Đại án Phạm Công Danh:

Đề nghị 46 bị cáo và 140 người liên quan bồi thường 6.126 tỷ đồng

Thứ Sáu, 19/01/2018, 09:27
Theo đại diện CB (ngân hàng tiếp quản VNCB sau khi được ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng), số tiền thiệt hại của ngân hàng này được xác định là 6.126 tỉ đồng, đây là hậu quả do 46 bị cáo cùng các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng: TPBank, Sacombank, BIDV cùng các công ty đã vay tại các ngân hàng gây ra.


Ngày 18-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh; Trầm Bê (59 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank và 44 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo, người liên quan đến gói vay 1.666 tỷ đồng của TPBank, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Theo cáo trạng và kết quả những ngày xét hỏi gần đây, Phạm Công Danh và các cấp dưới đều khai, trong số 1.666 tỷ đồng vay từ TPBank có 600 tỷ đồng được rút ra trả nợ cho bà Hứa Thị Phấn. 

Luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Phấn) cho biết, bà Phấn chưa được cơ quan tố tụng lấy lời khai với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là nhân chứng nhưng cáo trạng lại quy kết bà Phấn lấy tiền từ tài khoản của ông Danh chuyển cho bà để sử dụng. Trong khi đó, thực tế số tiền này ông Danh chuyển trả cho bà Phấn nhằm tái cơ cấu ngân hàng.

Các bị cáo tại phiên toà.

Về hình thức chuyển trả số tiền trên, luật sư hỏi nhưng ông Danh trả lời không nhớ rõ và đề nghị luật sư hỏi ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) vì cho rằng người này nhớ rõ nhất.Trả lời luật sư, ông Mai cho biết số tiền 600 tỷ đồng trên trả cho nhóm Phú Mỹ (do bà Phấn làm đại diện) nhằm tái cơ cấu VNCB. Về vấn đề này, ông Đặng Văn Thảo, đại diện ngân hàng Nhà nước cho biết theo đề án tái cơ cấu, chủ ngân hàng mới tiếp nhận phải chịu trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.

Cũng trong ngày hôm qua, đại diện CB (ngân hàng tiếp quản VNCB sau khi được ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) xác định trước tòa là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. 

Theo đại diện CB, số tiền thiệt hại của ngân hàng này được xác định là 6.126 tỉ đồng, đây là hậu quả do 46 bị cáo cùng các tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng: TPBank, Sacombank, BIDV cùng các công ty đã vay tại các ngân hàng gây ra. 

Vì vậy, đại diện CB đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân liên quan được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự, tùy mức độ mà chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, hoàn trả lại cho CB số tiền trên.

Khi bị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Sacombank truy về con số thiệt hại vừa đưa ra, đại diện CB cho biết là dựa vào kết quả điều tra và truy tố của cơ quan tố tụng. Về khoản tiền tăng vốn điều lệ (từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng), luật sư phía Sacombank đề nghị CB xác định số tiền sử dụng tăng vốn 4.500 tỷ là tiền góp vốn cổ đông hay tiền gửi ngân hàng, đại diện CB cho rằng đó là tiền góp vốn cổ đông, được VNCB hạch toán treo. CB cũng khẳng định khoản thiệt hại 6.126 tỷ đồng với số tiền 4.500 tỷ đã vay được sử dụng tăng vốn không liên quan đến nhau.

“Chúng tôi đề nghị xác định bồi thường của các cá nhân dựa theo hành vi vi phạm của từng bị cáo và HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể”, đại diện CB trả lời khi được chất vấn căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các luật sư.

Ngoài phần thẩm vấn trên, trong ngày hôm qua, HĐXX đã triệu tập một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ một số vấn đề liên quan và cho họ đề đạt nguyện vọng. 

Có mặt tại toà, đại diện cho chị vợ của bị cáo Trầm Bê, người đứng tên 1 trong 2 căn nhà bị kê biên, các con của hai người này khẳng định, đây là nhà của cha mẹ họ, do cha đã chết nên họ là những người đứng quyền thừa kế thứ nhất nên xin HĐXX xem xét huỷ lệnh kê biên và cho họ xin lại căn nhà trên.

Như vậy, sau gần hai tuần diễn ra, phiên toà đã kết thúc phần xét hỏi. Toà nghỉ làm việc và đến thứ hai, 22-1, VKS công bố phần luận tội đối với từng bị cáo.

A.Huy
.
.
.