Những tình tiết bất ngờ trong vụ hoãn giao 5 triệu yên Nhật cho người mua ve chai

Thứ Tư, 29/04/2015, 09:55
Số phận của 5 triệu yên Nhật mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, người thu mua ve chai tìm được vẫn chưa được định đoạt khi người nhận là chủ nhân của số tiền trên lên tiếng vào những phút cuối cùng trong ngày giao tiền...
>> Hoãn trao 5 triệu yên cho người mua ve chai vì xuất hiện “chủ nhân”?

Vì đây không phải là án hình sự nên Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh phải dừng ngày giao tiền cho vợ chồng chị Hồng và tiếp tục niêm phong số tiền trên để củng cố hồ sơ để làm rõ. Điểm mấu chốt để chứng minh số tiền trên chính là người chồng của người đâm đơn kiện, tuy nhiên người đàn ông này về nước vẫn chưa trở lại Việt Nam… Số phận của số tiền 5 triệu yên Nhật vẫn còn phải niêm phong trong một thời gian nữa trước khi biết chủ nhân thật của nó là ai…

Bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, quê quán Quảng Nam, tạm trú Hóc Môn), người đâm đơn cho rằng mình là chủ nhân của số tiền 5 triệu yên Nhật, hiện sinh sống bằng nghề thiết kế mẫu quần áo và mua bán quần áo trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Bà Ngọt kể, năm 2009, bà quen và về ở với ông Efolayan Caleb (58 tuổi, quốc tịch Nigeria, giảng viên dạy tiếng Anh). Trước khi quen nhau, ông Efolayan Caleb từng dạy tiếng Anh và phụ bán phụ tùng xe ôtô tại Nhật Bản và tích lũy được số tiền khoảng 100 triệu yên Nhật.

Sau đó ông Efolayan Caleb nghỉ dạy ở Nhật và đi du lịch qua các nước châu Á, đến năm 2009 thì đến Việt Nam. Trong thời gian sống ở đây, ông Efolayan Caleb đi dạy tiếng Anh tại các trường cấp 2. Kết hôn xong, hai người từng chuyển nhiều phòng trọ và cuối cùng về Hóc Môn tạm trú. Trong thời gian này, một số lần ông Efolayan Caleb nói với bà Ngọt có để dành một số tiền, khoảng 6 triệu yên bỏ trong một chiếc hộp nhưng cất ở đâu không nhớ. Bà Ngọt nghĩ chồng nói đùa nên không lưu tâm đến chuyện này.

Bà Ngọt đang làm các thủ tục cần thiết để chứng minh số tiền người ve chai phát hiện trong thùng loa cũ là của chồng mình.

Năm 2012, ông Efolayan Caleb bị bệnh phải nhập viện Chợ Rẫy, có nhắc lại số tiền trên và kêu bà Ngọt tìm để lấy tiền chữa bệnh. Bà Ngọt nhiều lần tìm kiếm nhưng không phát hiện ra. Đến tháng 6/2013, ông Efolayan Caleb về nước lo chữa bệnh cho mẹ, đến nay vẫn chưa trở lại nhưng hai người vẫn trao đổi qua mạng internet. 

Khoảng tháng 9/2013, khi dọn dẹp nhà, bà Ngọt phát hiện ba chiếc loa (hai chiếc nhỏ và 1 chiếc lớn) của chồng nên lấy ra gắn vào máy tính nghe nhạc. Tháng 11/2013, ông Hòa (anh họ bà Ngọt) qua chơi và xin lại bộ loa cũ trên đem về nhà, khi mang về nhưng không sử dụng được nên ông Hòa để qua một bên. Giữa tháng 11/2013, một người phụ nữ đeo khẩu trang vào nhà ông Hòa mua ve chai, ông Hòa đã cho người phụ nữ bộ loa này.

Tháng 3/2014, đọc thông tin trên báo mạng thấy một người phụ nữ phát hiện hơn 5 triệu Yên trong thùng loa cũ, bà Ngọt ngờ ngợ và gọi điện cho ông Hòa thì ông Hòa cho biết đã cho bà ve chai những thùng loa cũ kia đi rồi. Nghi ngờ số tiền trên là của chồng mình cất nên bà Ngọt đã đi tìm hiểu.

“Tôi chỉ muốn xác minh số tiền này có phải là của chồng tôi hay không nên liên hệ với chị Hồng và xin chị cho đối chứng với người bán những chiếc thùng loa cũ cho chị. Nếu may mắn đó là tiền của chồng tôi thì cần phải trả lại cho người sở hữu”, bà Ngọt cho biết.

Khi chúng tôi hỏi đến chuyện vì sao đợi đến thời hạn cuối bà Ngọt mới đưa đơn lên Công an quận Tân Bình, bà Ngọt cho hay, việc kinh doanh buôn bán khiến gia đình cứ xoay vần mãi nên chúng tôi quên dần chuyện chiếc thùng loa cũ. Chỉ đến khi báo đài đăng tin sắp đến thời hạn giao tiền cho chị Hồng, tôi mới nhớ ra và ngày 3/4, bà Ngọt đã gửi đơn lên Công an quận Tân Bình. Bà Ngọt cũng đã liên lạc với chồng qua mạng và nói những việc liên quan đến số tiền trên.

Chồng bà Ngọt nói có bằng chứng chứng minh về số tiền trên nhưng do bận công việc chưa về được. Nếu về không kịp, chồng bà Ngọt sẽ làm giấy ủy quyền cho bà Ngọt làm việc với các cơ quan chức năng.

Do ông Efolayan Caleb vẫn ở nước ngoài nên Công an quận Tân Bình đã yêu cầu bà Ngọt liên hệ với chồng làm đơn và thu thập những chứng cứ liên quan như nguồn gốc của số tiền và về Việt Nam giải quyết. Như vậy, số phận của 5 triệu yên Nhật mà người thu mua ve chai tìm thấy vẫn chưa được định đoạt.

Nghinh Phong
.
.
.