Hà Văn Thắm tin “hai cánh tay” không chiếm đoạt tiền của Oceanbank
- Bộ ba nổi tiếng của Oceanbank khai chi lãi ngoài hàng trăm tỷ đồng
- Những người đẹp "ngã ngựa" trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank
- “Quan lộ” của cựu Tổng Giám đốc Oceanbank và cách xài “tiền chùa”
Ngày 6-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Sang ngày xét xử thứ 7, HĐXX dành toàn bộ thời gian để các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tham gia xét hỏi. Các luật sư tập trung vào bộ ba quyền lực một thời ở Oceanbank là cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cùng “hai cánh tay” của Thắm là cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn và cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu liên quan đến việc Oceanbank thất thoát khoảng 2.000 tỷ đồng.
Với tư cách là người đứng đầu mọi quyết định tại Oceanbank thời điểm đó, Hà Văn Thắm cho rằng, Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội tham ô tài sản liên quan đến việc chi số tiền hàng trăm tỷ đồng được lấy từ Oceanbank.
Cáo trạng xác định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank (tương đương 20% vốn điều lệ của Oceanbank). Thắm biết rõ nguồn tiền Oceanbank sử dụng để chi lãi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là tiền chung của các cổ đông, trong đó có PVN là cổ đông góp vốn 20%, nhưng vẫn chấp thuận yêu cầu đòi chi tiền của Sơn. Cụ thể, Thắm chỉ đạo lấy tiền từ Oceanbank chi cho Sơn số tiền “chăm sóc khách hàng” gần 247 tỷ đồng, trong đó riêng 20% vốn của PVN đã hơn 49 tỷ đồng để Sơn chiếm đoạt số tiền này.
Bị cáo Thắm (phải) nhiều lần bảo vệ bị cáo Sơn (trái) trong phiên xử ngày 6-9. |
Lý do để Thắm khẳng định Sơn không tham ô vì “Bị cáo có đủ biện pháp để kiểm soát anh Sơn. Có những khoản anh Sơn khai không nhớ, nhưng bị cáo nhớ rõ. Tài sản của anh Sơn có bao nhiêu, bị cáo đều kiểm soát được vì bị cáo chơi với hầu hết ngân hàng nên biết rất rõ về Sơn”.
Thắm cho biết, trước khi đồng ý với PVN tiếp nhận và sử dụng Sơn làm Tổng Giám đốc Oceanbank, bị cáo đã tham khảo qua những người bạn thân làm lãnh đạo các ngân hàng. Thắm khẳng định, tiền của ngân hàng nhìn vào thì nhiều nhưng để chiếm đoạt không dễ chút nào vì còn phải qua rất nhiều khâu thẩm định, phê duyệt trước khi được rút ra.
Và quan trọng, số tiền lớn như thế đưa cho người nào, tư cách ra sao, chứ không phải ai cũng đưa. Bị cáo đã nói với anh Sơn “Anh em mình đều là đàn ông nên sòng phẳng với nhau. Quan điểm của em là lấy 5.000 đồng hay lấy 50 triệu đồng thì đều là ăn cắp. Ngoài bày tỏ quan điểm như vậy, bị cáo còn hay để ý xem anh Sơn có chiếm đoạt không, nhưng một thời gian dài không thấy anh Sơn qua mặt bị cáo”.
Cũng theo bị cáo Thắm, quá trình làm việc chung với nhau một thời gian dài, bị cáo đã dành cho Sơn khoản ưu đãi 2 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này sau đó Sơn bán được 40 tỷ đồng.
Luật sư hỏi Thắm “Nếu bị cáo không tin Sơn tham ô tài sản của Oceanbank thì số tiền hơn 49 tỷ đồng được rút ra trong số tiền gần 247 tỷ đồng mà Sơn đã chiếm đoạt từ Oceanbank chi cho những ai?”.
