Xét xử đường dây buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT
- Mạo danh cán bộ Bộ Quốc phòng để lừa đảo ở vùng cao biên giới/ Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức cầm cố đồ giả
Liên quan đến vụ án có đến 43 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội "Buôn lậu, "Lừa đảo...", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó có đến 31 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan TP Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang...
Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài và hoàn thuế GTGT cho các Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, khoảng tháng 4-2011, Trần Thị Bích Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Đại Đắc Tài bàn bạc với Lâm Tuấn Phát- Giám đốc Công ty cổ phần Cảnh Phong thực hiện việc lập hồ sơ xuất khẩu khống (không có hàng xuất khẩu) sang Campuchia, rồi sử dụng làm hồ sơ xin hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Các bị cáo tại phiên xử. |
Do Công ty cổ phần Cảnh Phong là DNTN, thủ tục xin hoàn thuế sẽ bị kiểm tra kỹ và sẽ gặp khó khăn trong việc xin hoàn thuế, nên Tuyền và Phát bàn nhau tìm cách quan hệ với Công ty CP TPCN Sài Gòn là doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, do Lê Dũng làm giám đốc để thỏa thuận việc lập, ký các hợp đồng mua hàng hóa với giá trị hàng hóa chưa có thuế GTGT (tiền hàng trước thuế), cộng 25% tiền thuế GTGT, số còn lại 75% tiền thuế GTGT sẽ do Tuyền và Hứa Châu- Giám đốc Công ty TNHH Lâm Kim Ngọc (đơn vị cung cấp hóa đơn đầu vào) được hưởng, phía Công ty CP TPCN Sài Gòn chịu trách nhiệm xin hoàn thuế GTGT.
Vì Công ty Lâm Kim Ngọc có nguồn hàng thuốc lá bán ra thị trường tự do không xuất hóa đơn GTGT nên Tuyền, Lâm Tuấn Phát, Hứa Châu thống nhất dùng hóa đơn GTGT đầu ra của Công ty Lâm Kim Ngọc làm nguồn hàng luân chuyển và ký hợp đồng mua bán giả tạo, xuất hóa đơn GTGT ghi khống nội dung là mặt hàng thuốc lá Caraven “A” có trị giá cao (đầu vào) cho Công ty CP TPCN Sài Gòn. Sau đó, Công ty CP TPCN Sài Gòn ký hợp đồng bán khống cho Công ty Dang Toung Mine và Công ty Blue C.T để làm thủ tục xuất khẩu, nhưng hàng hóa thực xuất là những mặt hàng rẻ tiền hoặc hàng không có giá trị khác.
Bị cáo Dũng. |
Để có nguồn tiền luân chuyển, Hứa Châu dùng tiền của mình chi ứng trước nộp vào tài khoản của Công ty Dang Toung Mine và tài khoản của Công ty Blue C.T, rồi từ các tài khoản này Tuyền với danh nghĩa chủ tài khoản của 2 công ty trên chuyển tiền vào tài khoản của Công ty CP TPCN Sài Gòn, lý do là thanh toán tiền mua hàng thuốc lá. Lê Dũng chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của Công ty CP TPCN Sài Gòn chi thêm 75% tiền thuế GTGT của lô hàng cộng với số tiền Tuyền đã chuyển để chuyển lại cho Hứa Châu theo hợp đồng mua bán thuốc lá đã ký.
Tháng 5-2011, sau khi thực hiện việc mua bán lô hàng 500 thùng thuốc lá đầu tiên, Lê Dũng đã chủ động gặp Tuyền thống nhất cách thức tạo dựng bộ hồ sơ xuất khẩu. Tiếp đó, trong khoảng thời gian từ tháng 5-2011 đến tháng 9-2013, Lê Dũng chỉ đạo Lê Tiến Cường đến Công ty Lâm Kim Ngọc bàn bạc với Hứa Châu về việc ký hợp đồng mua bán thuốc lá khống, chỉ đạo cho bộ phận Kế toán soạn thảo Hợp đồng mua bán thuốc lá với Công ty Lâm Kim Ngọc, rồi giao cho Hứa Châu để ký hợp thức hóa việc mua bán hàng hóa giả tạo giữa Công ty CP TPCN Sài Gòn với Công ty Lâm Kim Ngọc cũng như việc ký hợp đồng ngoại thương với Công ty Dang Tung Mine và Công ty Blue C.T.
Bị cáo Châu và Tuyền. |
Với thủ đoạn nêu trên, Lê Dũng, Hứa Châu, Trần Thị Bích Tuyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 132,8 tỷ đồng, trong đó Hứa Châu chiếm hưởng 66,4 tỷ đồng, Tuyền chiếm hưởng 47,2 tỷ đồng, Công ty CP TPCN Sài Gòn chiếm hưởng 19 tỷ đồng. Trong tổng số tiền đã chiếm đoạt, Tuyền chi hàng tỷ đồng để đưa cho đồng bọn "bôi trơn" cho các cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình (An Giang) và Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV để thông quan hàng hoá giả tạo.