Đối tượng bắn pháo sáng khiến nữ CĐV trên sân Hàng Đẫy đi cấp cứu phạm tội gì?

Thứ Năm, 12/09/2019, 17:38
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi của CĐV sử dụng pháo sáng bắn vào nhóm CĐV khác gây mất trật tự nơi công cộng và xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích.


Liên quan đến vụ việc một nữ CĐV trên sân Hàng Đẫy bị thương do pháo sáng gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau:

Theo Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng thì pháo sáng không được Nhà nước cho phép sử dụng vì có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Hành vi của CĐV mang pháo sáng và sử dụng trong sân có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm:

"Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép", luật sư Thơm phân tích.

Theo thông tin được báo chí đăng tải, khi trận đấu giữa CLB Hà Nội và Nam Định đang diễn ra thì bất ngờ một CĐV nữ ở khán đài A sân Hàng Đẫy bị thương vì một quả pháo sáng bắn từ khán đài của CĐV Nam Định. Sau đó, nữ CĐV này đi cấp cứu.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi của CĐV sử dụng pháo sáng bắn vào nhóm CĐV khác gây mất trật tự nơi công cộng và xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS.

Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng pháo sáng bắn vào người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác. Hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó. Tỷ lệ thương tích của người bị hại sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với định khung hình phạt theo Điều 134 BLHS.

"Ngoài ra, nhóm CĐV xô xát và làm hai đồng chí CSCĐ bị thương khi làm nhiệm vụ ở khán đài B. Một người bị gãy tay. Người còn lại nhập viện trong tình trạng nôn mửa, tinh thần bị chấn động sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích. Cơ quan chức năng cần làm rõ những đối tượng tham gia hành hung người thi hành công vụ để xử lý theo điều 134 BLHS", luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết thêm.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người.

Hiệp Bình
.
.
.