Mánh lới tinh vi của đối tượng cho vay nặng lãi “siết cổ” con nợ

Thứ Sáu, 05/10/2018, 06:35
Rất nhiều nạn nhân đã  rơi vào “cái bẫy” của các đối tượng trong ổ nhóm. Từ việc vay nặng lãi là nguyên nhân phát sinh của các vụ án hình sự nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự... 


Thời gian qua, tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Với thủ tục nhanh, gọn, người có nhu cầu vay vốn chỉ cần đưa bản phôtô chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy phép lái xe, không cần phải có tài sản thế chấp mà vẫn có thể vay được tiền... Rất nhiều nạn nhân đã  rơi vào “cái bẫy” của các đối tượng trong ổ nhóm. Từ việc vay nặng lãi là nguyên nhân phát sinh của các vụ án hình sự nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. 

Bài 1: Rơi vào đường cùng vì vay nặng lãi

Liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng Công an cả nước đã triệt phá hàng loạt băng nhóm cho vay nặng lãi. Qua các vụ án được phát hiện, điều tra, khám phá thành công cho thấy thủ đoạn tinh vi của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Song ở một góc độ nào đó, cũng cho thấy một phần lỗi của người bị hại.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Qua các vụ án xảy ra cho thấy có gần 90% các vụ án liên quan đến tín dụng đen, nạn nhân là các đối tượng ngoài xã hội, số người vay tiền để làm ăn chân chính không nhiều. Khi ký hợp đồng vay tiền, các nạn nhân đều biết mức lãi suất nhưng vì cần tiền để đáp ứng nhu cầu cá nhân, họ vẫn nhắm mắt đưa chân.

Cơ quan Công an làm việc với chủ cơ sở cầm đồ, cho vay Hoàng Công Minh (áo thun, bên trái).

Với dân chơi ngoài xã hội, tiền chỉ dùng với mục đích để ăn chơi, sử dụng ma túy..., nên khả năng hoàn trả là hầu như không có. Còn với các trường hợp là người lao động chân chính thì với lãi suất cắt cổ, khả năng trả nợ cũng rất khó khăn do “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Các đối tượng cho vay nặng lãi thì lợi dụng tâm lý cần tiền của nạn nhân, chúng dễ dàng đưa họ vào cái thòng lọng mà càng vùng vẫy thì họ lại càng bị siết chặt.

Hoạt động của băng nhóm do Nguyễn Chí Trung (36 tuổi, trú tại quận Ninh Kiều) và Ngô Doãn Thuần (25 tuổi, ở tỉnh Nam Định) điều hành là một điển hình. Quá trình điều tra, Công an TP Cần Thơ xác định Trung đã cho 43 trường hợp vay tiền, trong số đó có những người Trung cho vay với lãi suất 30% và 60%/tháng.

Để thiết lập đường dây, Trung thuê Thuần với mức lương 4 triệu đồng/tháng, giao nhiệm vụ cho đối tượng này đi thu nợ. Quá trình điều tra cũng làm rõ, Trung là người tự ấn định lãi suất cho vay và trực tiếp thỏa thuận với các con nợ. Khi các con nợ vay tiền, Trung buộc họ phải viết giấy biên nhận nợ nhưng không ghi mức lãi suất cụ thể.

Với chiêu thức này, những con nợ của anh ta rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Liên quan đến vụ án trên, tháng 8-2018, cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố các đối tượng về hành vi “Cho vay nặng lãi”. Theo tài liệu thì Nguyễn Chí Trung bắt đầu hình thành tổ chức cho vay nặng lãi từ 3 năm trở lại đây.

Cũng theo cán bộ Công an quận Hoàng Mai thì một trong những mánh lới tinh vi của các đối tượng cho vay nặng lãi, khiến các con nợ dễ dàng sa bẫy chính là thủ tục đơn giản. Ngoài việc quảng cáo công khai trên các tờ rơi, tại các khu vực đông người, khu vực công cộng, các đối tượng còn đăng công khai trên các trang mạng điện tử...

Theo quảng cáo của bọn chúng thì người vay không cần phải có tài sản thế chấp. Nhưng các con nợ không hề biết rằng, chủ nợ chẳng bao giờ chịu “nắm dao đằng chuôi”. Trước khi đồng ý cho họ vay tiền, các đối tượng cho vay nặng lãi thường cho đội ngũ chân rết  nắm bắt thông tin về các con nợ. Bọn chúng thường nhằm vào những gia đình khá giả, bố mẹ là người có trách nhiệm với con cái. Khi các đối tượng này không có khả năng trả nợ thì chúng gây sức ép, yêu cầu bố, mẹ phải trả tiền.

Trường hợp khác, các đối tượng biến tướng hình thức cho vay nặng lãi bằng việc yêu cầu người vay tiền viết giấy bán tài sản. Sau đó, ép họ ký hợp đồng mua hoặc thuê lại tài sản đã ký giấy bán tài sản. Vì đang cần tiền, nhiều con nợ đã nhắm mắt đưa chân, ký vào các bản giao kèo trên...

