Siết chặt quản lý, bịt kẽ hở của dịch vụ chuyển phát nhanh

Thứ Ba, 01/05/2018, 07:41
Điều 12, Luật Bưu chính quy định cụ thể vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính..., thế nhưng, tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng cấm vẫn diễn ra phức tạp.


Bài 1: Sự thật phía sau các gói bưu kiện

Những năm gần đây, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính ở Việt Nam tăng nhanh, đến thời điểm này đã có trên 260 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài. Lợi dụng sự phát triển của mạng lưới bưu điện, việc thiếu kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã lén lút hoạt động, thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.

Từ những vụ việc vừa bị phát hiện trong thời gian gần đây đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm.

Chỉ cần gõ Google trong vài giây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm kết quả liên quan đến các vụ án được phát hiện qua dịch vụ chuyển phát nhanh... 

Các loại vật phẩm, hàng hoá đều là những sản phẩm không được phép gửi qua mạng bưu chính gồm các bưu gửi có nội dung gây kích động, mất an ninh; bưu kiện chứa văn hoá phẩm trái với đạo đức xã hội như sách báo, tài liệu văn hoá phẩm. Ngoài ra, còn có các bưu phẩm chứa vũ khí, chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma tuý...

Vụ việc mới nhất được phát hiện tại tầng 2 tòa nhà tại số 172 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội là trụ sở Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện EMS. Chiều 24-4, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội gồm Đội Quản lý thị trường số 13, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện 12.000 bao thuốc lá và 25.000 điếu xì gà các loại có nhãn hiệu nước ngoài gồm: Esse; Esse golden leaf; Raison…, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tem nhập khẩu theo quy định.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng kiểm tra số thuốc lá bị thu giữ.

Liên quan đến vụ việc trên, chiều 26-4, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ vụ việc. Một câu hỏi đặt ra trong vụ án này là thuốc lá là mặt hàng dễ bị phát hiện và các nhân viên bưu điện chắc chắn biết rằng đó là mặt hàng cấm, vì sao số hàng này vẫn có thể dễ dàng lọt qua việc thẩm định của các nhân viên?

Điều 12, Luật Bưu chính quy định cụ thể vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính..., thế nhưng, tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng cấm vẫn diễn ra phức tạp.

Một trong những mặt hàng các đối tượng thường lợi dụng tuyến đường bưu điện, mà cụ thể là hệ thống chuyển phát nhanh để thực hiện hành vi phạm tội, đó là vũ khí và ma tuý.

Lý giải với chúng tôi về hiện tượng này, một cán bộ của Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho biết: Hiện nay, các loại ma túy tuý được vận chuyển qua đường bưu điện phong phú về chủng loại, ngoài heroin, còn có ma tuý tổng hợp, cần sa và tinh dầu xá xị,…

Với đặc điểm có thể là dạng rắn hoặc lỏng, các đối tượng có thể dễ dàng cất giấu vào trong các bưu kiện, bưu phẩm. Việc vận chuyển đảm bảo này lại khá an toàn vì khi vận chuyển ma túy qua các công ty chuyển phát nhanh, đối tượng không cần phải “xuất đầu lộ diện”. Trong khi đó, vì lợi nhuận, một số công ty chuyển phát nhanh sẵn sàng bỏ qua các quy định, không yêu cầu người gửi khai báo rõ tên, tuổi địa chỉ. Trong trường hợp này, đối tượng có thể dễ dàng che giấu nhân thân bằng cách khai báo không trung thực về tên, tuổi, địa chỉ của người gửi cũng như người nhận bưu kiện, bưu phẩm.

Đó còn chưa kể đến hiện nay, với sự phát triển của các dịch vụ shipper, đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo..., để tiến hành giao dịch tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đường dây dùng mạng xã hội Facebook để giao dịch và lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội do hai đối tượng Nguyễn Hữu Trung (21 tuổi, trú tại cụm 11, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) và Hoàng Đình Lượng (29 tuổi, trú tại quốc lộ 13 cũ, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) thực hiện là một điển hình.

Trong vụ án này, đối tượng sử dụng tên và địa chỉ giả để giao dịch và mua bán ma túy; các thông tin trên mạng xã hội Facebook cũng là ảo...

