Hoạ sĩ Lê Linh thắng kiện vụ tranh chấp tác quyền truyện Thần Đồng Đất Việt
Ngày 18-2, sau hơn nửa tháng đưa vụ án ra xét xử và nghị án, TAND quận 1 - TP Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ tranh chấp tác quyền truyện "Thần đồng đất Việt" giữa nguyên đơn là ông Lê Linh và bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
- Cuộc chiến bảo vệ tác quyền âm nhạc: Quyết liệt đến cùng
- Nhạc sĩ lao đao chuyện tác quyền
- Cam kết trả tác quyền cho các trung tâm kinh doanh karaoke trên toàn quốc
Theo đó, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Linh, xác định ông Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt và bà Hạnh không phải là đồng tác giả; yêu cầu công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra, sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo.
Theo HĐXX, tác giả là người sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học, để được công nhận là tác giả thì phải ký tên dưới tác phẩm. Công ty Phan Thị có quyền sở hữu nhưng không có quyền làm biến thể khi chưa được sự đồng ý của ông Linh.
Việc làm biến thể làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh. Đồng thời, HĐXX buộc bị đơn xin lỗi công khai ông Lê Linh trên một số phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp và thanh toán chi phí dịch vụ luật sư mà nguyên đơn phải thuê để bảo vệ quyền tác giả của mình bị xâm phạm.
Đại diện bị đơn tại toà |
Ông Lê Linh |
Theo nội dung vụ việc, Thần đồng Đất Việt là bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập được xuất bản tại Việt Nam từ năm 2002. Ban đầu tác phẩm được thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị. Từ tháng 5-2005, Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, ghi nhận quyền tác giả thuộc về đồng tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị), quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.
Tuy nhiên, Thần đồng đất Việt phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngừng cộng tác với Phan Thị. Các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn tiếp tục ra đời nhưng không đề tên tác giả, họa sĩ là ai. Phía công ty Phan Thị cho rằng mình là chủ sở hữu có các quyền tài sản đối với tác phẩm nên tổ chức xuất bản các tập tiếp theo mà không cần ý kiến của tác giả.
Phía họa sĩ Lê Linh thì cho rằng mình là tác giả nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm, không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật trong truyện của mình.
Tháng 4-2007, họa sĩ Lê Linh đã chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị, yêu cầu xác định ông là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật: Trạng Tí, Sửu ẹo, Dần béo, cả Mẹo của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, chứ không phải là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như trong hồ sơ đăng ký bản quyền mà phía Phan Thị đưa ra. Đồng thời, công ty Phan Thị không được quyền sáng tác những biến thể khác của những hình tượng này.
Tại toà, ông Lê Linh giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Trong khi đó, đại diện cho phía bị đơn là công ty Phan Thị và bà Hạnh yêu cầu tòa bác bỏ tất cả yêu cầu khởi kiện của ông Lê Linh. Theo bị đơn, ông Lê Linh không trực tiếp tạo ra tác phẩm mà chỉ là 1 trong số những họa sĩ tham gia sáng tạo bộ truyện. Công ty Phan Thị đã trả lương và nhuận bút cho ông Linh cao hơn giá thị trường lúc đó, tổng cộng hơn 3 tỷ đồng. Lý giải việc đưa tên Lê Linh lên bìa sách, công ty cho rằng để tạo một biểu tượng cho bạn đọc nhỏ tuổi, tránh việc ghi tên quá nhiều người không có ý nghĩa chứ không hề khẳng định Lê Linh chính là tác giả duy nhất.
Phát biểu quan điểm, đại diện VKS cho rằng, trong hồ sơ, Cục Bản quyền cấp giấy đăng ký quyền tác giả thể hiện quyền sở hữu thuộc Công ty Phan Thị dựa vào đơn ông Linh và bà Hạnh cùng là đồng tác giả. Ngoài ra, trước khi ông Linh vào làm tại Phan Thị, trên thị trường cũng chưa có bất kỳ bộ truyện nào có 4 hình tượng như nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm liền trên bìa sách đều thể hiện ông Linh là tác giả của 4 nhân vật này. Cụ thể, trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 Thần Đồng Đất Việt, ghi tác giả truyện và tranh là Lê Linh. Tại toà, các chứng cứ các tập truyện ông Linh đưa ra đều phù hợp nên cần khẳng định ông Lê Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt. Năm 2006, ông Linh nghỉ việc và ngừng sáng tác truyện tranh Thần Đồng Đất Việt. Cũng trong thời gian này, ông phát hiện công ty Phan Thị phát hành các tập truyện Thần Đồng Đất Việt tiếp theo mà không có sự đồng ý của ông.
Vì vậy, theo VKS, việc ông Linh khởi kiện yêu cầu công nhận ông là tác giả duy nhất của bộ truyện là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận. Vì vậy, yêu cầu của ông Lê Linh buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông sáng tạo từ các tập Thần Đồng Đất Việt tiếp theo cũng như trên các ấn bản khác như Thần Đồng Đất Việt khoa học, Thần Đồng Đất Việt mỹ thuật là có cơ sở. Theo VKS “việc Công ty Phan Thị là chủ sở hữu 4 nhân vật nhưng không đồng nghĩa việc Phan Thị có quyền làm thay đổi bản gốc của các hình tượng này. Khi chưa được sự đồng ý của ông Linh mà lại sáng tạo ra biến thể là xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của ông Linh", VKS nhận định.
Từ những phân tích nêu trên, VKS đề nghị HĐXX công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng, xác nhận bà Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra 4 hình tượng nhân vật này trên các biến thể khác nhau. Đối với yêu cầu công ty Phan Thị phải xin lỗi độc giả của Thần đồng đất Việt, theo VKS là không phù hợp vì độc giả không có yêu cầu này và nguyên đơn cũng không có quyền thay mặt những người này.