Phòng ngừa tội phạm chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Thủ đô

Thứ Hai, 14/12/2020, 07:38
Công an TP Hà Nội cho biết, năm 2020, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, giảm hơn so với năm 2019. Trên địa bàn đã xảy ra trên 3.800 vụ (trong đó có 217 vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng), giảm 32 vụ so với năm 2019.


Sử dụng súng K59 cướp ngân hàng

Lực lượng Cảnh sát hình sự Hà Nội đã chủ động kiểm chế và kiểm soát tình hình địa bàn không để tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ điều tra, khám phá đạt cao trên 80%, các vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng khám phá đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 5 vụ giết người, 5 vụ giết cướp, bắt 8 đối tượng… Quá trình xác lập điều tra với trên 300 chuyên án, triệt phá 32 băng nhóm tội phạm có tổ chức, bắt 140 đối tượng.

Cũng theo Công an TP Hà Nội, tình hình các vụ chiếm đoạt tài sản  giảm hơn như: Cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật, trộm cắp. Tuy nhiên, xuất hiện trở lại một số vụ cướp, trộm trong các ngân hàng và tiệm vàng. Điển hình, vụ cướp ngân hàng xảy ra vào ngày 20/4, tại một Ngân hàng Chi nhánh Sóc Sơn (Hà Nội), Trần Hữu Trung đã sử dụng súng K59 để tấn công nhưng chưa cướp được gì.

Dưới sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị sau 5 ngày đã bắt giữ 3 đối tượng gây án. Đến nay, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Hữu Trung (SN 1991, ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí, Quảng Ninh) 18 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 5 năm tù về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. 

Tổng hợp với bản án 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích tại Quảng Ninh”, tên cướp nổ súng cướp ngân hàng ở Sóc Sơn phải chấp hành mức án chung là 30 năm tù. Các bị cáo liên quan, Giáp Ngọc Ninh (SN 1993, trú ở xã Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang) bị tuyên phạt 24 tháng tù và bị cáo Chu Đức Chính (SN 2003, ở xã Hoàng Thanh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng bị xử phạt 9 tháng tù cùng về tội “Che giấu tội phạm”.

Vụ thứ 2, xảy ra ngày 27/7, tại 27 Huỳnh Thúc Kháng, chi nhánh Ngân hàng BIDV, đối tượng dùng súng tự chế và cướp hơn 900 triệu đồng. Trong 2 ngày, Cục Cảnh sát hình sự cùng với Công an TP Hà Nội, Công an TP Hải Phòng, bắt giữ 2 đối tượng gây án là Hoàng Ngọc (SN 1978), ở phường Cửa Nam, quận Đống Đa và Phùng Hữu Mạnh (SN 1997), ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa), đồng thời thu giữ toàn bộ số tang vật. 

Ngoài ra, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một số vụ liên quan đến trộm cắp tài sản lớn như vụ trộm 200 cây vàng, tại tiệm vàng Tuấn Đạt, ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), bắt giữ đối tượng Nguyễn Tiến Hân (SN 1990), ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. 

Bên cạnh đó, bắt giữ nhóm 3 đối tượng trộm cổ vật gây ra trên 20 vụ trộm ở các đình, đền, chùa trong những tháng đầu năm 2020; nhóm đối tượng trộm phụ tùng ôtô bắt giữ 15 đối tượng (từ đối tượng trộm cắp đến tiêu thụ), thu hơn 1.000 gương ôtô ở khu vực chợ trời – đây là nhóm trộm gây bức xúc dư luận trong mấy năm vừa qua. 

Đáng chú ý, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội khám phá chuyên án, bắt 5 đối tượng liên quan đến lừa đảo qua điện thoại, hiện Phòng đang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (chủ trì) cùng Công an các địa phương, xin ý kiến lãnh đạo Bộ mở rộng chuyên án truy bắt nhóm đối tượng có liên quan.

Dán biển cảnh báo tại các ngân hàng

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm cướp, trộm, lừa đảo tại các ngân hàng, tiệm vàng, Cảnh sát hình sự đã chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội triển khai nghiêm túc các văn bản của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự về tội phạm có tổ chức, tội phạm có vũ khí, đặc biệt là tội phạm cướp tài sản. Riêng  Công an Hà Nội đã có kế hoạch 72 triển khai cướp, trộm tài sản trong các ngân hàng, kho bạc, cửa hàng vàng bạc…  

Tổ chức điều tra cơ bản, phối hợp với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, quỹ tiết kiệm, cửa hàng vàng bạc, đá quý để lắp đặt 100% camera giám sát và trên 60% các cơ sở đã lắp chuông báo động để phục vụ tốt cho công tác phòng ngừa và điều tra bắt giữ đối tượng tại các cơ sở; thường xuyên tuyên truyền các ngân hàng để chủ động phòng ngừa. Do đó, riêng vụ cướp Ngân hàng tại Chi nhánh Sóc Sơn khi đối tượng cướp dùng súng K59 vào bắn trấn áp, lúc này nhân viên ngân hàng đã kịp thời núp xuống để ấn chuông báo động. Khi đối tượng bỏ chạy ra ngoài, bảo vệ ngân hàng đã dũng cảm dùng dùi cui phang vào gáy đối tượng… 

Qua đó, thấy rằng công tác phòng ngừa đã được Công an TP Hà Nội triển khai ở tất cả các ngân hàng bước đầu có kết quả tích cực. Trước tình hình lừa đảo qua điện thoại, trong tháng 8, Phòng Cảnh sát hình sự đã tham mưu cho Ban giám đốc gửi công văn tới Giám đốc các ngân hàng trên địa bàn thành phố triển khai toàn bộ các văn bản, biển cảnh báo ở các ngân hàng về việc các bị hại rút tiền để chuyển. 

Khi nhân viên ngân hàng thấy bị hại  có biểu hiện hốt hoảng, lo lắng… lúc chuyển tiền mà không rõ mục đích sẽ kiểm tra nếu giống như biển cảnh báo sẽ ngừng chuyển. Chính vì thế, qua 3 tháng sơ kết, Công an TP Hà Nội đã ngăn chặn được 41 vụ, số tiền thiệt hại lên tới trên 17 tỷ đồng.

Để tiếp tục kiềm chế, kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội nhất là các đối tượng cướp ngân hàng, tiệm vàng trên thành phố trong thời gian tới, Công an TP Hà Nội tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên về công tác phòng, chống tội phạm; chủ động công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa tội phạm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự; thực hiện Kế hoạch 72 và công văn về phòng ngừa ở các ngân hàng chuyển tiền bất hợp pháp cho các đối tượng lừa đảo; lồng ghép thực hiện các kế hoạch chuyên đề, đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội… 

Nâng cao hơn nữa việc thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên điều tra, lập hồ sơ quản lý tất cả các ngân hàng, tiệm vàng, phấn đấu tuyên truyền, vận động 100% cơ sở có người bảo vệ chuyên nghiệp, lắp chuông báo động và các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả và định kỳ hàng năm tập huấn kỹ năng phòng ngừa, kiểm tra, nhắc nhở việc triển khai thực hiện của các cơ sở; phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân để lựa chọn những vụ án điển hình, xét xử công khai nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe.

Minh Hiền
.
.
.