Đại án Phạm Công Danh: “Soi” gói vay đã gây thiệt hại 1.740 tỷ đồng cho VNCB

Thứ Năm, 18/01/2018, 09:00
Ông Danh khai đã dùng 600 tỷ đồng trả cho bà Phấn; chi 200 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB; chi gần 400 tỷ đồng lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh, một phần Danh sử dụng cá nhân và trả nợ cho một số công ty nhưng không nhớ cụ thể.


Ngày 17-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh; Trầm Bê (59 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank và 44 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo, người liên quan đến gói vay 1.666 tỷ đồng của TPBank, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Trả lời tại toà, bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận chủ trương vay vốn tại TPBank về bản chất là cấp tín dụng vòng từ VNCB sang Thiên Thanh thông qua TPBank và các công ty là sai quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Về nghiệp vụ cũng sai, vì chứng thư bảo lãnh phải có điều kiện nhận các khoản nợ về và phải trích lập dự phòng. 

Tuy nhiên, như ông Mai khai trước đó, thời điểm này do cần tiền chăm sóc khách hàng, trả tiền cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Dr Thanh, nên ông Danh đã chỉ đạo cho ông tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB. Để thực hiện việc vay tiền và bảo lãnh, ông đã nhờ Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt) hỗ trợ giúp.

Tham gia xét hỏi tại toà, luật sư Hà Hải (bào chữa cho Phạm Công Danh) đã hỏi bị cáo Danh về đường đi của dòng tiền này sau khi được TPBank giải ngân. Ông Danh khai số tiền trên đã dùng 600 tỷ đồng trả cho bà Phấn; chi 200 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB; chi gần 400 tỷ đồng lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh, một phần Danh sử dụng cá nhân và trả nợ cho một số công ty nhưng không nhớ cụ thể.

Trả lời câu hỏi của luật sư lý do trả hơn 600 tỷ đồng cho bà Hứa Thị Phấn, Danh khai 600 tỷ đồng nằm trong khoản tiền hơn 3.500 tỷ đồng ông ta thỏa thuận trả cho bà Phấn để nhận một số tài sản mà nhóm bà Phấn đang cầm cố tại ngân hàng. 

Tuy nhiên, sau khi trả khoản tiền trên ông ta không lấy được tài sản. Vì vậy, ông Danh kiến nghị HĐXX không chỉ thu hồi 600 tỷ đồng này mà thu hồi luôn hơn 3.500 tỷ đồng mà ông ta đã phải trả cho nhóm bà Phấn thông qua tài khoản của bà Phấn.

Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn vào phòng xử.

Về khoản chi trả cho nhóm Dr Thanh khoảng 400 tỷ đồng, trong đó có khoảng 195 tỉ đồng chuyển vào tài khoản của ông Trần Quí Thanh và hơn 46 tỉ đồng chuyển khoản cho bà Trần Ngọc Bích như ông Danh khai, tại toà, đại diện ủy quyền của bà Bích thừa nhận có nhận tiền nhưng đây là tiền do Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi, đã bị khởi tố ở một vụ án khác, đang bị truy nã) trả nợ cho bà Bích. 

Còn khoảng 159 tỉ đồng chi lãi suất ngoài cho ông Thanh, ông Danh khai sau khi rút tiền mặt ra đã trả trực tiếp cho ông Thanh, nhưng tại toà đại diện ông Thanh không thừa nhận có nhận khoản tiền này.Số tiền còn lại của khoản vay này, HĐXX cũng làm rõ đã chi 200 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB, trả lương cho nhân viên 147 tỉ đồng, trả nợ cho một số công ty ngoài...

Tương tự như lời khai của ông Danh, trước đó tại toà, các cấp dưới của ông Danh như Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) cũng có lời khai như trên về đường đi của dòng tiền 1.666 tỷ đồng đã vay tại TPBank, đồng thời kiến nghị HĐXX thu hồi toàn bộ số tiền đã chi trả trên để khắc phục hậu quả.

