Để môi trường sống ngày càng trong lành hơn

Chủ Nhật, 09/09/2018, 12:35
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP HCM đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang nhiều vụ đổ trộm chất thải rắn công nghiệp, chất thải sinh hoạt ra môi trường. Tuy nhiên, thực trạng đổ trộm rác chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng ra môi trường ở nhiều quận, huyện tại TP. HCM vẫn không giảm…


Bắt quả tang nhiều vụ đổ trộm chất thải nguy hại ra môi trường

Những ngày gần đây, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh liên tục bắt quả tang các vụ đổ trộm chất thải rắn công nghiệp, chất thải xây dựng, rác sinh hoạt ra môi trường. Không chỉ đổ trộm ở những nơi vắng vẻ mà các đối tượng còn đổ thẳng ra lề đường, ngay tại trong khu dân cư, gần ngay nguồn nước và những con rạch trong thành phố… 

Sau một thời gian theo dõi, sáng ngày 7-8, Đội 5 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một xe tải chở hơn 5 tấn chất thải nguy hại chuẩn bị đổ ra một bãi phế liệu, nằm trong hẻm nhỏ tại phường Tân Thuận Tây, quận 7.

Cơ quan Công an xác định, lượng lớn chất thải này là của Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn (địa chỉ đường số 3, Tân Thuận Đông, quận 7). Qua kiểm tra ban đầu, các chất thải này là phế phẩm từ quá trình mài, có chứa kim loại nặng và xỉ, xử lý lò đúc có chứa thành phần rất nguy hại với môi trường. Đáng chú ý, nơi đổ chất thải của công ty trên nằm ngay cạnh một con rạch, khiến chất thải có nhiều nguy cơ nhiễm vào nguồn nước của con rạch. 
Lực lượng chức năng bắt quả tang một doanh nghiệp đổ chất thải nguy hại ra môi trường.

Theo điều tra ban đầu, Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn đã đổ các chất thải nguy hại tại khu vực này từ tháng 4-2016 đến đầu tháng 8 vừa qua. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành làm việc với đại diện công ty này nhằm xác định các loại chất thải nguy hại, cũng như tổng khối lượng chất thải đổ ra môi trường trong thời gian qua để có hướng xử lý cụ thể…

Trước đó, vào khuya ngày 23-7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an quận 12 bắt quả tang ông Nguyễn Thành (SN 1969) điều khiển xe tải mang biển kiểm soát 51C-849.76 vận chuyển khoảng 2 tấn bùn thải nạo vét (từ hệ thống thoát nước đô thị trên đường TTH-07, phường Tân Thới Hiệp, quận 12) đổ trái phép xuống khu đất trống tại ấp Tiền Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. 

Ông Thành khai nhận số bùn thải trên được ông thu gom từ Công ty TNHH Dịch vụ Công ích quận 12, sau khi đã tiến hành nạo vét các hố ga trên tuyến đường TTH-07. Do thiếu hiểu biết pháp luật nên đây là lần đầu ông thực hiện việc tự đổ bỏ số bùn thải trên (?).

Mấy ngày sau, vào trưa 28-7, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Bình Chánh bắt quả tang Phạm Trường Giang (30 tuổi) đang điều khiển xe tải (biển kiểm soát 51C-060.18) chở 1,3 tấn chất thải công nghiệp, bao gồm mút xốp, vải, simili, EVA, bao nylon… từ xưởng sản xuất của Công ty Giày da Huê Phong tại phường 12, quận Gò Vấp, đến khu đất trống trên đường Kinh Trung Ương, tổ 2, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, để đổ trái phép…

Trưa cùng ngày, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiếp tục bắt quả tang một vụ đốt chất thải công nghiệp trái phép tại ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Vào thời điểm trên, đoàn kiểm tra xác định số chất thải đốt trái phép gồm nhiều loại như nylon nhiễm tạp chất, bao bì, vải vụn… 

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định khu đất đốt chất thải công nghiệp trái phép nói trên là của ông Nguyễn Văn Khừng (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh). Khi làm việc với đoàn kiểm tra, ông Khừng cho biết khu đất này ông cho một người tên Nghĩa thuê từ tháng 4-2018. Hai bên không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng, người thuê trả tiền theo từng chuyến xe đổ chất thải với giá khoảng 500 ngàn đồng/xe 3,5 tấn.

Ông Khừng cho biết thêm, do được Công an địa phương thông báo việc đưa chất thải về khu đất là không đúng quy định pháp luật, nên từ tháng 6-2018, ông đã nhiều lần gọi điện yêu cầu người thuê chấm dứt việc làm này... Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, ông Khừng không liên lạc được với ông Nghĩa. Đoàn công tác đã yêu cầu ông Khừng dừng ngay việc đốt chất thải ở khu đất nói trên và tìm cách liên lạc với người này để thu gom và đưa số chất thải nói đi xử lý đúng nơi quy định…

Hiện trường một vụ đổ chất thải công nghiệp nguy hại quy mô lớn ở huyện Bình Chánh.

