Qua một số vụ cướp tiền tại ngân hàng - nhìn về góc độ an ninh

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:04
Trong Bộ luật Hình sự chỉ có điều khoản về tội “Cướp tài sản”, không có quy định cụ thể về tội “Cướp tài sản ngân hàng”. 

Song, nói đến hành vi cướp tài sản tại ngân hàng là nói đến sự manh động, liều lĩnh của đối tượng gây án; một vụ cướp xảy ra ở ngân hàng bao giờ cũng tạo ra sự lan tỏa thông tin xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, ngân hàng lại là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và nó luôn là mục tiêu nhìn ngó của bọn tội phạm hình sự. Vậy phải làm thế nào để tăng cường công tác an ninh ở  trụ sở làm việc của các ngân hàng?

Vụ cướp táo tợn xảy ra vào trưa 1-9 vừa qua, xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng HD Bank, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lại góp thêm một lời cảnh báo nữa đối với  công tác an ninh tại các ngân hàng. Có thể, đối tượng gây ra vụ cướp đã nắm bắt được quy luật, vào buổi trưa, chi nhánh ngân hàng này thường xuyên kiểm đếm tiền chuẩn bị nhập kho cho phiên giao dịch buổi chiều nên đã chọn đúng thời điểm các nhân viên kiểm đếm tiền để trên bàn mà để hành động. 

Hiện trường vụ cướp tại Ngân hàng HD Bank ở tỉnh Đồng Nai.

Với một thiết bị nổ giả trên tay, tên cướp đã đe dọa, buộc nhân viên ngân hàng phải đưa cho đối tượng 227 triệu đồng. Trên đường chuẩn bị tẩu thoát, đối tượng bị một người khách dũng cảm và bảo vệ ném ghế trúng chân nên đã rơi lại túi tiền đựng 90 triệu đồng. Gặp “vận đen”, tên cướp tiếp tục đụng xe với một nữ sinh trên đường tháo chạy khiến cọc tiền trong túi bị văng ra… 

Như vậy, số tiền đối tượng thực cướp được chỉ khoảng chừng 20 triệu đồng.

Cách đây ít tháng, một vụ cướp ngân hàng cũng gây xôn xao dư luận, nghi can là Lê Lâm Hưng, tạm trú tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, kỹ sư làm việc tại một Ban quản lý điện. Do cờ bạc, Hưng phải vay nợ nhiều người dẫn tới ý nghĩ cướp ngân hàng. 

Chiều 26-4, Hưng mang theo một khẩu súng giả, cầm hai túi xách đi vào ngân hàng, uy hiếp nhân viên bỏ tiền vào hai túi xách cho Hưng. Chỉ trong vòng 90 giây, Hưng đã nhanh chóng cướp đi 1,6 tỷ đồng và 35.900 USD mà không gặp trở ngại gì từ lực lượng bảo vệ ngân hàng. 

Sự dễ dàng đó khiến dư luận trên mạng xã hội bàn tán cho rằng, phải chăng Hưng có “hậu thuẫn” trong nội bộ? Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có Lê Lâm Hưng là nghi can chính trong vụ án.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Tâm 15 năm tù giam về tội “Cướp tài sản”. Tâm là thủ phạm gây ra vụ cướp tại Phòng giao dịch Thành Nội thuộc Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế, có trụ sở trên đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Thành, TP Huế. 

Cũng giống như các vụ cướp tại ngân hàng nêu trên, vào cuối giờ làm việc, khi quan sát thấy các nhân viên ngân hàng này đang đếm tiền bó lại thành từng cọc. Tâm lấy súng ga bắn bi mang theo vào phòng giao dịch ngân hàng bắn 4 phát uy hiếp, sau đó đe dọa nhân viên ngân hàng bỏ chạy rồi cướp số tiền hơn 725 triệu đồng để trên bàn giao dịch…

Xem xét các vụ cướp tiền tại ngân hàng, chúng tôi thấy, công tác bảo vệ, phòng ngừa thiếu chặt chẽ. Một số ngân hàng duy trì số tiền mặt giao dịch lớn tại các quầy giao dịch để thuận tiện cho khách đến gửi tiền, rút tiền. Cách làm này vô tình là miếng mồi ngon cho bọn tội phạm. 

Chúng tôi được biết, ở một số phòng giao dịch ngân hàng, khi khách đến nộp tiền hay rút tiền thì nhân viên ngân hàng chỉ giao dịch trên giấy tờ với khách. Còn khi nộp tiền hay rút tiền, nhân viên hướng dẫn khách ra một khu vực thu nộp tiền riêng. 

Tại khu vực này, lực lượng bảo vệ, các hệ thống giám sát an ninh được tăng cường và tập trung cao hơn, dẫn tới, bọn tội phạm nếu có ý định cướp cũng sẽ dè chừng hơn rất nhiều. Đây là cách làm hay, mặc dù có thể gây một chút bất tiện cho khách khi giao dịch, song vì an toàn chung, thiết nghĩ, khi khách được giải thích sẽ ủng hộ cách làm này của ngân hàng. 

Về lực lượng bảo vệ, các ngân hàng thường thuê một vài nhân viên bảo vệ tại các công ty bảo vệ. Song, thực tế, nhiều nhân viên bảo vệ không được đào tạo nghiệp vụ; không có bản lĩnh, hoặc phản ứng không kịp thời trước các tình huống bất ngờ xảy ra nên thường bị động hoặc bất lực trước kẻ cướp. 

Ở một số ngân hàng, có ký hợp đồng với lực lượng Cảnh sát; nhưng thường thì, lực lượng Cảnh sát chỉ tham gia khi áp tải xuất, nhập tiền trên đường, không thường xuyên túc trực tại các quầy giao dịch ngân hàng.

Hầu hết, các quầy giao dịch ngân hàng hiện nay đều lắp đặt hệ thống camera an ninh. Tuy nhiên, khi xảy ra cướp, hệ thống này chỉ có tác dụng trích xuất hình ảnh, truy tìm thủ phạm, cách làm này làm hạn chế hiệu quả của hệ thống camera an ninh. 

Thiết nghĩ, chỉ cần một người túc trực tại một khu vực riêng, chuyên giám sát các góc quay camera an ninh để phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn vào ngân hàng, khi xảy ra cướp thì kịp thời báo động từ xa cho lực lượng bảo vệ và lực lượng Công an sở tại để có phương án ngăn chặn, xử lý, truy bắt đối tượng ngay khi gây án thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. 

Đồng thời, Công an sở tại cũng cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ công tác bảo vệ an ninh tại các ngân hàng trên địa bàn quản lý.

Từ góc nhìn nêu trên, các ngân hàng nên xem xét để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm cướp ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng thời gian qua.

Đào Minh Khoa
.
.
.