Siết chặt quản lý, bịt kẽ hở của dịch vụ chuyển phát nhanh

Thứ Tư, 02/05/2018, 08:14
Vì nhiều lý do, tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm vẫn có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Bài cuối: Nhanh chóng nhưng phải phòng ngừa được tội phạm

Luật Bưu chính năm 2010 quy định cụ thể về các vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; những hành vi cấm gửi hàng hoá, vật phẩm không được gửi. Đó là các bưu phẩm có nội dung gây kích động, mất an ninh; bưu kiện chứa văn hoá phẩm trái với đạo đức xã hội như sách báo, tài liệu văn hoá phẩm. Luật đồng thời đưa ra các quy định cụ thể đối với nhân viên bưu điện, trong quá trình kiểm tra hàng hóa...

Thế nhưng vì nhiều lý do, tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm vẫn có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Từ đó đặt ra những yêu cầu và giải pháp để phòng ngừa, hạn chế tình trạng trên. 

Đi tìm nguyên nhân

Đánh giá nguyên nhân, tình trạng mất an ninh, an toàn hoạt động bưu chính viễn thông có dấu hiệu phức tạp trong thời gian qua, một cán bộ quản lý lĩnh vực trên lý giải với chúng tôi: Chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính lại phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà mở rộng cả về diện...

Thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp này (kể cả cấp phép và chưa được cấp phép) lại chỉ quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận nên đã vô tình hoăc cố ý bỏ qua các quy định. Đó còn chưa kể đến việc một số doanh nghiệp xin giấy phép trong hoạt động bưu chính nhưng lại không hoạt động (Điểm D, khoản 1, điều 24 Luật Bưu chính) theo quy định trong 1 năm nếu không hoạt động phải thu hồi giấy phép nhưng vẫn lợi dụng để hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội trong lĩnh vực bưu chính thời gian qua có dấu hiệu gia tăng.  

Đối tượng Nguyễn Thanh Thủy cùng tang vật ma túy trong vụ án lợi dụng chuyển phát nhanh.

Một nguyên nhân khác, không kém phần quan trọng là yếu tố con người. Như đã nói ở trên những năm trở lại đây lĩnh vực bưu chính, trong đó có chuyển phát nhanh phát triển nhanh, thành phần tham gia bưu chính được mở rộng...

Trong khi đặc thù của ngành này lại sử dụng phần lớn là lao động phổ thông, nhân viên chỉ cần có trình độ lớp 12 đã có thể xin được việc làm. Vì thế, nhận thức của họ về vấn đề an ninh, an toàn hoạt động bưu chính còn nhiều hạn chế. Trong khi đó phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm hiện nay lại rất tinh vi. Để tránh bị phát hiện, đối tượng đóng gói các gói bưu kiện, bưu phẩm, trong đó có ma tuý một cách tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng.

Đường dây vận chuyển ma túy qua đường chuyển phát nhanh từ Đức về Việt Nam do Nguyễn Tuấn Anh (36 tuổi, HKTT tại phường Láng Thượng, Hà Nội), một Việt kiều Đức và Nguyễn Thanh Thủy (35 tuổi, ở tập thể Khương Thượng, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) thiết lập là một ví dụ.

Để tránh bị phát hiện, Tuấn Anh giấu ma túy vào trong các hộp đựng thức ăn của vật nuôi, sau đó cuốn bằng giấy bạc và nhiều lớp khác, tránh sự phát hiện của Hải quan. Sau khi ma túy được chuyển theo đường chuyển phát nhanh bằng đường hàng không từ Đức về Việt Nam, Tuấn Anh sẽ liên hệ với Thủy.

Đối tượng này thuê chú họ là Nguyễn Minh Tuấn, kẻ có 2 tiền án vận chuyển hàng, với tiền công từ 500 đến 2 triệu đồng/chuyến. Các đối tượng nhận ma túy qua công ty chuyển phát nhanh tại phố An Dương (quận Tây Hồ).

Trong vụ án này, để tránh sự phát hiện, đối tượng chủ mưu còn yêu cầu người bị hại sử dụng điện thoại lưu sẵn số điện thoại của nhân viên làm nhiệm vụ giao hàng của công ty chuyển phát nhanh. Đồng thời lập tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo và phần mềm chát ICQ để giao dịch, trao đổi việc mua bán ma túy...

Vụ án được làm rõ vào tháng 4-2018, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội xác định vào ngày 6-11-2017, Thủy và Tuấn Anh đã thực hiện một thương vụ mua bán 15.000 viên thuốc lắc.

