Tăng cường ra quân xử lý… “ma men”

Thứ Hai, 29/10/2018, 13:24
Sau vụ bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12, người điều khiển xe BMW gây tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh (phường 21, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) làm 1 người chết và 5 người bị thương, Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng để điều tra xử lý. 


Sau vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân bia rượu, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) Công an TP Hồ Chí Minh và CSGT các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra trật tự an toàn giao thông và chú trọng kiểm tra vi phạm khi sử dụng nồng độ cồn của người tham gia lưu thông trên đường.

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ TNGT kinh hoàng do lái xe say bia rượu. Hồi giữa tháng 4-2018, Mai Thuyết Giao (34 tuổi) điều khiển xe ôtô bán tải lưu thông qua cầu Kênh Tẻ đã tông vào dải phân cách và lao sang làn đường ngược lại, ủi 2 xe gắn máy lật ngang. Một nạn nhân là ông Lê Văn Thiện (65 tuổi) sau cú va chạm đã rơi từ độ cao gần 10m, từ cầu Kênh Tẻ xuống mặt đường tử vong tại chỗ. 

Cán bộ CSGT kiểm tra nồng độ cồn một người tham gia giao thông.

Thời điểm gây tai nạn Giao đã uống bia cùng bạn bè nên nồng độ cồn đo được từ Giao là 0,385mg/ lít khí thở. Hay vụ TNGT dây chuyền giữa 4 xe ôtô trong hầm vượt sông Sài Gòn, Ông Nguyễn Văn Sáng (49 tuổi, quê Quảng Nam) trong tình trạng say xỉn điều khiển xe ôtô lưu thông ngược chiều trong hầm vượt sông Sài Gòn (hướng từ quận 1 sang quận 2) và tông và 3 xe ôtô khác...

Theo số liệu của Phòng CSGT ĐB-ĐS-Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2018 đến nay đã kiểm tra nồng độ cồn 3.892 lượt tài xế, phát hiện và xử phạt gần 100 trường hợp, tạm giữ 36 môtô và 51 ôtô, xe tải. Con số kiểm tra và phát hiện xử phạt này dường như còn quá nhỏ so với thực tế bởi hàng ngày, nhất là những ngày cuối tuần, các nhà hàng, quán nhậu tại TP Hồ Chí Minh luôn nườm nượp khách.

Dạo một vòng quanh các nhà hàng, quán nhậu, vào chiều tối, chúng tôi thấy nhiều xe máy, ôtô đậu san sát ngoài các quán nhậu, bên trong tiếng cụng ly chan chát và tiếng hò “dzô dzô” khí thế của người nhậu, tiếng cụng ly, hát hò át cả tiếng xe lưu thông ngoài đường. Sau cuộc nhậu, nhiều người tự lái xe ôtô và xe máy về, có người đi như diễn xiếc trên đường.

Con số thống kê người bị phát hiện nồng độ cồn khi tham gia giao thông còn quá ít, chỉ là số lẻ so với những người hằng ngày đến quán nhậu “quắc cần câu” rồi tự mình điều khiển phương tiện ra về. Trước tình trạng này, Phòng CSGT ĐB-ĐS-Công an TP Hồ Chí Minh liên tục mở các đợt kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế và đêm 26-10, tại khu vực Hàng Xanh, một tổ chuyên đề đã thực hiện nhiệm vụ này. 

Giờ khuya, ngã tư Hàng Xanh vẫn đông các phương tiện qua lại, nhất là các phương tiện cỡ lớn và xe ôtô. Thấy tổ công tác làm nhiệm vụ tại khu vực này, nhiều người điều khiển xe 2 bánh dường như mới từ quán nhậu đi ra đã vội quay đầu xe tìm đường trốn. Một số người khi thấy CSGT đã giảm tốc độ giả bộ như người tỉnh táo để qua chốt.

Một số người có nồng độ cồn trong cơ thể thấp hơn 0,25mg/lít khí thở được cán bộ CSGT nhắc nhở và yêu cầu điều khiển phương tiện cẩn thận trên đường, người vượt ngưỡng 0,25mg/ lít khí thở đã bị lập biên bản tạm giữ phương tiện. Bị CSGT đo nồng độ cồn ở mức 0,41mg/ lít khí thở, anh T.B trần tình “Tôi vừa ngồi uống 4 lon bia với bạn bè, hiện giờ rất tỉnh táo nhưng nồng độ cồn trong người khá cao nên chấp nhận bị phạt, giờ đón xe ôm về cũng an toàn!”.

Thiếu tá Lê Văn Chung - Đội phó Đội CSGT Hàng Xanh cho biết, các tổ chuyên đề đo nồng độ cồn hằng đêm sẽ tập trung tại các tuyến đường trọng điểm từ 22h hôm trước đến 2h sáng hôm sau để xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Chỉ riêng Đội CSGT Hàng Xanh, từ đầu năm đến nay đã xử lý hơn 800 trường hợp người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu, nồng độ cồn trong người cao.

Một cán bộ Phòng CSGT ĐB-ĐS-Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, nhiều người sử dụng bia rượu điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường thường không nghĩ đến hậu quả của việc mình không làm chủ được tốc độ khi không còn tỉnh táo dễ gây tai họa cho chính bản thân và những người đi đường. Khi bị kiểm tra nồng độ cồn, họ thường viện giải lý do, tìm mọi cách chống đối lại người thi hành công vụ hoặc lẩn trốn. 

Xử phạt nghiêm là trách nhiệm của CSGT đối với những người điều khiển phương tiện khi có bia rượu nhưng cũng cần nhắc nhở ý thức chung của người tham gia giao thông. Người dân có ý thức bảo vệ tính mạng của mình thì mới mong bảo vệ tính mạng và tài sản của người khác khi lưu thông trên đường.

Vừa qua Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, cho thấy xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng quan ngại, tăng gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm, với tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%. Và rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (40%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%). Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai chịu tác động rượu bia rất lớn đến 70%, tác động trực tiếp và gián tiếp cho 200 loại bệnh, như rối loạn tâm thần, xơ gan, tim mạch, ung thư. Còn theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, khoảng 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan rượu bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Văn Cảnh - Anh Thư
.
.
.