Giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen”

Thứ Hai, 25/02/2019, 11:52
Thời gian vừa qua, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, các cục nghiệp vụ và Công an các các tỉnh, thành trong cả nước đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm núp bóng dưới các công ty, doanh nghiệp để hoạt động “tín dụng đen”. Từ các băng nhóm cho vay lãi nặng (CVLN) bị triệt xóa đã bóc trần các thủ đoạn gian manh của những “vòi bạch tuộc” cuốn người vay với lãi suất “trên trời”.

Từ các băng nhóm cho vay lãi nặng (CVLN) bị triệt xóa đã bóc trần các thủ đoạn gian manh của những “vòi bạch tuộc” cuốn người vay với lãi suất “trên trời”.

Qua đó tình hình cho vay nặng lãi yên ắng hơn, những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến CVNL như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, khủng bố tinh thần con nợ… cũng giảm đáng kể, nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, phòng chống CVLN vẫn chưa thể bứng tận gốc “tín dụng đen”, cần có sự chung sức của nhiều ban, ngành khác…

Cán bộ Công an ra quân xóa các tờ rơi cho vay dán trên đường phố.

Trước khi mở đợt cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Báo CAND có nhiều loạt bài phản ánh về thực trạng này ở khắp nơi trong cả nước. Cuối tháng 12-2018, Báo CAND đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về “Nhận diện tín dụng đen và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn” với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Ngân hàng Nhà nước, Công an tỉnh Bình Dương… Qua đó, đã thể hiện khá rõ về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và những khó khăn, tồn tại trong việc xử lý “tín dụng đen”.

Trong buổi giao lưu nói trên, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo quy định hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã nâng mức cho vay tối đa không tài sản bảo đảm lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân nông thôn có đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, hạn chế tiếp cận nguồn vốn khác, trong đó có “tín dụng đen”.

Riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, ngoài ra Agribank còn triển khai chương trình cho vay lưu động đến các vùng sâu, vùng xa tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 68 chi nhánh lưu động, mỗi chi nhánh có 1 đến 2 điểm giao dịch tại các huyện… Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô… đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Một địa chỉ khác cũng khá tin cậy dành cho người nghèo là gần 1.2000 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động ở 57 tỉnh, thành với tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng. QTDND cho vay không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập nhưng phải là thành viên của quỹ. Thủ tục vay tín chấp từ 1-2 ngày, vay thế chấp khoảng 3 ngày là được giải ngân. Do vậy, quỹ này rất phù hợp với người nghèo cần vốn kinh doanh buôn bán nhỏ, cần tiền gấp để chữa bệnh, đóng học phí cho con…

Cũng tương tự là Tổ chức tài chính vi mô CEP với hơn 50 chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Việc vay qũy CEP khá đơn giản, nếu là công nhân thì chỉ cần được Công đoàn cơ sở giới thiệu là được xét duyệt cho vay. Còn người lao động tự do bên ngoài thì CEP sẽ phối họp cùng Ban điều hành khu phố lập danh sách người cần vay và được xét duyệt theo từng đợt một.

Đã có nhiều sự lựa chọn để vay vốn như vậy nhưng vì sao người nghèo vẫn vay “tín dụng đen”?. Theo lý giải của ông Trần Văn Tần đó là “Đối tượng vay “tín dụng đen” thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng nhu cầu vay vốn chưa hợp lý như: vay không dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp… Hoặc do người dân sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị các đối tượng CVLN lợi dụng để cho vay với lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính còn do công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu. Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay chưa đến tai người lao động nghèo buôn gánh bán bưng, làm thuê làm mướn… bởi không phải ai cũng nghe đài, đọc báo.

Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; ngay cả ở TP Hồ Chí Minh, rất nhiều người lao động nghèo khi tôi hỏi về quỹ CEP, QTDND thì họ đều không biết nhưng khi hỏi những ai CVLN ở khu vực này thì họ đọc tên vanh vách. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT QTDND Long Phú (đặt trên địa bàn phường Phước Long A, quận 9) thành thật cho biết, do thiếu nguồn kinh phí để tổ chức tuyên truyền. Bởi nguồn vốn là do các thành viên góp muốn chi tiêu phải thông qua đại hội cổ đông, mà kinh phí bỏ ra để quảng bá không phải ít nên khó được sự đồng thuận cao.

Còn một vấn đề tế nhị mà các “ngân hàng người nghèo”, các tổ chức tài chính vi mô ngại đề cập đến đó là việc phối hợp tuyên truyền với chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng thuận lợi. “Khi chúng tôi đề cập đến, cán bộ của UBND các phường, xã không coi đó là trách nhiệm chung vì lợi ích xã hội, lợi ích người dân mà xem chúng tôi như những người đi xin để phục vụ cho mục đích kinh doanh nên thường không nhiệt tình giúp đỡ hoặc thẳng thừng từ chối” - Chủ tịch một tổ chức tài chính vi mô bộc bạch.

Mã Hải
.
.
.