Thắm trả lời “Anh Sơn chi cho những ai thì anh ấy rõ nhất. Vấn đề là anh ấy có nói ra hay không thôi. Nhưng điều bị cáo chắc chắn rằng, những khách hàng nhỏ, hay quan hệ bình thường thì anh Sơn không trực tiếp tặng quà hoặc “chăm sóc khách hàng”, vì việc đó đã có cấp phó của anh Sơn thực hiện”. Ở tội danh tham ô tài sản, Sơn bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, Thắm là đồng phạm, giúp sức.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc bị cáo Nguyễn Minh Thu có thể “bắt tay” với Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền của Oceanbank không (?) Bị cáo Hà Văn Thắm trả lời, việc Oceanbank chi tiền “chăm sóc khách hàng” cho những ai, chi bao nhiêu... đều được bị cáo kiểm soát, không ai qua mặt bị cáo để chiếm đoạt tiền của Oceanbank được.
“Với vai trò là Tổng Giám đốc Oceanbank, nhưng chị Thu chỉ là người thực hiện theo chủ trương của Hội đồng quản trị. Việc chị Thu đưa cho anh Sơn bao nhiêu tiền cũng là quyết định của bị cáo”, Thắm khẳng định.
Cáo trạng xác định, trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank (từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2014), thực hiện theo chỉ đạo của Thắm, Thu trực tiếp chỉ đạo các khối nghiệp vụ của Hội sở Oceanbank và Giám đốc các chi nhánh, phòng Giao dịch Oceanbank chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng tiền gửi trái quy định về lãi trần suất huy động vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ với tổng số tiền khoảng 540 tỷ đồng chuyển cho các chi nhánh, phòng giao dịch chi lãi ngoài và chi thẳng cho khách hàng cá nhân.
Thời điểm này, Nguyễn Xuân Sơn đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc PVN, nhưng theo bàn giao và chỉ đạo của Sơn, Thu đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài hơn 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng thuộc nhóm Tập đoàn do Sơn phụ trách. Chưa hết, với vai trò Tổng Giám đốc, Thu còn thực hiện theo chỉ đạo chi trả số tiền gần 120 tỷ đồng mà không giải trình được.
Xuyên suốt vụ án này, Thu bị cáo buộc đã phạm hai tội: lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời câu hỏi của luật sư về số tiền 500 tỷ đồng Oceanbank cho Công ty Trung Dung (công ty của Phạm Công Danh) trong khi công ty này không đủ điều kiện, bị cáo Thắm cho biết, Oceanbank đã có hai quyết định bổ sung cho thiếu sót đó thông qua việc yêu cầu Ngân hàng TMCP Đại Tín phong tỏa khoản vay sau khi đã giải ngân, đồng thời yêu cầu đơn vị thứ ba là Tập đoàn Đầu tư SSG-đơn vị chủ đầu tư dự án đồng ý thế chấp tài sản. Các yêu cầu này được thực hiện trước khi ký hợp đồng tín dụng và giải ngân, nhưng sự việc cuối cùng lại không diễn ra theo ý muốn.
Về số tiền thiệt hại 1.576 tỷ đồng như cáo trạng đã nêu vì Oceanbank thực hiện trái Thông tư 02/NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất, Thắm trả lời, hoàn cảnh thị trường lúc đó rất khó khăn nên hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều vi phạm trần lãi suất. Oceanbank cũng phải làm theo nếu không sẽ mất thanh khoản. Theo Thông tư 02, nếu vi phạm quy định về trần lãi suất, lãnh đạo ngân hàng sẽ bị cách chức 3 năm.
“Trong tình cảnh khó khăn đó, với tư cách là người đứng đầu Oceanbank, bị cáo chấp nhận bị cách chức 3 năm để cứu ngân hàng thay vì để cho ngân hàng mất thanh khoản. Lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ bị cách chức 3 năm chứ không nghĩ là bị truy tố”, Thắm trả lời.
Trước những lập luận của bị cáo Hà Văn Thắm, đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố cho hay, Thông tư 02 là chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Việc các ngân hàng bị xử lý hay không là phát hiện của từng ngân hàng trong quá trình thanh kiểm tra. Do đó việc xử lý vi phạm đối với các cá nhân ở Oceanbank là thực sự cần thiết.