Cũng trong phần xét hỏi, để làm rõ quy trình cho vay gói tín dụng trên, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã mời hai lãnh đạo TPBank lên tham gia thẩm vấn. Tuy nhiên, do hai người này vắng mặt nên HĐXX đề nghị các luật sư sử dụng lời khai của những người này tại cơ quan điều tra. Vì vậy, các luật sư đã công bố lời khai của hai ông này trước đó tại cơ quan điều tra.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, khoảng tháng 5-2013, Đặng Thị Bích Thuỷ (nguyên Giám đốc Trung tâm Kinh doanh hội sở TPBank báo cáo có khách hàng cần vay vốn đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung, tài sản đảm bảo là trái phiếu của chính hai đơn vị này, có bổ sung thêm tài sản đảm bảo, bảo lãnh bằng tiền gửi của VNCB tại TP Bank. 

Sau khi xem xét nội dung tờ trình về các điều kiện vay vốn, thấy các khoản vay được đảm bảo bằng trái phiếu, ngoài ra còn được bảo lãnh bằng tiền gửi nên ông Hưng nhất trí phê duyệt khoản vay đối với 11 công ty nói trên với tư cách là thành viên uỷ ban tín dụng. 

Tuy nhiên, quá trình quản lý sử dụng vốn vay, ông nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả thư của một số cổ đông VNCB gửi đến TPBank, trong đó có một số tài liệu, thông tin liên quan đến VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh mà xét thấy có thể gây rủi ro cho TPBank nên ông đã báo cáo Uỷ ban tín dụng về nội dung trên. Sau đó, Uỷ ban tín dụng thống nhất, chỉ đạo bộ phận chức năng của TPBank thu hồi nợ trước hạn các khoản vay trên từ nguồn tiền gửi của VNCB tại TPBank. 

Trả lời câu hỏi: “Việc thu hồi nợ có được VNCB có đồng ý hay không?”, ông Hưng cho biết, trước khi thu hồi nợ, TPBank có văn bản thông báo thu hồi nợ trước hạn gửi 11 công ty nhưng 11 công ty không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, đồng thời TPBank cũng gửi công văn thông báo cho VNCB biết nhưng không nhận được phản hồi. Do đó, TPBank đã tiến hành thu hồi nợ bằng cách xử lý tài sản đảm bảo, bảo lãnh là các hợp đồng tiền gửi của VNCB tại TPBank theo cam kết của hợp đồng cầm cố đã ký.

Về câu hỏi: “Trước khi cho 11 công ty trên vay tiền để đầu tư trái phiếu và dùng tiền gửi của VNCB làm tài sản đảm bảo, có biết VNCB đang tái cơ cấu và đang bị kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước hay không?”, ông Hưng khai, chỉ biết VNCB đang tái cơ cấu nhưng không biết đang bị kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Ông cũng không biết ông Danh là chủ tịch ngân hàng này và không có quan hệ gì với ông Danh.

Về cuộc họp giữa TPBank và VNCB bàn về việc TPBank thu hồi nợ trước thời hạn 11 công ty từ hợp đồng tiền gửi của VNCB tại TPBank, ông Hưng cho biết có tham gia do ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Chánh thanh tra giám sát Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó chủ trì) triệu tập hai ngân hàng. 

Tại cuộc họp này, có đại diện ngân hàng, thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội và chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của hai ngân hàng tham dự. Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước có đề nghị hai ngân hàng tự thoả thuận, bàn bạc với nhau và TPBank giúp VNCB bằng cách khôi phục lại các hợp đồng tiền gửi của VNCB tại TPBank hoặc kéo dài thời hạn các khoản vay để VNCB có thời gian trả nợ nhưng TPBank không nhất trí.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cũng có lời khai tương tự như ông Hưng tại cơ quan điều tra.

A.Huy
.
.
.