Bên cạnh đó, một số nhân viên công tác trong lĩnh vực bưu chính chủ quan, khi phát hiện hàng hóa đóng gói cẩn thận ngại kiểm tra đã bỏ qua các quy định; một số nhân viên đang công tác tại các bưu cục bị lôi kéo, tiếp tay cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Một yếu tố mới, đáng quan tâm nữa là dịch vụ mới COD còn gọi là phát hàng thu tiền hộ, triển khai chủ yếu là các doanh nghiệp thương mại điện tử, bán hàng qua mạng.

Trong trường hợp này, người thực hiện việc vận chuyển hàng chủ yếu là shipper nên việc kiểm soát của lực lượng chức năng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, qua các vụ việc được điều tra, làm rõ trong thời gian qua thì đối tượng thường lợi dụng dịch vụ này để vận chuyển ma túy, vũ khí và các loại công cụ hỗ trợ... Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nguy hiểm và đáng báo động.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết: Đối với mặt hàng là vũ khí, các đối tượng vận chuyển chủ yếu là linh kiện của các loại súng, phương thức và thủ đoạn gửi và nhận rất tinh vi cả ở trong và ngoài nước. Thông thường, các đối tượng gửi các chi tiết của vũ khí, gửi làm nhiều lần, tách rời từng bộ phận; kê khai mặt hàng không đúng; người gửi dùng tên và địa chỉ giả, kê khai không rõ họ tên.

Vì thế, một số nhân viên bưu điện dù kiểm tra cũng không phát hiện được đó là linh kiện của súng. Mới đây Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ra đời, quy định chi tiết về linh kiện đã tạo cơ sở pháp lý đã phần nào giúp cho lực lượng chức năng trong thực hiện việc giám sát.

Siết chặt quản lý, đảm bảo an ninh an toàn

Thời gian qua để đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực bưu chính, ngoài Luật Bưu chính; Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 95 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Chỉ thị đã quy định rõ trách nhiệm của Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính, Vụ Pháp chế và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và nhận thức của cá nhân, tổ chức tham gia cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính thông qua các hình thứcđào tạo, phổ biến, tập huấn, giới thiệu,...

Đồng thời quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cungứng dịch vụ bưu chính trong việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, những khuyến cáo cần thiết của các cơ quan nhànước có thẩm quyền, các quy trình kỹthuật, biện pháp nghiệp vụ về bảo đảm an toàn, an ninh trong cungứng dịch vụ bưu chính... Đây là những hành lang pháp lý cho các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an tăng cường công tác đảm bảo an ninh.

Cùng với việc tuyên truyền, lực lượng Công an các cấp đã thường xuyên tiến hành các buổi tập huấn, tuyên truyền; cùng với đó phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đề nghị các doanh nghiệp hợp tác nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn...

Để kiểm soát tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển vật phẩm và hàng cấm, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Vụ Bưu chính và Thanh tra, các đơn vị của lực lượng Công an, trong thẩm định, cấp giấy phép bưu chính, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài, chỉ cấp phép khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh. Trong quá trình đó, cần tăng cường, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Luật Bưu chính và Chỉ thị 95; phối hợp cập nhật thường xuyên phương thức, thủ đoạn của tội phạm để cho doanh nghiệp và nhân viên biết.

Về phía doanh nghiệp và cơ quan Công an đề nghị giám đốc các doanh nghiệp phải ý thức được nhiệm vụ này liên quan đến ANTT và trật tự an toàn xã hội để có ý thức giáo dục nhân viên chấp hành nghiêm các quy định.

Qua đó, kịp thời thời khắc phục các sơ hở thiếu sót của ngành bưu điện trong việc kiểm tra, giám sát các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm. Khi gửi các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm qua đường bưu điện phải ghi rõ, cụ thể và chính xác tên, tuổi và địa chỉ người gửi cũng như người nhận. Trong trường hợp phát hiện, cơ quan Công an cần xử lý. Về phía các nhân viên phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ cũng như tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phát hiện các chất cấm nói chung trong các loại thư tín, bưu kiện, bưu phẩm gửi qua đường bưu điện cần phải trang bị các thiết bị kỹ thuật, phương tiện, điều kiện an ninh, giám sát, kiểm tra được những hoạt động nghi liên quan đến hoạt động tội phạm. Có như vậy, các vụ việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để hoạt động phạm tội mới có thể được ngăn chặn và phát hiện kịp thời. 

Xuân Mai
.
.
.