Làm rõ vụ phá rừng đặc dụng với quy mô lớn
Sáng 12-12, thông tin từ Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang tiến hành lấy lời khai của 7 đối tượng để đấu tranh, làm rõ vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng với số lượng gỗ bị chặt phá có thể lên đến hàng trăm m3.
- Đắk Nông: Phá rừng đặc dụng... để lập làng
- Phá rừng đặc dụng để... lập làng
- Điều tra, bắt giữ hàng loạt đối tượng lâm tặc phá rừng đặc dụng
- Hà Giang bắt hàng loạt lâm tặc phá rừng đặc dụng
Các lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng |
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Krông Ana đã tiến hành xác lập chuyên án, phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ.
Tại hiện trường, qua công tác khám nghiệm, Ban chuyên án đã phát hiện còn sót lại 13 lóng gỗ tròn, 22 hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII với tổng khối lượng hơn 41 m3. Ngoài ra, mở rộng phạm vị điều tra, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ một số máy tời, xe trâu cùng một số tấm phản gỗ cỡ lớn được cất dấu tại nhà dân gần hiện trường vụ phá rừng.
Theo lời khai của Trần Văn Ánh (SN 1978, trú tại xã Hòa Bình, huyện Krông Ana), 1 trong 7 đối tượng tham gia vụ phá rừng cho biết, ban đầu, các đối tượng này vào rừng cưa xẻ những cây gỗ lớn với mục đích lấy phản gỗ về dùng. Tuy nhiên, do gỗ đẹp nên có một số người đặt hàng mua nên cả nhóm đã khai thác về bán lấy tiền tiêu xài.
7 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng bị triệu tập tại cơ quan điều tra |
Theo một cán bộ điều tra Công an huyện Krông Ana, do hiện trường phá rừng đồi núi hiểm trở, đường đi lại khó khăn nên một số gỗ chưa thể đem ra khỏi rừng nên đang cắt cử lực lượng trông coi.
“Hiện Công an huyện Krông Ana đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan cũng như làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng nơi đây”, vị cán bộ điều tra thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trường nơi xảy ra vụ phá rừng với quy mô lớn này chỉ nằm cách Trạm Kiểm lâm số 8 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng chừng 500 mét. Tuy nhiên, không hiểu vì sao “lâm tặc” lại có thể ngang nhiên đưa người, phương tiện, máy móc vào rừng khai thác rầm rộ trong một thời gian dài nhưng những người có trách nhiệm lại không hề hay biết?.