Vụ án được điều tra, làm rõ từ thông tin Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) thu thập được về Công ty cổ phần Giao hàng Tiết kiệm có chi nhánh tại huyện Thanh Trì, trong quá trình giao hàng tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã bị cướp hai gói hàng. Khi đại diện công ty liên hệ với người gửi, chủ sở hữu khẳng định rằng không cần tìm lại gói hàng?

Chi tiết bất thường này đã khiến đơn vị quản lý đặt nhiều nghi vấn; phối hợp với đơn vị chuyển phát nhanh kiểm tra các bọc hàng còn lại và phát hiện bên trong có chứa thảo mộc khô này là ma túy cần sa. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau đó đã xác định được đối tượng nhận hàng là Nguyễn Hữu Trung... Quá trình mở rộng án đã làm rõ vai trò của Hoàng Đình Lượng.

Để phục vụ cho việc mua bán trái phép chất ma túy, giữa tháng 7-2017, Lượng đăng ký thông tin shop trên Công ty cổ phần Giao hàng Tiết kiệm, lấy tên là Phạm Văn Khánh. Theo hợp đồng, bên Công ty cổ phần Giao hàng Tiết kiệm giao cho shop một số mã vận chuyển hàng. Khi đóng hàng xong, shop báo bên công ty đến nhận đơn và tự quản lý mã. Khi đơn hàng đến tay người nhận thì báo mã đúng với bên phát hàng để xác nhận. Ngoài thủ đoạn trên, Lượng còn dùng nickname “Hoàng Thiên” để giao dịch với Trung nhằm mua bán cần sa...

Việc vận chuyển bằng đường chuyển phát nhanh có chi phí rẻ và thời gian giao nhận hàng nhanh cũng là một đặc điểm để các đối tượng phạm tội lợi dụng. Theo đó, giá thành của dịch vụ này thường phụ thuộc vào trọng lượng và kích thước của các loại, bưu kiện, bưu phẩm, thư tín... Khi chuyển phát nhanh trong nội địa, các đối tượng có thể nhận ma túy được ngay trong ngày.

Không chỉ trong nội địa, tình trạng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế để hoạt động phạm tội cũng đáng báo động. Chiều 20-4, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) phối hợp với Tổng cục Hải quan, Viện Khoa học hình sự (C54), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an TP Hà Nội và Trung tâm Khai thác EMS quốc tế Nội Bài - Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện tổ chức khám xét, mở niêm phong kiện hàng nhập khẩu từ Hà Lan, Bỉ về Việt Nam theo đường chuyển phát nhanh.

Kiện hàng nặng 12,83kg vận chuyển từ Hà Lan qua Bỉ về Việt Nam theo đường chuyển phát nhanh có vận đơn mang số EA 139268691 BE. 7.2.2018, Bỉ. Người gửi là Xin Yi Tonggan, địa chỉ tại Bỉ. Người nhận là Hoàng Thị Nghĩa, ở Lê Chân, Hải Phòng. Quá trình soi chiếu, Hải quan chuyển phát nhanh Cục Hải quan Hà Nội đã nghi vấn kiện hành lý này bên trong có chứa ma túy, đã mời cơ quan Công an phối hợp, tiến hành khám xét, mở niêm phong, kiểm tra kiện hàng.

Tiến hành mở kiểm tra trực tiếp, bên trong kiện hành lý gồm có các hộp bánh, kẹo và 5 túi cafe màu tím. Bên trong các túi cafe là 26.860 viên nén màu hồng hình trái tim, nghi là ma túy tổng hợp có trọng lượng khoảng 9,35 kg. Số viên nén này đã được lấy mẫu để trưng cầu giám định.

Không chỉ dừng lại ở ma túy, các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, vận chuyển vũ khí...

Đối với các loại vũ khí, các đối tượng có thủ đoạn hoạt động rất tinh vi. Qua các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện đường dây mua bán súng tự chế trá hình bằng hình thức vận chuyển qua bưu điện, chuyển phát nhanh.

Trong vụ án này, nhóm đối tượng chia nhỏ từng bộ phận của súng, gửi thành nhiều lần để chuyển hàng cho người có nhu cầu một cách kín đáo. Các lại súng này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân...

Xuân Mai
.
.
.