Để phòng ngừa tội phạm "giết người trong gia đình"

Thứ Hai, 22/05/2017, 10:08
Phải nhìn nhận thực tế rằng, để phòng ngừa tội phạm giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình là không dễ dàng khi nguyên nhân làm phát sinh rất đa dạng.

Dư luận cả nước vẫn còn bàn tán xôn xao về vụ án Nguyễn Trung Hoàng (38 tuổi, ngụ khu phố Hòa Hội, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) sát hại vợ rồi phi tang thi thể dưới hầm cầu.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, chỉ vì ghen tuông mù quáng, Hoàng đã nhẫn tâm sát hại người từng “đầu ấp, tay gối” với mình. Đây có thể xem là vụ án điển hình về thực trạng tội phạm giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình hiện nay.

Theo Đại tá, TS Vũ Văn Sỹ, Trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (CSND), từ trước đến nay, tại Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo về phòng chống tội phạm giết người nói riêng, giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, dòng họ nói riêng. Song, phải nhìn nhận thực tế rằng, để phòng ngừa tội phạm giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình là không dễ dàng khi nguyên nhân làm phát sinh rất đa dạng.

Đối tượng Nguyễn Trung Hoàng tại cơ quan Công an.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 6.800 vụ án giết người, làm chết trên 5.000 người, làm bị thương hơn 1.500 người. Trong tổng số vụ án giết người trên, số vụ án có nguyên nhân mâu thuẫn cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng chiếm 93,06%. Trong đó, số vụ giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình chiếm khoảng 17,9%.

Đại tá Vũ Văn Sỹ cho biết, khi nghiên cứu các vụ án giết người trong nội bộ gia đình thời gian qua, đã phát hiện nhiều nguyên nhân “gốc rễ”. Cụ thể, yếu tố giáo dục để hình thành nhân cách đạo đức bị lệch chuẩn.

Trong một số ngành khoa học cũng như ý kiến của các chuyên gia luôn đề cập 3 nhóm giáo dục: Giáo dục từ gia đình, giáo dục trong nhà trường và giáo dục từ xã hội. “Hiện giáo dục trong nội bộ gia đình nói chung rất tích cực. Tuy nhiên, trong xã hội không thiếu trường hợp con người bị lệch chuẩn về mặt nhân cách ngay từ bé với những hình thức giáo dục không phù hợp. Điều đó dẫn đến một số người có tính khí nóng, không kiềm chế được hành vi khi xảy ra mâu thuẫn. Đây là yếu tố chủ yếu để hình thành nên những hành vi giết người trong nội bộ gia đình ở các vụ án đã xảy ra”, Đại tá Vũ Văn Sỹ cho biết.

Bên cạnh đó là sự hời hợt, thờ ơ trong vai trò “trung gian hòa giải” của chính quyền cơ sở. Một số cán bộ đã không chú trọng công tác phòng ngừa, hoạt động hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình trên địa bàn mà mình quản lý, hoặc có thực hiện nhưng không trọng tâm, hời hợt.

Có những vụ án giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình đáng lẽ sẽ không xảy ra nếu mâu thuẫn trước đó được các cấp chính quyền hòa giải kịp thời, có hiệu quả. Lợi ích cá nhân trong một số trường hợp luôn được cho là nhất, đặt trên lợi ích gia đình, tập thể. Vì lợi ích cá nhân đó mà một bộ phận người có thể bỏ lợi ích gia đình, bỏ qua tình cảm ruột thịt để đạt được như: Em sát hại chị ruột, anh sát hại em ruột… vì mâu thuẫn phân chia tài sản của đấng sinh thành để lại. 

Để phòng ngừa tội phạm giết người do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, theo ThS Nguyễn Thanh Tuấn, giảng viên Trường ĐH CSND, cần tập trung tham mưu về các hoạt động có liên quan đến giáo dục nhân cách con người nhằm đạt đến nhân cách chuẩn mực. Tạo cho đứa bé có tính cách lễ phép, tương thân tương ái và hiện đại trong xã hội.

Tham khảo những mô hình, cụm dân cư trong các thành phần xã hội có tính tích cực đối với việc giáo dục các thành viên trong gia đình tránh vi phạm pháp luật. Khi phát hiện ra các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội không còn phù hợp hoặc chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh, đặc biệt một số quan hệ xã hội nhạy cảm như đất đai… thì cần kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh phù hợp để làm căn cứ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong nội bộ gia đình được kịp thời, hiệu quả.

Lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với những ban, ngành, đoàn thể cơ sở có liên quan để kịp thời, phát hiện và tham gia hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, khu dân cư nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.

Kết hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khác kịp thời điều tra, xét xử đúng pháp luật các mối quan hệ xã hội phát sinh mà cần pháp luật điều chỉnh. Bởi lẽ, khi người dân không tin tưởng vào pháp luật trong việc giải quyết mâu thuẫn xã hội thì họ sẽ không cần nhờ pháp luật để giải quyết. Hệ quả là hành vi phạm tội có thể xuất hiện.

Đối với hành vi giết người không được kịp ngăn chặn, các cơ quan tư pháp cần triệt để điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tăng cường xét xử lưu động để vừa tuyên truyền pháp luật đến người dân, vừa mang tính răn đe đối với những người coi thường pháp luật…

Đức Mừng
.
.
.