Luật sư của Phạm Công Danh đề nghị điều tra bổ sung

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:39
Ngày 17-8, phiên tòa xét xử “đại án” gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng tiếp tục diễn ra với phần tham gia bào chữa của các luật sư (LS). Đại diện cho nhóm 4 LS bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, LS Phan Trung Hoài đã phát biểu đầu tiên.

Trong bài bào chữa dài đến 42 trang, LS Hoài đề nghị HĐXX đánh giá, xem xét trước khi nhận chuyển nhượng cổ phần của nhóm Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank), tập đoàn Thiên Thanh của bị cáo Danh đã tạo lập được rất nhiều tài sản, đặc biệt là bất động sản có giá trị rất lớn ở khắp các địa phương trong cả nước.

Doanh thu năm 2011 của Tập đoàn này đạt 2.025 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng, tổng tài sản 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.218 tỷ đồng, vì vậy, nếu không tham gia vào quá trình tái cơ cấu Trus Bank thì chắc chắn không có nguy cơ xảy ra vụ án hình sự được coi là đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay. 

Vào thời điểm nói trên, vì muốn có một ngân hàng riêng cho ngành xây dựng nên ông Danh đã đồng ý chuyển nhượng lại một ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu lại.

Kết luận điều tra và cáo trạng của VKS đã nêu rõ, thời điểm này, hoạt động của Trust Bank đã rơi vào tình trạng nguy kịch, tỷ lệ nợ xấu cao, các chi phí tài chính quá cao trong khi nguồn thu từ hoạt động tín dụng và các nguồn thu khác không đáng kể. 

Cụ thể, vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên đến 95%, trong đó tập trung vào hai nhóm chính là nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa.

Tại phiên toà, đại diện Ngân hàng Xây dựng đã khẳng định trong tổng số 18.000 tỷ đồng của VNCB trước thời điểm khởi tố vụ án thì có tới 9.700 tỷ nợ gốc là nợ xấu của nhóm Phương Trang.

"Một câu hỏi lớn nảy sinh từ vụ án là vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, ông Phạm Công Danh bị quy buộc đã có các hành vi bị coi là vi phạm pháp luật, để lại hệ quả VNCB âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 18.000 tỷ đồng?", LS Hoài đặt câu hỏi.

Theo LS, kết quả thẩm tra công khai tại phiên toà cho thấy, thực tế khoản âm vốn này không hoàn toàn do hành vi vi phạm pháp luật của ông Danh, mà có nguyên nhân từ việc trích lập dự phòng các khoản dư nợ xấu nêu trên.

Liên quan đến hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” của Phạm Công Danh trong việc nâng cấp hệ thống Corebanking rút ra trên 63 tỷ đồng, LS cho rằng xuất phát từ phương án tái cơ cấu Trust Bank trước khi chuyển tên thành VNCB đã được phê duyệt.

Mặt khác, do thực tế nhu cầu cần sử dụng nguồn tiền để chi chăm sóc khách hàng nên ông Danh đã trình bày rõ là đã sử dụng một phần để tạm ứng  phục vụ nhu cầu chi nói trên, sau này sẽ thanh toán trở lại cho Ngân hàng.

Về việc sử dụng nguồn tiền trên, 10% đã được chuyển cho Công ty An Phát; 47,5 tỷ đồng dùng để trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích; 13 tỷ đồng dùng chi chăm sóc khách hàng; chỉ có 112 triệu đồng không xác định được việc sử dụng cụ thể.

Tương tự, số tiền liên quan việc thuê mặt bằng tại 268 Tô Hiến Thành rút ra 201,6 tỷ đồng từ khoản tiền tạm ứng của Công ty quản lý nợ và quản lý khai thác tài sản của Trust Bank cũng hoà vào dòng tiền chung để chi chăm sóc khách hàng. Riêng số tiền 903 tỷ đồng được rút ra từ Quỹ Lộc Việt thì 900 tỷ chuyển về tài khoản của ông Danh để trả nợ cho nhóm Phú Mỹ 851 tỷ đồng.

"Như vậy, xét về mặt khách quan, hậu quả của hành vi "cố ý làm trái..." thực chất đa phần là các khoản tiền được Danh và các cộng sự tạm sử dụng vào mục đích phục vụ cho phương án tái cơ cấu ngân hàng. Không có căn cứ cho rằng ông Phạm Công Danh sử dụng toàn bộ các khoản tiền này vào việc cá nhân hoặc thanh toán công nợ của Tập đoàn Thiên Thanh", LS đúc kết.

