Luật sư công bố bút lục mới liên quan đến lãnh đạo PVPower

Thứ Ba, 16/01/2018, 11:38
Luật sư Quynh xin phép HĐXX công bố bút lục có trong hồ sơ vụ án liên quan đến vai trò của PVPower.


Ngày 16-1, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cùng đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản xảy ra tại PVC. 

Buổi sáng, HĐXX vẫn dành thời gian để luật sư bào chữa tranh luận với đại diện Viện kiểm sát về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu quan điểm: Chủ trương thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là chủ trương đúng của Chính phủ. Và điều này nếu thực hiện đúng thì đã không xảy ra vụ án. 

Minh chứng cho ý kiến của mình là có cơ sở, luật sư Quynh xin phép HĐXX công bố bút lục có trong hồ sơ vụ án liên quan đến vai trò của PVPower, nhưng kể từ khi diễn ra phiên toà cho đến nay chưa được đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và các luật sư bào chữa công bố hay đề cập trong quá trình xét xử. 

Luật sư Nguyễn Văn Quynh.

Luật sư Quynh công bố bút lục thể hiện, thời điểm tháng 6-2017, biên bản lấy lời khai của ông Vũ Huy Quang, cựu Tổng Giám đốc PVPower cho thấy: Ông Quang biết rõ khi ký kết hợp đồng EPC số 33 liên quan đến việc thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thiếu các hồ sơ quan trọng. 

“Mấu chốt quan trọng của vụ án này là hợp đồng EPC số 33. Nếu không có hợp đồng này đi cùng với những sai sót của PVPower thì không bao giờ xảy có vụ án”, luật sư Quynh nhấn mạnh điều này.

Cũng theo luật sư Quynh, khi được hỏi dựa trên căn cứ nào để ký hợp đồng EPC số 33, ông Quang chỉ ra nhiều công văn liên quan, nhưng ông Quang khẳng định rằng, các văn bản này không có thật. 

Cùng với khẳng định này, ông Quang còn cung cấp cho cơ quan điều tra một danh sách thể hiện việc Trưởng ban kinh tế của PVPower đã lập báo cáo gửi Tổng Giám đốc PVPower nêu rõ, nhiều danh mục không có trong căn cứ làm hợp đồng EPC số 33 và việc này được Ban Giám đốc PVPower đồng ý. 

Từ quan điểm của mình, luật sư Quynh đề nghị HĐXX và đại diện Viện kiểm sát cần làm rõ vai trò của Ban Giám đốc PVPower liên quan đến việc ký kết hợp đồng EPC số 33, thay vì chỉ tập trung vào vai trò của PVN và PVC. 

Cũng theo luật sư Quynh, quá trình luận tội, đại diện Viện kiểm sát chưa chỉ ra được chứng cứ nào (bằng văn bản) chứng tỏ bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC thực hiện trái quy định của pháp luật. Dù rằng lời khai của các bị cáo khác cho thấy, tuần nào PVC cũng họp giao ban, và bị cáo Trịnh Xuân Thanh đều có chỉ đạo hàng tuần. Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án lại không thấy biên bản họp nào chứng minh các cuộc họp giao ban của PVC. 

Luật sư Quynh cũng đề nghị HĐXX và đại diện Viện kiểm sát xem xét lại hậu quả thiệt hại về kinh tế trong vụ án này để có căn cứ chứng minh thuyết phục chứ không suy diễn… hậu quả tưởng tượng. Từ lập luận của mình, luật sư Quynh đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh không phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cũng đề cập tới hợp đồng EPC số 33. Luật sư Thiệp cho rằng, cơ chế quản trị doanh nghiệp ở PVN thì các đơn vị thành viên có đầy đủ các quyền thực hiện, có phân cấp phân quyền. Logic nhất trong hành vi của vụ án nằm ở tội danh khác chứ không phải cố ý làm trái.

Luật sư Lê Văn Thiệp.

“Giai đoạn xảy ra vụ án chính sách chưa hoàn thiện nên người tiên phong rất dễ lĩnh hậu quả. Phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát mới xác định các hành vi chứ không đánh giá cái được và chưa được đối với dự án. Tình tiết tăng nặng chỉ là lợi dụng chức vụ quyền hạn chứ không phải phạm tội có tổ chức. Các bị cáo làm là theo phân công phân nhiệm vụ và không cố ý là trái, mà muốn sử dụng nguồn lực vì mục tiêu kinh doanh”, luật sư Thiệp nói. 

Trên cơ sở lập luận của mình, luật sư Thiệp cũng đề nghị HĐXX xác định, bị cáo Thanh không phạm tội cố ý làm trái...

Tranh luận tiếp theo với đại diện Viện kiểm sát, luật sư Nguyễn Quốc Hùng (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cũng đưa ra các chứng cứ và lập luận của mình về việc Thanh không chỉ đạo cấp dưới rút tiền đưa cho mình để sử dụng trong dịp Tết như quy kết của Viện kiểm sát. 

Luật sư Hùng cho rằng, trong suốt quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Thanh đều phủ nhận tội tham ô tài sản liên quan đến việc chỉ đạo cấp dưới rút số tiền 4 tỷ đồng để Thanh sử dụng trong dịp Tết. 

Luật sư Hùng nêu quan điểm, quá trình đối đáp, đại diện Viện kiểm sát chưa đưa ra chứng cứ thuyết phục về hành vi tham ô tài sản của bị cáo Thanh. Từ đó, luật sư Hùng đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thanh không phạm tội danh tham ô tài sản.

Nguyễn Hưng
.
.
.