Xét xử vụ chiếm giữ con dấu trái phép tại Tập đoàn Trung Nguyên

Thứ Tư, 21/03/2018, 15:32

Ngày 21-3, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vụ “tranh chấp giữa công ty với các thành viên trong công ty”. Nguyên đơn là Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên (gọi tắt Công ty Trung Nguyên), người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT) và bị đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ).


Theo đó, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu của Công ty Trung Nguyên; chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty Trung Nguyên; hoàn trả lại cho người đại diện theo pháp luật của công ty con dấu cũng như các giấy đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên được thành lập vào năm 2006, là công ty mẹ của 9 công ty con nằm trong hệ thống của công ty. Bà Diệp Thảo là cổ đông, nắm giữ 30% cổ phần vốn điều lệ của công ty Trung Nguyên.

G7, một trong những dòng sản phẩm của cà phê Trung Nguyên

Ngày 16-10-2015, bà Diệp Thảo đã dẫn theo một số người đến trụ sở công ty, khống chế bà Lê Thị Bích Hạnh (thư ký Ban Tổng giám đốc) để cưỡng đoạt bất hợp pháp hàng loạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con.

Hành vi cưỡng đoạt trái phép của bà Thảo đã được Văn phòng thừa phát lại quận Bình Tân ghi nhận tại Vi bằng số 795/2015/VB-TPL ngày 16-10-2015.

Theo công ty Trung Nguyên, hành vi trái pháp luật của bà Diệp Thảo khiến nhiều công ty trong hệ thống không thể giao dịch với ngân hàng, đối tác, khách hàng và các cơ quan thuế... Nhiều công ty con phải làm lại con dấu nhưng việc tồn tại hai con dấu cùng một lúc đang tạo ra nhiều bất cập và rối loạn trong quản lý điều hành của Tập đoàn Trung Nguyên.

Tập đoàn Trung Nguyên đã phát hành nhiều văn bản yêu cầu bà Diệp Thảo trao trả toàn bộ các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng bà Thảo vẫn chưa thực hiện.

Theo nguyên đơn, sau khi chiếm đoạt bất hợp pháp các con dấu của công ty, bà Thảo đã sử dụng trái phép các con dấu này để phục vụ cho mục tiêu gây rối Tập đoàn Trung Nguyên.

Vì vậy, Công ty Trung Nguyên khởi kiện lên toà án yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu của công ty Trung Nguyên theo khoản 7 Điều 6 Nghị định 99 của Chính phủ năm 2016 về quản lý và sử dụng con dấu; yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền của công ty Trung Nguyên theo quy định tại khoản 10 Điều 6 Nghị định 99 của Chính phủ năm 2016 về quản lý và sử dụng con dấu; yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi nhân danh Công ty Trung Nguyên để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền; bà Thảo phải trao trả ngay cho Công ty Trung Nguyên con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt của công ty Trung Nguyên vào ngày 16-10-2015, bao gồm: con dấu của Công ty Trung Nguyên, bản chính giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty Trung Nguyên đăng ký lần 2 ngày 13-5-2010.

Tại toà, đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Mặc dù không đến tòa cũng như người đại diện cũng vắng mặt, tuy nhiên trong văn bản gửi đến toà, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng công ty Trung Nguyên không đủ tư cách pháp nhân để đứng ra khởi kiện cho tất cả các công ty thuộc tập đoàn này. Bởi các công ty này dù hoạt động theo tổ chức công ty mẹ, công ty con nhưng có tư cách pháp nhân độc lập, việc đứng ra khởi kiện cho nhiều công ty là vượt quá thẩm quyền ảnh hưởng tới quyền lợi của bà. Theo bà Thảo, là cổ đông đồng sáng lập Công ty Trung Nguyên và có 30% cổ phần, đồng thời là phó chủ tịch HĐQT nên bà có quyền sử dụng con dấu của công ty.

Theo HĐXX, căn cứ vào giấy phép kinh doanh của Công ty Trung Nguyên thì người đại diện và chịu trách nhiệm trước pháp luật là ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo chỉ là cổ đông nhưng lại chiếm giữ các con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Trung Nguyên và các công ty con là hành vi trái pháp luật.

Bà Thảo không được ủy quyền để thực hiện bất cứ công việc nào của Công ty Trung Nguyên nên không có thẩm quyền để nhân danh công ty phát hành các văn bản đến đối tác, khách hàng. Do đó việc bà Thảo sử dụng con dấu của Công ty Trung Nguyên để đóng trên các văn bẳn mà mình không có thẩm quyền ký là hành vi bị nghiêm cấm.

Trong văn bản gửi đến toà, bà Thảo cho rằng có giao lại con dấu tuy nhiên ông Vũ không nhận lại là không có căn cứ bởi trước đó HĐXX đã nhiều lần hòa giải giữa hai bên nhưng bà Thảo một mực không giao trả con dấu và các giấy tờ trên. Với lập luận nêu trên, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

A.Huy - Hồng Sơn
.
.
.