Đối với hành vi "cố ý làm trái..." mà Phạm Công Danh và các đồng phạm bị quy kết liên quan đến việc rút 5.190 tỷ đồng nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB 5.490 tỷ đồng, các LS đề nghị HĐXX xem xét lại bản chất quan hệ giao dịch vay nợ hưởng lãi suất vượt trần giữa ông Danh và nhóm Tân Hiệp Phát (ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích), đề nghị tách ra khỏi vụ án để các bên giải quyết với nhau về mặt dân sự.

Theo các LS, tại tòa, bà Bích quả quyết chỉ có quan hệ vay mượn với bà Phạm Thị Trang (tức Trang phố núi), không có quan hệ gì với ông Danh là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong giai đoạn điều tra.

Quá trình điều tra và tại tòa, mối quan hệ giữa ông Danh và nhóm Tân Hiệp Phát đã được các nhân viên của VNCB và chính ông Phạm Công Danh khai rõ. Ông Danh đã khai nhất quán từ giai đoạn điều tra và tại tòa về mối quan hệ với ông Trần Quý Thanh, bà Bích và khẳng định chỉ có một quan hệ duy nhất là quan hệ vay mượn với nhóm bà Bích.

Còn mặc dù bà Bích khai chỉ cho Phạm Thị Trang vay nhưng không có bất cứ chứng từ, tài liệu nào chứng minh, ngoài hợp đồng vay ngày 11-10-2013 thế chấp bằng tài sản của ông Danh tại Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Xét về bản chất, theo các LS, đây là vụ việc cho vay mượn giữa nhóm bà Trần Ngọc Bích và ông Phạm Công Danh, dùng VNCB như là công cụ để bảo lãnh khoản cho vay cá nhân sai quy định về quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp lý có liên quan khác.

Lợi ích từ việc cho vay của các cá nhân do các bên thụ hưởng, nhưng khi có rủi ro hay tranh chấp xảy ra thì VNCB sẽ phải gánh chịu, các thiệt hại vật chất sẽ gây tổn thất cho ngân hàng và ngân sách nhà nước. Ở các lần giao dịch đầu, quan hệ vay trả diễn ra sòng phẳng, các bên đã hợp thức hóa đầy đủ các chứng từ bị treo lại theo thỏa thuận và gửi đầy đủ chứng từ cho VNCB lưu.

Đến thời điểm ông Danh không thể trả được nợ cho nhóm bà Trần Ngọc Bích nữa với số tiền phát sinh cuối cùng ở hai đợt chuyển tiền vào ngày 21 và 26-8-2013 là 5.190 tỷ đồng. Các chứng từ của việc chuyển tiền vẫn đang bị treo lại và chưa được hợp thức hóa từ nhóm bà Trần Ngọc Bích cho phía ông Danh và VNCB.

Xét về ý chí và hành vi, nhóm bà Trần Ngọc Bích đã thể hiện đầy đủ ý chí cũng như nhận thức và tham gia vào quy trình cho vay và thế chấp bằng sổ tiết kiệm rất nhiều lần trước đó. 

Nếu chấp nhận yêu cầu về mặt dân sự của nhóm bà Trần Ngọc Bích, sau khi tất toán thì 124 sổ tiết kiệm đang được kê biên sẽ phải hoàn trả ngay cho nhóm bà Trần Ngọc Bích, đồng nghĩa với việc VNCB phải sử dụng nguồn tiền gửi của người dân để trả 5.490 tỷ đồng cho nhóm ông Thanh một cách phi lý.

Điều này vừa gây thiệt hại cho lợi ích của VNCB, vừa gây tổn thất cho ngân sách nhà nước và xã hội. Xét thực chất, việc trong khi Toà án (liên quan đến 124 sổ tiết kiệm nhóm bà Bích đã khởi kiện VNCB ra TAND quận 3 - PV) chưa phân định quan hệ tranh chấp giữa nhóm bà Trần Ngọc Bích và VNCB, chứng minh rõ VNCB không bị thiệt hại nên không có căn cứ để quy buộc khoản tiền 5.490 tỷ đồng là hậu quả hành vi cố ý làm trái của ông Phạm Công Danh.

Sau lời trình bày trên, các LS của Phạm Công Danh cho rằng qua diễn biến phiên toà cho thấy nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến việc đánh giá bản chất sự thật khách quan, quan điểm và đường lối xử lý, xem xét các khoản tiền nhằm làm rõ hậu quả thiệt hại trong vụ án, đặc biệt việc đưa khoản tiền 5.490 tỷ đồng vào hậu quả hành vi "cố ý làm trái..." của Phạm Công Danh chưa được xem xét, làm rõ.

Vì vậy, các LS đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung các vấn đề chưa được đánh giá khách quan, toàn diện nêu trên.

A.Huy
.
.
.