Những kẻ giả danh nhà ngoại cảm lừa hàng loạt thân nhân liệt sĩ

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:20
Nguyễn Văn Thúy và các đồng phạm đã núp bóng tâm linh, có hành vi trộm cốt, làm giả hiện trường nơi chôn cất liệt sỹ, khắc di vật, tạo niềm tin nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tổ chức và các cá nhân.


Chiến tranh đã lùi xa nhưng có người cha, người mẹ, người vợ và người con của những gia đình có người thân là liệt sỹ, chưa tìm được phần mộ chí vẫn còn day dứt. Trong tâm khảm, họ mong mỏi được thấy phần xương cốt người thân trong gia đình, đưa về an nghỉ nơi quê nhà... 

Lợi dụng điều đó, Nguyễn Văn Thúy và các đồng phạm đã núp bóng tâm linh, có hành vi trộm cốt, làm giả hiện trường nơi chôn cất liệt sỹ, khắc di vật, tạo niềm tin nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tổ chức và các cá nhân. 

Vụ án liên quan đến nhiều địa phương, xảy ra trong một thời gian dài, hành vi phạm tội tinh vi, song bằng trách nhiệm, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị dưới sự chỉ đạo của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an và các đơn vị Quân đội, Công an một số đơn vị địa phương đã lật tẩy được bộ mặt tinh vi của Thúy và đồng bọn.

Các đối tượng trong vụ án tại phiên tòa xét xử.

Vụ án Nguyễn Văn Thúy được phát hiện từ tài liệu ban đầu do A83 cung cấp và một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của “nhà ngoại cảm” Nguyễn Văn Thúy, còn gọi là “cậu Thủy”. Vào thời điểm vụ án được phanh phui, có nhiều ý kiến khác nhau, cho rằng đây là hoạt động nhân đạo, tâm linh đặc biệt, không phải là vấn đề hình sự. Một số khác cho rằng vụ án không thuộc thẩm quyền của cơ quan An ninh... 

Cục ANĐT, Bộ Công an đã quyết định giao cho cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Trị thụ lý, cơ quan ANĐT các tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước phối hợp điều tra.

Để thu thập thông tin, phục vụ việc đánh giá và định hướng cho cơ quan điều tra, cơ quan ANĐT đã phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm, đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nắm bắt hoạt động của những người thân trong gia đình Thúy và Duyên từ Bắc Ninh vào Đông Hà (Quảng Trị). 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã phát hiện được Mẫn Đức Phương, em ruột của Duyên; Nguyễn Trường Sơn, con rể của Duyên từ Bắc Ninh vào Đông Hà (Quảng Trị).

Các điều tra viên trực tiếp tham gia vụ án nhớ lại: Sau khi khởi tố, bắt Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên, công tác đấu tranh, hỏi cung phải đối mặt với nhiều áp lực, bởi lẽ có rất ít thông tin tài liệu, phản ánh đúng về hành vi phạm tội của chúng để sử dụng đấu tranh. 

Kết quả điều tra ban đầu xác định được hiện trường nơi khai quật hài cốt liệt sỹ tại thôn Lâm Xuân, Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị, đã được bọn chúng bố trí, làm giả từ trước. Tuy vậy, việc làm giả như thế nào, những ai có thông tin gì là điều không rõ ràng.

Bên cạnh đó, các bị can đã có thời gian bàn bạc và tiêu hủy chứng cứ, tài liệu để đối phó với cơ quan điều tra. Đối tượng Thúy và Duyên đều có tiền án trên 10 năm tù cùng về tội danh này nên ngoan cố, lỳ lợm trong khai báo.

Các cuộc họp được cơ quan ANĐT thường xuyên tiến hành. Những ngày đó, các điều tra viên làm việc không quản thời gian tập trung đấu tranh với Thúy.

Sau gần 4 tháng bị bắt, ngày 12-4-2014, Thúy hé lộ rằng: Do 3 liệt sỹ mà thân nhân liên hệ tìm kiếm hy sinh vào 3 thời điểm khác nhau nên khi “soi” phát hiện một hố chôn tập thể tại thôn Lâm Xuân, Thúy đã cùng Phương đào lấy hài cốt lên, phân chia ra chôn vào 3 hố khác nhau cùng các bi đông khắc tên liệt sỹ để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Tiếp tục xác minh, củng cố chứng cứ về Phương, đến ngày 25-3-2014, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với đối tượng này về tội “xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

Xác định Phương là mắt xích nên cơ quan ANĐT tập trung đấu tranh, tác động tâm lý, tình cảm, khai thông tư tưởng cho bị can này. Đến ngày 23-10-2014, tức là sau 7 tháng bị bắt, Phương mới nhận hành có thêm Nguyễn Văn Hoành là em ruột của Thúy cùng tham gia làm giả hiện trường tại thôn Lâm Xuân. Tuy vậy, Phương vẫn không khai biết gì về nguồn gốc hài cốt, di vật. 

