“Vẽ” học bổng du học toàn phần để chiếm đoạt hơn 8,7 tỷ đồng

Thứ Ba, 13/08/2019, 08:16
Bùi Minh Nguyệt (SN 1973, trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) không có nghề nghiệp ổn định và đã có 2 tiền án với 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng Nguyệt không tu tỉnh làm lại cuộc đời mà tiếp tục gây ra vụ lừa đảo khác để chiếm đoạt số tiền hơn 8,7 tỷ đồng.

Ngày 12-8, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyệt bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân của Nguyệt là 8 gia đình có nhu cầu cho con đi du học nước ngoài hoặc xin việc làm vào cơ quan Nhà nước.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, anh Vũ Đình Tiến (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người quen của Nguyệt. Tháng 7-2018, trong một lần anh Tiến đến nhà chơi, Nguyệt nói dối rằng chị ta đang công tác tại Văn phòng Chính phủ, quen biết nhiều người nên có thể xin được suất đi du học ngước ngoài với chế độ học bổng toàn phần do Chính phủ tài trợ.

Bị cáo Nguyệt tại phiên xử.

Thấy vậy, anh Tiến nhờ Nguyệt xin cho con ruột cùng hai cháu đi du học tại Anh, Mỹ và Trung Quốc. Hai bên thỏa thuận, nếu đi du học Mỹ thì số tiền chứng minh năng lực tài chính là 35.000 USD cộng với 25.000 USD và số tiền phát sinh còn lại là 15.000 USD.

Nếu đi du học ở Anh thì tổng số tiền chứng minh tài chính và “qua cửa” hơn 37.000 USD. Nếu đi du học Trung Quốc, số tiền chứng minh tài chính là 20.000.000 Nhân dân tệ cộng với 10.000 USD. Chấp nhận mức chi phí du học trên, anh Tiến đã chuyển 3 bộ hồ sơ của con và hai cháu cho Nguyệt.

Từ tháng 7 đến tháng 8-2018, theo yêu cầu của Nguyệt, anh Tiến đã 5 lần chuyển tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyệt. Sau khi nhận tiền, Nguyệt cam kết đến ngày 10-10-2018 sẽ đưa con và hai cháu của anh Tiến sang Anh, Mỹ, Trung Quốc du học và được hưởng học bổng toàn phần cho Chính phủ tài trợ. Nhưng thực tế thì không có việc đó.

Ngoài hành vi chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của anh Tiến, quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định, tháng 9-2018, Nguyệt còn chiếm đoạt của anh Bùi Xuân Khải (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) số tiền 500 triệu đồng khi hứa hẹn xin cho anh Khải vào làm việc tại Bộ Tài chính với chi phí trên.

Điều đáng nói là anh Khải cũng chỉ biết Nguyệt là “cán bộ Văn phòng Chính phủ” do anh Tiến giới thiệu nên mới tin tưởng nhờ việc và chuyển số tiền 500 triệu đồngvào tài khoản của Nguyệt. Nhận tiền, Nguyệt viết giấy cam kết sau ba ngày, anh Khải sẽ có quyết định tuyển dụng vào Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) làm nhân viên. Vậy nhưng lời hứa của Nguyệt chỉ là lừa dối.

Ngoài hai bị hại là anh Tiến và anh Khải, cơ quan điều tra còn xác định, từ năm 2014 đến năm 2018, Nguyệt vẫn dùng thủ đoạn lừa đảo xin suất du học nước ngoài học bổng toàn phần và xin việc làm vào cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt của 6 bị hại khác với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Trước khi phiên toà diễn ra, Nguyệt mới bồi thường được cho bị hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Tại phiên xử, bị cáo Nguyệt thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX kết luận, bị cáo Nguyệt không có khả năng tổ chức đi du học nước ngoài và thi tuyển công chức, nhưng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên Nguyệt đã đưa ra thông tin gian dối để các bị hại tin tưởng mà giao tiền để chiếm đoạt của họ.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyệt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt của 2 bản án bằng 11 năm tù trước đó, HĐXX buộc bị cáo Nguyệt phải thi hành bản án chung là 29 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo Nguyệt phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.