Kéo giảm tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật ở Tây Ninh

Chủ Nhật, 27/09/2020, 07:29
Thời gian qua, Công an tỉnh Tây Ninh đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung và trong lứa tuổi thanh, thiếu niên nói riêng. 

Từ đầu năm đến nay, tình hình phạm tội, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi chưa thành niên trên địa bàn còn diễn biến phức tạp và có tác động không nhỏ đến tình hình ANTT. 

Để kéo giảm tội phạm, Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đưa ra những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm.

Một nhóm đối tượng gây án cùng tang vật.

Có thể thấy các vụ phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên đang có chiều hướng gia tăng ở Tây Ninh. Đây là hồi chuông rất đáng báo động. Công an tỉnh Tây Ninh phân tích, từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 135 vụ với 174 đối tượng, tăng 20 vụ so với năm 2019, trong đó 147 nam giới, 27 nữ giới có tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 63%; từ 14 đến dưới 16 tuổi chiếm 31%. Số đối tượng đã bỏ học 136 đối tượng chiếm 78%. Số lượng học sinh cấp THCS chiếm tỉ lệ khá cao.

Trong năm 2020, Công an tỉnh đã khởi tố 10 vụ, 12 đối tượng, xử lý hành chính 83 vụ 117 đối tượng; giao gia đình quản lý, giáo dục 15 đối tượng. Qua các vụ án mà Công an thụ lý điều tra cho thấy, vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra chủ yếu: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý 63 vụ, cố ý gây thương tích 6 vụ, trộm tài sản 7 vụ, đánh bạc 5 vụ... Nhiều vụ cãi vã trên mạng, rồi tụ tập đánh nhau.

Điển hình, trường hợp của Cao Nhựt Nam (SN 2002, ngụ ấp Trâm Vàng 1, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) phạm tội chống người thi hành công vụ. Chỉ vì sợ chiếc xe máy không biển số (dạng xe cọp), không giấy tờ,… của mình bị tịch thu nên Nam lấy bật lửa đốt xe rồi thách thức. 

Tiếp đó, đối tượng dùng dao đe dọa, ngăn cản Công an làm nhiệm vụ. Mới đây nhất, xảy ra trường hợp do mâu thuẫn vặt giữa các thanh thiếu niên. Tức giận, nhóm của Võ Chí Đẹp (SN 1999, ngụ huyện Tân Châu) đã chặt đứt lìa chân của nạn nhân (SN 2004) tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu.

 Theo một chuyên gia tâm lý: Trong độ tuổi này, sự tự ý thức về bản thân của các thanh thiếu niên phát triển một cách mạnh mẽ. Từ đó, dẫn đến nhu cầu, đòi hỏi sự trưởng thành hay như đòi công nhận quyền độc lập của mình. Tuy nhiên, kéo theo đó là sự non yếu về kinh nghiệm, các kỹ năng cũng như giá trị xã hội vẫn chưa phải là thế mạnh của các bạn.

Do vậy, quá trình đòi quyền tự do của mình, các bạn dễ dẫn đến những sai lầm. Từ đó, các thanh thiếu niên đã không thuyết phục được phụ huynh nên các vấn đề nuôi dạy trong gia đình sẽ diễn ra một cách khá tiêu cực. Xung đột giữa cha mẹ và con cái đã làm cho kết nối gia đình trở nên yếu, thậm chí là đứt gãy. Chính quá trình này đã tác động nuôi dạy của cha mẹ dành cho các con không còn đủ sức mạnh.

Minh chứng cho việc thiếu quan tâm giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách, ngay từ nhỏ là khi xảy ra những vụ việc đau lòng, đa số cha mẹ không hề biết con mình đã vi phạm pháp luật. Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thậm chí còn dung túng, che giấu hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của con em mình.

Bên cạnh đó, lứa tuổi thanh, thiếu niên hiện nay dễ tiếp cận công nghệ, phim ảnh, trò chơi bạo lực... một cách dễ dàng mà không hề có sự kiểm soát nào. Lối sống thực dụng, đua đòi, thích hưởng thụ nên rất dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ lôi kéo phạm pháp. Trong khi đó, mức hình phạt với người chưa thành niên phạm tội chưa đủ tính răn đe, giáo dục.

Để ứng xử cho vấn đề này, chúng ta cần gia cố việc giáo dục tại gia đình. Cha mẹ cần phải chủ động với quá trình trưởng thành và dậy thì của các em để có thể có những kết nối chắc chắn ngay từ trước đó. 

Khi trẻ bước vào giai đoạn tuổi dậy thì vẫn lưu giữ cũng như duy trì được nhịp sống sinh hoạt trong gia đình và kết nối giữa trẻ với cha mẹ luôn luôn là kết nối mạnh. Để từ đó đảm bảo được rằng, nuôi dạy từ cha mẹ luôn được các em đón nhận một cách tự nguyện và duy trì nó, cũng như thực hiện nó một cách mạnh mẽ trong thực tế. Đồng thời, kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội để có thể tạo ra sân chơi phong phú cũng như để hướng dẫn các bạn một cách toàn diện.

Liên quan đến thực trạng này, Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Ban giám đốc đang tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện cao điểm phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung điều tra xử lý kiên quyết đối với các vụ án. Đồng thời, Công an tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án xử lý sớm trên tinh thần nhằm răn đe, giáo dục, nhất là đối với các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa.

Có thể thấy, Công an luôn đề ra những biện pháp, kiên quyết xử lý đối với thanh, thiếu niên có những hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, để kéo giảm tình trạng này, không chỉ có lực lượng Công an mà cần sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là gia đình, nhà trường để cùng chung tay trong công tác giáo dục, quản lý thanh, thiếu niên phòng ngừa vi phạm pháp luật…

C.Bình-N.Hoàn
.
.