễ hội, hàng trăm thanh niên tham gia cướp 3 quả phết được đặt giữa khu đất trống tượng trưng cho mặt trời để cầu may mắn.

Đầu xuân rất nhiều người thăm 5 ngôi chùa cổ trên 200 tuổi ở Sài Gòn. Những ngôi chùa cổ ở Sài Gòn không nhiều cảnh trầm tư tu ẩn, mà có vẻ hòa quyện với đời sống hiện tại. Tu trên núi mới chỉ là tiểu tu, tu giữa đời thường, tu trong tâm mới là đại tu.

Mùa xuân, mùa du lịch, mùa đi thăm đất nước - con người, mùa giao lưu lễ hội. Mỗi lần thăm, tràn về nguồn gốc, chiến công của người xưa tràn về.

Du xuân cũng là một cách… du học, du để học. Để một thoáng trở về cội nguồn, gốc dân tộc, gốc xuân…

Minh Thanh
.
.
.