Nỗi ân hận của giám đốc công ty gây rối trạm BOT

Thứ Bảy, 03/08/2019, 10:24
Nếu chỉ dừng lại ở việc đấu tranh, xoá bỏ trạm BOT Tân Đệ thì chắc chắn cuộc đời Hà Văn Nam sẽ vẫn là con đường công danh rộng mở, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc chứ không vướng vòng lao lý.

Vừa qua, TAND huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã mở phiên tòa xét xử tuyên phạt đối với các bị cáo gồm: Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986, trú tại Chí Linh, Hải Dương) 36 tháng tù; Hà Văn Nam (SN 1981, ở Hà Nội) và Lê Văn Khiển (SN 1990, ở Chí Linh) đều nhận mức án 30 tháng tù; 4 bị cáo còn lại là Vũ Văn Hà (SN 1990), trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984); Vũ Văn Hà (SN 1990), cùng trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Trần Quang Hải (SN 1991) trú tại huyện Quế Võ lĩnh từ 18 tháng đến 24 tháng tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường hơn 23 triệu đồng.

Việc phạm tội của Hà Văn Nam  và đồng phạm xảy ra ngày 31-12-2018, Nam cùng đồng bọn đã kích động người dân dừng đỗ phương tiện tại trạm thu phí, không chịu mua vé, gây rối, cản trở các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua trạm. 

Trước tình hình phức tạp, đơn vị khai thác buộc phải xả trạm để tránh ùn tắc giao thông kéo dài, nhưng một số người vẫn không đưa xe qua trạm. Đến chiều tối cùng ngày, khi xe cứu hộ của CSGT đến thì những người này mới đánh xe đi. Qua công tác điều tra, cơ quan Công an xác định được nhóm người quá khích và các phương tiện sử dụng vào việc gây rối trật tự công cộng tại Trạm BOT Phả Lại. 

CQĐT Công an huyện Quế Võ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 6 đối tượng gồm về hành vi gây rối trật tự công cộng tại trạm BOT Phả Lại. 

Được biết, Hà Văn Nam quê ở xã Đông Hoà, thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình). Vốn từ học sinh trung bình, thi trượt vào PTTH, sau đợt thi lần 2, Nam mới đỗ vào trường dân lập. 

Nhưng với quyết tâm vươn lên, năm học lớp 11, Nam đạt giải Ba học sinh giỏi Toán tỉnh Thái Bình; năm học lớp 12 Nam đạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi Toán tỉnh Thái Bình, thủ khoa đại học với số điểm tuyệt đối 30/30. 

Ra trường, Nam đã tự nghiên cứu, đầu tư sản xuất các sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ được dư luận đánh giá cao. Ngoài ra, Nam còn là Giám đốc Công ty cổ phần phát triển giáo dục Global Edu Việt Nam làm ăn có hiệu quả. 

Sự nghiệp đang ổn định là thế, nhưng chính Nam lại không biết nắm giữ cơ hội của mình, dần tuột dốc, sa đà vào việc gây rối ở các trạm BOT, nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều “chiêu đấu tranh” với các trạm BOT. Dần dà, Hà Văn Nam và Trần Đình Sang trở thành những cái tên “đình đám” trên mạng với nhiều chiêu gây rối khác nhau khiến nhiều lần các trạm BOT phải xả trạm. 

Càng nổi trên mạng, Nam càng lún sâu vào hành vi vi phạm pháp luật. Cho đến lúc bị bắt, Nam mới giật mình tỉnh ngộ, nhận thức rõ hành vi của mình, khẳng định sự việc gây rối ở BOT Phả Lại là sai trái và bản thân không ủng hộ việc tài xế đóng làn, dùng tiền lẻ làm ùn tắc trạm thu phí BOT.

Bị bắt, bị tạm giam, việc kinh doanh của Hà Văn Nam đình trệ, bố mẹ, vợ con hoang mang, lo lắng. Vì thế, Nam cũng suy nghĩ nhiều đêm không ngủ được... 

Giải thích về con đường phạm tội của mình, Nam cho biết, trong quá trình đi lại trên đường, phát hiện ra vi phạm trong việc thu phí tại các trạm BOT như đặt trạm không đúng vị trí; tại nhiều vị trí đặt trạm, người dân sinh sống quanh khu vực đặt trạm phải trả phí cho việc đi lại hàng ngày của mình mà không hề đi vào đường có đầu tư BOT…

Nam đã tham gia phản đối trạm BOT Tân Đệ đặt sai vị trí. Sau đó Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng đã thừa nhận việc đặt sai trạm thu phí và xoá bỏ trạm BOT Tân Đệ. 

Sau “chiến thắng” ở BOT Tân Đệ, Nam được nhiều “anh em xã hội” nhờ đến để phản đối tại các trạm BOT khác. Nam tiếc rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc đấu tranh, xoá bỏ trạm BOT Tân Đệ thì chắc chắn cuộc đời anh ta sẽ vẫn tiếp diễn theo con đường thuận lợi, kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc. 

Nhưng, có lẽ vì sự nổi tiếng  bất ngờ, vì say sưa trong chiến thắng khiến Hà Văn Nam không biết được điểm dừng và vượt qua lằn ranh giới giữa đấu tranh với cái sai, cái vi phạm thành vi phạm pháp luật và rơi vào vòng lao lý.

Thu Thuỷ
.
.
.