Tiếp tục củng cố chứng cứ, đến ngày 19-11-2014, cơ quan ANĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hoành (trú tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Vào thời điểm này, đối tượng Hoành vừa bị Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội), bắt quả tang khi đang trộm cắp tài sản... Những nhận định của cơ quan ANĐT là chính xác, đối tượng Hoành sau đó đã khai báo sự thật vụ án mà các bị Thúy, Phương và Duyên chưa hề khai báo gì. 

Từ lời khai của Hoành, cơ quan điều tra tập trung lực lượng, phương tiện mở rộng điều tra vụ án đã lần lượt khởi tố, bắt các bị can: Nguyễn Trường Sơn (con rể Duyên) tại Sóc Sơn và Nguyễn Anh Chiều (con rể Duyên) trú tại Đông Anh, Hà Nội và Vũ Đức Chung, cán bộ quản trang Nghĩa trang liệt sỹ hyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum.

Sau khi chấp hành xong bản án phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng trở về địa phương năm 2008, Nguyễn Văn Thúy cùng vợ là Mẫn Thị Duyên tiếp tục hành nghề tâm linh, tìm kiếm mồ mả, hài cốt cho những ai có nhu cầu nhằm mục đích kiếm tiền.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Duyên, Thúy lôi kéo Hoành cùng tham gia vào thực hiện tội phạm bằng thủ đoạn mua tiểu sành cũ và giao cho Hoành đem chôn làm giả nơi có mồ mả, hài cốt.

Sau đó, Thúy và Duyên đứng ra “tìm kiếm” bằng cách sử dụng phương thức “quy vong”, “nhập vong” để người bị nhập vong đi theo hướng Thúy xác định, còn Duyên đi sau lưng người bị nhập vong để “dẫn vong”, “dỗ vong” hỗ trợ cho Thúy “điều khiển vong” đến được khu vực hiện trường đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, các đối tượng chờ đợi đến thời điểm chiều tối, ban đêm mới khai quật để tránh bị phát hiện làm giả.

Đến năm 2010, có nhiều người đặt vấn đề nhờ Thúy tìm hài cốt của người thân là liệt sỹ hy sinh tại các tỉnh phía Nam, từ đó Thúy - Duyên nhận thêm việc “tìm kiếm” hài cốt liệt sỹ theo một kịch bản được dàn dựng sẵn.

Mỗi trường hợp đến nhờ tìm hài cốt, Thúy đều yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sỹ như họ, tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh... đồng thời thỏa thuận giá cụ thể với họ, trong đó phải đặt lễ trước lên điện thờ của nhà Thúy từ 10 đến 15 triệu đồng để Thúy thắp hương xin “thánh mẫu” và đợi đến khi “Thánh mẫu cho phép” tìm được nơi có hài cốt thì Thúy sẽ gọi điện báo và hẹn thời gian, địa điểm gặp, tổ chức cất bốc.

Sau khi tìm và cất bốc xong hài cốt thì phải đưa thêm cho Thúy từ 100 triệu đồng trở lên gọi là lễ tạ. Giai đoạn này, Thúy và Duyên lôi kéo thêm Nguyễn Anh Chiều, Mẫn Đức Phương và Nguyễn Trường Sơn cùng tham gia và tổ chức cho các đối tượng Hoành, Chiều, Phương và Sơn thực hiện việc lấy trộm hài cốt trong các ngôi mộ và di vật giả tại địa phương mà sau này, Thúy cho rằng mình đã “soi” thấy và nhận “tìm kiếm, cất bốc” cho thân nhân của các liệt sỹ để chiếm đoạt tiền của họ...

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan ANĐT đã khởi tố thêm với Phương tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thúy và Duyên về tội xâm phạm mồ mả, hài cốt.

Đây là vụ án truy xét với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến lĩnh vực tâm linh... Quá trình đấu tranh, cơ quan điều tra chứng minh, Thúy cùng với các đối tượng đã chiếm đoạt của Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam 7 tỷ đồng và chiếm đoạt của 8 gia đình thân nhân liệt sỹ với tổng số hơn 1 tỷ đồng.

Xuân Mai
.
.
.