Kháng nghị tăng hình phạt, buộc 3 cán bộ xã bồi thường gần 26 tỷ đồng

Chủ Nhật, 04/08/2019, 06:13
Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội vừa ra “Quyết định kháng nghị phúc thẩm” bản án hình sự sơ thẩm số 213/2019/HS-ST của TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm (cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh) và đồng phạm về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 281 và Điều 285 BLHS năm 1999.


Trước đó, sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm vụ án này, ngày 10-7-2019, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ xã Xuân Đỉnh và huyện Từ Liêm (cũ), nay là quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) do vi phạm pháp luật về đất đai.

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX tuyên phạt: Nguyễn Hữu Khiêm (cựu Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh) 8 năm tù. Nguyễn Thị Xuân Hương (cựu cán bộ địa chính xã Xuân Đỉnh) 6 năm tù. Nguyễn Thị Gấm (cựu Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Đỉnh) 7 năm tù.

Các bị cáo tại phiên xử.

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt: Nguyễn Minh Công (cựu cán bộ Phòng TN&MT huyện Từ Liêm), Lục Văn Cường (cựu Phó Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng-Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội), Nguyễn Tuấn Anh (cựu cán bộ Phòng Giải phóng mặt bằng-Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội), Hoàng Minh Đức (cựu cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm) và Vũ Quý Dương (cựu Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Từ Liêm) từ 24 tháng tù đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm xác định, Dự án Tây Hồ Tây được cấp phép cho Công ty TNHH Phát triển THT (viết tắt là Công ty THT) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư phát triển khu đô thị trên diện tích 207,66ha, trong đó có xã Xuân Đỉnh. Sau khi được cấp phép, Công ty THT ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hà Nội để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Năm 2007, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 1.173.030m2 đất tại xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm), nay là phường Xuân Tảo và phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm). UBND huyện Từ Liêm đã ra quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình để bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng theo dự toán là 337,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra TP Hà Nội phát hiện tổ công tác xã Xuân Đỉnh và UBND xã Xuân Đỉnh trong quá trình giải phóng mặt bằng đã không thực hiện đúng quy trình dẫn đến sai phạm về kê khai hiện trạng, xác nhận, thẩm định nguồn gốc đất gây thất thoát cho nhà nước số tiền 26,9 tỷ đồng nên chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an xử lý.

Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 6 đến tháng 11-2010, có 29 hộ dân có diện tích đất thừa (theo tiêu chuẩn mỗi khẩu được 525m2). Tổ công tác giải thích số diện tích đất thừa nếu kê khai sẽ không được bồi thường và phải trả lại hoặc điều chuyển cho hộ thiếu đất.

Các hộ này đã tự điều chuyển cho 29 hộ thiếu đất, tổng diện tích là 5.344m2 và có đơn xin điều chuyển đất nông nghiệp để được nhận tiền đền bù. Với trách nhiệm của mình, Khiêm, Gấm và Hương biết việc làm của các hộ dân là trái luật nhưng vẫn ký, đóng dấu xác nhận.

Sau đó Phòng TN&MT huyện Từ Liêm đã thẩm định trên hồ sơ mà không đến thực địa kiểm tra, dẫn đến việc Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 29 hộ gia đình số tiền 20,9 tỷ đồng. Căn cứ vào quyết định trên, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Hà Nội đã chi trả tiền mặt cho các hộ dân số tiền trên...

Quyết định kháng nghị khẳng định “Bản án hình sự sơ thẩm số 213/2019/HS-ST của TAND TP Hà Nội áp dụng tình tiết giảm nhẹ, mức án và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bị cáo Khiêm và bị cáo Gấm chưa phù hợp với quy định của pháp luật”.

Về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ: Tại phiên toà, các bị cáo chỉ xuất trình được Giấy khen của UBND huyện Từ Liêm cấp, ngoài ra không có tài liệu nào chứng minh về thành tích trong quá trình công tác thì chỉ được coi là “thành tích giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2, Điều 51 BLHS năm 2015”. Việc án sơ thẩm áp dụng điểm v, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 cho tình tiết giảm nhẹ này là không có cơ sở.

Về hình phạt: Trong vụ án này, bị cáo Khiêm giữ vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo bị cáo Gấm và bị cáo Hương thực hiện hành vi trái pháp luật, nhưng quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Khiêm không thành khẩn khai báo, trong khi đó bị cáo Gấm giữ vai trò đồng phạm tích cực; thiệt hại về tài sản của Công ty THT do các bị cáo gây ra đặc biệt lớn, hiện vẫn chưa khắc phục được.

“Án sơ thẩm áp dụng khoản 1,2 Điều 54 BLHS năm 2015 để tuyên phạt bị cáo Khiêm và bị cáo Gấm dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3, Điều 281 BLHS năm 1999 là quá nhẹ, không có căn cứ, chưa tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội, chưa đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay”, kháng nghị nêu rõ.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Thiệt hại về tài sản của Công ty THT do các bị cáo Khiêm, Gấm và Hương gây ra là rất lớn nên cần phải buộc ba bị cáo này liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều 48 BLHS năm 2015.

“Việc án sơ thẩm tuyên buộc các hộ gia đình đã nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật phải có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty THT là không phù hợp theo quy định của pháp luật”, kháng nghị nêu rõ.

Từ quan điểm trên, Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội đề nghị “TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng: không áp dụng tình tiết giảm nhẹ và tăng hình phạt đối với ba bị cáo Khiêm, Gấm và Hương, đồng thời buộc ba bị cáo Khiêm, Gấm và Hương có trách nhiệm bồi thường cho Công ty THT số tiền gần 26 tỷ đồng”.

Nguyễn Hưng
.
.
.