Mượn tài khoản thẻ tín dụng để lừa đảo: Mánh cũ, nạn nhân mới

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:52
Bằng rất nhiều chiêu độc, các đối tượng đã nhờ, thuê, hoặc mua tài khoản do người khác đứng tên, sau đó sử dụng vào hành vi lừa đảo. Đã có không ít trường hợp người đứng tên mở tài khoản ngân hàng (nhưng người khác sử dụng) đã bị xử lý hình sự. Vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác...
>> Đường dây lừa đảo chuyển tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam

Chiều 23/5, tại một khách sạn trên đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp Eluma Francis Chuk Wubueze (37 tuổi, quốc tịch Nigeria) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngày 20/5, qua mạng xã hội facebook, bà N.T.X.M. (48 tuổi, tạm trú quận Bình Thạnh) quen một người nước ngoài tên Terry Hammed Williams. Ông Terry nói sẽ tặng bà M. một món quà gồm: một điện thoại iPhone 5S, một máy ảnh Canon và một máy tính xách tay. Bà M. đóng phí 250 USD  để nhận món quà trên.

Chiều cùng ngày, theo hướng dẫn của Terry, bà M. chuyển 250 USD vào tài khoản số 060099424209 mang tên Lê Thị Trúc Linh mở tại Ngân hàng Sacombank. Ngay sau đó, số tiền này bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, đối tượng tiếp tục yêu cầu bà M. gửi tiếp 2.500 USD vì gói quà đang bị giữ tại Malaysia do thiếu tiền cước phí. Nghi ngờ mình bị lừa nên bà M. đã trình báo cơ quan Công an.

Trong khi đó, Lê Thị Trúc Linh hoàn toàn không hay biết gì tài khoản do mình đứng tên đã bị sử dụng vào việc lừa đảo. Tại cơ quan điều tra, Linh khai nhận: Ngày 20/3, khi đang làm việc tại một nhà hàng ở đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 thì có khách quen là ông Eluma Francis Chuk Wubueze nhờ Linh đứng tên đăng ký mở tài khoản giùm để gia đình ông Eluma chuyển tiền vào.

Eluma và Nicholason dụ bị hại, là những người nhẹ dạ chuyển tiền vào tài khoản do người khác đứng tên để chiếm đoạt.

Không nghi ngờ gì, Linh đồng ý và đến Ngân hàng Sacombank mở tài khoản, sau đó giao thẻ và mã số pin cho Eluma. Đến 19h ngày 21/5, Eluma tiếp tục đến gặp Linh và nhờ Linh đến ngân hàng Sacombank kiểm tra lại thẻ và rút tiền giùm vì tên Eluma không rút được tiền trong tài khoản do Linh đứng tên. Khoảng 10 giờ ngày 22/5, khi Linh đến Ngân hàng để kiểm tra lại thẻ và rút tiền thì bị nhân viên ngân hàng giữ lại giao cho Công an.

Qua điều tra ban đầu, đối tượng Eluma Francis Chuk Wubueze khai nhận, Eluma làm việc này dưới sự chỉ đạo của đối tượng tên Necolas (cũng là người Nigeria) để được hưởng 20% tổng số tiền rút được.

Cũng kết bạn với một người nước ngoài tự giới thiệu tên là Nicholason Marcelon Smith, quốc tịch Australia qua mạng xã hội, ngày 2/12/2014, Nicholason nói gửi tặng bà N.T.H.H. (40 tuổi, ngụ Hà Nội) một gói quà gồm một ĐTDĐ, một túi xách tay và 200.000USD. Để nhận được quà, bà H. phải nộp phí vận chuyển 1.550USD.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Nicholason, bà H. đã 5 lần gửi tiền vào tài khoản mang tên Dy Chenda và tài khoản mang tên Võ Thị Kim Thoa mở tại Ngân hàng Vietinbank tổng cộng hơn 177 triệu đồng, nhưng vẫn không nhận được quà từ nước ngoài gửi về. Nghi ngờ mình đã bị lừa nên ngày 17/12/2014, bà H. trình báo đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.

Theo trình bày của Võ Thị Kim Thoa:  Năm 2011, Thoa đi ăn uống tại đường Bùi Viện, quận 1 thì được một người đàn ông ngoại quốc, quốc tịch Nigeria, ngồi bàn bên cạnh bắt chuyện làm quen. Người này tự giới thiệu tên là Simon. Do đang đi học và cần trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh nên Thoa đồng ý kết bạn với Simon và thường xuyên gặp gỡ đi ăn uống, mua sắm…

Sau khi thân quen, Simon nhờ Thoa đứng tên đăng ký mở một tài khoản thẻ ATM cho Simon với lý do Simon không phải là người Việt Nam nên không mở được tài khoản tại Việt Nam trong khi Simon đang kinh doanh tại Việt Nam cần có tài khoản để giao dịch. Thấy hợp lý, Thoa nhận lời. Sau khi mở tài khoản, Thoa nhận thẻ ATM rồi giao cho Simon sử dụng và không biết gì về các giao dịch trong tài khoản này.

Theo cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, cơ quan điều tra liên tục khám phá nhiều vụ án liên quan đến việc các đối tượng phạm tội sử dụng tài khoản do người khác đứng tên để lừa đảo. Nổi lên nhiều nhất là các đối tượng người nước ngoài thuê, nhờ, hoặc mua lại tài khoản do người Việt Nam đứng tên tại ngân hàng.

Cơ quan điều tra đã kết luận nhiều vụ, đề nghị truy tố nhiều bị can là người trực tiếp đứng tên mở tài khoản ngân hàng, sau đó các đối tượng lừa đảo lợi dụng làm phương tiện để các bị hại chuyển tiền vào, sau đó rút ra chiếm đoạt. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, đừng vì thiếu hiểu biết mà tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.

Thúy Hà
.
.
.