Nữ nhân viên làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền "khủng"

Thứ Hai, 23/04/2018, 14:48
Lê Thị Hồng Lý (34 tuổi, trú tại phường Phú Xá, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) từng là nhân viên của Công ty cổ phần Đầu tư nhân lực thương mại xuất nhập khẩu VJK, trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (viết tắt là Công ty VJK). 


Trong thời gian làm việc ở công ty này, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lý tự đưa ra mức lương cao và thủ tục xuất ngoại nhanh chóng, thuận tiện cho những người có nhu cầu xuất ngoại để chiếm đạt số tiền hơn 460 triệu đồng và 38.500 USD. Ngày 23-4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử vụ án này.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, dù không được Công ty VJK ủy quyền nhưng Lý vẫn đứng ra thu tiền, nhận hồ sơ của những người có nhu cầu sang Nhật Bản lao động. Lý nói dối với những người có nhu cầu xuất ngoại kiếm tiền là Công ty VJK và chị ta có khả năng đưa người lao động sang Nhật Bản lao động với chi phí 200 triệu đồng một người. 
Bị cáo Lý tại phiên xử.

Ngoài ra, Lý còn hứa hẹn với những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động rằng, khi sang bên đó sẽ được bố trí việc làm ngay và có thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng một tháng. Sau khi thu tiền của những những người lao động, Lý còn dùng con dấu của Công ty VJK đóng lên các phiếu thu và làm giả hợp đồng, biên bản thỏa thuận việc xuất khẩu lao động giữa Công ty VJK với một doanh nghiệp khác tại tỉnh Bắc Ninh. 

Bằng thủ đoạn trên, từ cuối năm 2014 đến tháng 7-2015, Lý đã nhận hồ sơ xin đi lao động xuất khẩu và tiền của hơn 10 người ở nhiều địa chỉ khác nhau để chiếm đoạt hơn 460 triệu đồng và 38.500 USD. Trước khi phiên toà diễn ra, Lý mới khắc phục được cho các bị hại một phần nhỏ số tiền đã chiếm đoạt.

Tại phiên xử, bị cáo Lý thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Về việc dùng con dấu của Công ty VJK để đóng vào hoá đơn thu tiền và các giấy tờ liên quan đến công ty này, Lý khai đã thuê người làm giả con dấu giống như dấu của công ty để dễ dàng lừa những người có nhu cầu xuất khẩu lao động. 

Về các hợp đồng của Công ty VJK ký với người lao động cũng là do Lý tự lấy mẫu sau đó điền các thông số cho phù hợp để lừa người lao động. Hội đồng xét xử xác định, hành vi của Lý là rất nguy hiểm đối với xã hội vì bị cáo đã cố tình dùng các thủ đoạn gian dối để lừa đảo nhiều người lao nhằm chiếm đoạt số tiền rất lớn của các bị hại.

Vì thế cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Với phán quyết trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lý 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt, Hội đồng xét xử buộc Lý phải thi hàn 12 năm tù về hai tội danh trên. Ngoài hình phạt tù, bị cáo còn bị buộc phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại theo luật định.

Nguyễn Hưng
.
.
.