Đối với các hành vi vi phạm trên, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính các đối tượng trên, đồng thời tạm giữ phương tiện vi phạm là các xe tải chở chất thải trái phép để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm tập kết rác và tuyến đường các quận như Tân Phú, Bình Tân, quận 12…, tình trạng rác thải công nghiệp chất thành đống cao trên vỉa hè, ùn ứ kéo dài hàng chục mét gây ô nhiễm môi trường. Theo tìm hiểu, tình trạng này diễn ra phổ biến chủ yếu từ tháng 6-2018 đến nay.

Và sau khi báo chí, truyền thông phản ánh tình trạng này, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 5759 gửi UBND 24 quận, huyện, Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP. Hồ Chí Minh (MBS) về việc tăng cường quản lý chất thải công nghiệp thông thường (chủ yếu phát sinh từ các cơ sở, hộ kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư). Trong đó, yêu cầu đơn vị thu gom chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quản lý không thu gom chất thải công nghiệp trộn lẫn với chất thải sinh hoạt.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo cơ quan Công an, quá trình thu thập hồ sơ, chứng cứ và tiến hành bắt quả tang một số vụ việc cho thấy việc thực hiện hành vi của các đối tượng là khá tinh vi và có tổ chức vì được chia ra thành nhiều công đoạn khác nhau. Đồng thời, địa điểm vận chuyển, tập kết liên tục thay đổi để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. 

Đáng nói, có đối tượng khi lấy chất thải tại công ty ra không đi đổ ngay mà đưa về bãi tập kết gần ngay chỗ khu xử lý để chờ nhằm tránh bị phát hiện. Sau đó, mới chọn thời điểm bất ngờ nhất để đưa đi đổ và chôn lấp… để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, thay vì phải đưa chất thải vào xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một thực tế tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn chưa có nhà máy chuyên xử lý tái chế rác thải công nghiệp và rác thải xây dựng. Hầu hết những loại rác này lâu nay đang được gom chung với rác sinh hoạt.

Tại buổi họp báo định kỳ về tình hình văn hóa - kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2018 tổ chức vào ngày 2-8 vừa qua, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh, cho biết mỗi ngày thành phố này gom rác dao động từ 8.000 đến 8.500 tấn. Nhưng lại có tới trên dưới 2.000 tấn rác bị đổ xả trái phép ra nơi công cộng. Trong đó, bức xúc nhất là nạn đổ trộm rác thải công nghiệp, rác xây dựng, rác sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Rác công nghiệp bị ùn ứ tại điểm tập kết rác trên đường Bình Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú

Ông Nguyễn Toàn Thắng thừa nhận do thành phố phát triển quá nhanh nên nhu cầu xử lý rác tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng vận chuyển, xử lý rác đang bị quá tải. Hiện tại Sở đã ban hành các quy định chuyên ngành về quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, kết hợp hướng dẫn và triển khai kế hoạch thu gom vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn thành phố. 

Mục tiêu trong năm nay là hoàn tất thủ tục, nguồn vốn doanh nghiệp và tập trung chuyển đổi công nghệ tại các nhà máy xử lý rác hiện hữu, tập trung vào việc thực hiện các bước để cải tạo, nâng cấp nhà máy, đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại. Trong đó, công nghệ xử lý rác thải hiện nay không chỉ còn là chôn lấp mà các đơn vị sẽ chuyển đổi tập trung chủ yếu vào công nghệ nhiệt phân, đốt phát điện, khí hóa lỏng CNG.

Ngoài ra, thành phố cũng đang tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; tăng cường công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các quận huyện và trường học. Tiếp tục giám sát hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đổ, bỏ chất thải công nghiệp tại các điểm, trạm trung chuyển rác sinh hoạt. Nếu người quản lý địa bàn có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để phát sinh điểm "nóng" rác thải công nghiệp thì thành phố sẽ truy trách nhiệm. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm việc số rác công nghiệp bị đổ trộm để đảm bảo môi trường khu dân cư, đường phố…

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố thường xuyên diễn ra tình trạng chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt được đổ tràn lan ở các bãi đất trống, đường giao thông nhất là khu vực ven đô thị, khu vực ngoại thành. Điều này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân xung quanh. Các đối tượng thường nhắm đến các khu đất trống, vắng người qua lại và thường tổ chức hoạt động vào buổi trưa hoặc đêm khuya nhằm qua mắt người dân và chính quyền địa phương; đồng thời để thuận tiện cho việc tẩu thoát khi bị phát hiện.

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi phát hiện đối tượng đổ rác thải trái quy định cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương, Công an quận/huyện hoặc báo ngay cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (địa chỉ: số 196 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3) qua số điện thoại: 028.39330075 để xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Phú Lữ
.
.
.