Đối tượng cầm đầu ổ nhóm vay tín dụng đen đều là những kẻ có tiền án, tiền sự. Mới đây vào ngày 30-9, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng bắt giữ một đối tượng trốn lệnh truy nã, có vũ khí để cho vay nặng lãi là Trần Văn Tuấn (25 tuổi, quê huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).

Tuấn là tội phạm bị cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định truy nã vào ngày 18-9 về hành vi cố ý gây thương tích. Liên quan đến vụ việc trên, Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đang điều tra làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi. Vào thời điểm bắt giữ, Công an TP Đà Lạt  (Lâm Đồng) đã thu giữ tại cơ sở dịch vụ cầm đồ và cho vay 68 ở TP Đà Lạt 1 khẩu súng ngắn hiệu tactical (loại bắn bi sắt, không có đạn), 1 con dao tự chế dài 35cm, 1 gói nilon chứa tinh thể màu trắng, 1 gói ketamine và 109 viên nén màu hồng (nghi ma túy).

Để quản lý hoạt động cho vay, đối tượng sử dụng máy tính. Bước đầu xác minh, đã có từ 50 – 60 lượt khách hàng đã và đang vay tại chỗ của Minh, với mức vay từ 3 – 10 triệu đồng/khách. Với hình thức này, lãi suất mà Minh áp dụng từ 60 – 240%/năm.

Các con nợ cũng là những kẻ từng có tiền án, tiền sự. Vì thế, khi bị đòi tiền, các đối tượng cũng dàn cảnh đánh lại con nợ, gây ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Vụ việc xảy ra tại Công an quận Hoàng Mai vào những ngày giữa tháng 9-2018 là một ví dụ.

Trước đó, Đỗ Thị Bảo Ngọc (37 tuổi, trú tại 412C10 Tân Mai) có đọc tờ rơi cho vay tiền có số điện thoại của một đối tượng tên Ly. Vì cần tiền, ngày 19-8, Ngọc đã liên hệ vay của Ly 10 triệu đồng. Ly thỏa thuận vay 10 triệu đồng chỉ nhận về 7,2 triệu đồng. Sau đó, mỗi ngày phải đóng cả tiền lãi và gốc là 200 nghìn đồng, trong vòng 50 ngày. Sau khi Ngọc đồng ý, Ly đã cho Bùi Xuân Lai đến đưa tiền cho Ngọc và hàng ngày đối tượng này đến gặp Ngọc để lấy tiền.

Một thời gian sau, Ngọc tìm cách tránh né khoản nợ. Khi biết sự việc này, Lai đã trao đổi với Nguyễn Đức Anh (tức Béo, 25 tuổi, trú tại ngõ 622 Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội, hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú) về việc không liên lạc được với Ngọc để lấy tiền của  ngày 5 và 6-9. Sau đó, Đức Anh và Lai đến nhà Ngọc để đòi tiền nhưng không gặp được Ngọc.

Sau đó, đã xảy ra mâu thuẫn cãi chửi nhau giữa Lai, Đức Anh với mẹ Ngọc là chị Nguyễn Thị Nga và em trai Ngọc là Đỗ Quốc Tuấn.

Theo lời khai của Lai, sau đó Đức Anh đã liên lạc với một đối tượng tên là Tèo để giải quyết vụ việc. Khi đi, Đức Anh và Lai không cầm theo hung khí còn Tèo đi cùng 1 nam thanh niên khác không rõ có cầm hung khí hay không đến nhà Ngọc. Khi nhóm của Lai đang đứng chửi bới chị Nga thì cháu của chị Nga là Nguyễn Như Hải đang ngồi ở quán bia gần đó 1 tay cầm đao, 1 tay cầm 1 con dao chạy lại chỗ chị Nga...

Từ thông tin trên, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàng Mai đã triệu tập Hải đến trụ sở làm việc. Tại cơ quan Công an, Hải khai nhận: Khi Hải chạy đến cách nhóm của Lai khoảng 6m thì có 1 nam thanh niên giơ súng bắn Hải nhưng súng không nổ. Lúc này, hàng xóm của Hải là Thành cầm 1 con đao giống của Hải cùng lao vào nhóm của Lai.

Nhóm của Lai cầm tuýp sắt, dao, súng nhưng không rõ Lai có cầm hung khí gì không lao vào đánh nhau. Hải dùng dao chém 1 phát vào mạn sườn bên phải của Lai. Sau đó, Hải và Thành dồn đuổi nhóm của Lai đến đầu ngõ 218 Tân Mai thì có một đối tượng dùng súng bắn về phía Thành và Hải nhưng không trúng. Sau đó, Thành và Hải bỏ chạy thì gặp Tuấn đi xe máy chở Thành, Hải về bãi xe. 2 con đao cùng 1 chiếc dao là phương tiện gây án, Thành đã mang nộp cơ quan Công an.

 Trong các vụ vay nợ không trả được thì các đối tượng cho vay nặng lãi đòi nợ một cách bài bản, từ cấp độ nhẹ đến nặng, khiến các con nợ rơi vào đường cùng.

Xuân Mai
.
.
.