Gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Giả danh Trưởng Ban đầu tư Tập đoàn Than – khoáng sản để lừa đảo
- Cảnh giác chiêu trò giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại
Trước đó, đơn vị đã nhận đơn trình báo của ông Hoàng Văn Khanh (52 tuổi), trú tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên về việc bị một số đối tượng giả danh lừa đảo số tiền trên 800 triệu đồng.
Gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát lừa đảo gần 1 tỷ đồng |
Theo đơn của ông Khanh, đầu tháng 8, khi ông đang làm việc tại cơ quan thì nhận được 1 cuộc điện thoại gọi đến máy bàn, nói ông Khanh có một bưu phẩm liên quan đến vụ án ma túy rửa tiền 6,8 tỷ đồng, nếu muốn được Công an TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ thì giữ máy để chuyển máy cho Bộ Công an.
Ngay sau đó, một người tự giới thiệu là cán bộ Bộ Công an, yêu cầu ông Khanh hợp tác để điều tra làm rõ vụ việc. Người này còn đe dọa ông Khanh đã có lệnh bắt tạm giam, nhưng do ở xa nên không bắt giam ngay mà yêu cầu hợp tác.
Thấy bị hại không phản ứng, người này bắt đầu khai thác số điện thoại di động, thông tin cá nhân, gia đình, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng và giao dịch ngân hàng của ông Khanh. Không nghi ngờ, ông Khanh đã cung cấp thông tin về thẻ ATM, sổ tiết kiệm của mình.
Tiếp đó, người này nói ông Khanh giữ máy và chuyển máy cho một người tự xưng là Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hồ Chí Minh… Với giọng nói gay gắt, người tự giới thiệu là Phó Viện trưởng Viện KSND TP. Hồ Chí Minh cũng khai thác thông tin, đe dọa bắt ông Khanh như người tự xưng là Công an nêu trên.
Sau đó, yêu cầu ông Khanh ngay trong ngày phải mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng, chuyển vào tài khoản giám sát số 1903261428017 mang tên Đỗ Đăng Vân là cán bộ kiểm sát, mở tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Phúc Yên. Ngoài ra, bọn chúng còn yêu cầu bị hại tuyệt đối giữ bí mật, không được nói cho bất kỳ ai.
Để bị hại nghĩ rằng mình không bị mất tiền, đối tượng còn dặn khi nào kiểm tra xong số tiền đã chuyển vào tài khoản, họ sẽ cử Công an và cán bộ kiểm sát đến trả lại cho ông Khanh. Hoảng sợ bị đe dọa bắt giam, ảnh hưởng đến gia đình, ông Khanh đã chuyển 2 lần vào tài khoản nêu trên số tiền 861.190.000 đồng. Chuyển xong tiền theo yêu của của đối tượng, ông Khanh về nhà nói chuyện với vợ, anh trai thì mới biết mình bị lừa đảo để chiếm đoạt số tiền trên nên làm đơn trình báo đến cơ quan Công an.
Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn giả danh Công an, cán bộ VKS bằng cách gọi điện thoại hoặc sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Do đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, khi có người tự xưng là cán bộ Công an, VKS, tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì cần bình tĩnh xác minh thông tin, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).
Vì cơ quan Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Đáng chú ý, tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại.
Nếu đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì cơ quan Công an, VKS không có tài khoản mang tên cá nhân (bởi cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản)…
Để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cũng lưu ý không mua, bán, cho mượn chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng; không đưa thông tin cá nhân trên mạng xã hội…