Ngày thứ 6 xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ocean Bank:

Cựu Chủ tịch Oceanbank thừa nhận có chủ trương chi lãi ngoài

Thứ Hai, 06/03/2017, 17:32
Các công ty của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị tố là đã nhận tiền lãi suất ngoài - “chăm sóc khách hàng” của Ocean Bank, nhưng khi vụ án xảy ra đã không hoàn trả lại cho ngân hàng này. 

Sang ngày xét xử thứ sáu (6-3), HĐXX dành nhiều thời gian để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà và các luật sư bào chữa tham gia xét hỏi các bị cáo và đại diện các tập thể, cá nhân liên quan.

Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm thừa nhận, có chủ trương chi lãi ngoài. Tuy nhiên với vai trò là người quản lý, không trực tiếp thực hiện nên bị cáo không cụ thể đã chi số tiền lãi suất ngoài cho các tập thẻ và cá nhân là bao nhiêu. 

Vấn đề này, cựu Tổng Giám đốc Ocean Bank Nguyễn Minh Thu trình bày “Việc chi lãi ngoài chia làm hai phần, một là chăm sóc khách hàng lớn thì có một số người trực tiếp thực hiện như tôi, chị Nguyễn Thị Minh Phương, cựu Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank. Đa số khách hàng lớn đều là các công ty thuộc ngành dầu khí. Ngoài ra, tiền chi chăm sóc khách hàng còn thực hiện đối với các cá nhân. Việc chi tiền chăm sóc khách hàng được lãnh đạo Ocean Bank  chỉ đạo truyền đạt tới lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống”. 
Ông Nguyễn Tuấn Hùng (đại diện PVEP)...

Lý giải về việc chi lãi ngoài hợp đồng, bị cáo Thu cho hay “Cuối năm 2012, theo chủ trương của Thắm, Ocean Bank mở rộng sang bán lẻ. Thời điểm đó, Thắm ký quyết định phân quyền cho ban điều hành và tôi được phân công khối nguồn vốn. Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp sẽ hoạt động theo ngành dọc và phần chi lãi ngoài tập trung vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như các công ty con của tập đoàn này”. 

Bị cáo Nguyễn Trà My, cựu Phó Giám đốc Oceanbank- chi nhánh Thăng Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ocean Bank, bị cáo đã chi chăm sóc khách hàng cho Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) số tiền 11 tỷ đồng.

Khi HĐXX cho đối chất, đại diện PVEP là ông Nguyễn Tuấn Hùng phủ nhận việc đã nhận tiền chăm sóc khách hàng như bị cáo My khai. Theo ông Hùng, PVEP không làm việc với chị My, dù họ nhiều lần gửi tiền vào Ocean Bank- chi nhánh Thăng Long, trong đó có những hợp đồng đến 200 tỷ đồng, có hợp đồng khoảng 5 tỷ đồng. “Từ tháng 9- 2011 đến năm 2014, tôi không nhận bất cứ khoản tiền nào của Ocean Bank”, ông Hùng nói. 

Nhưng bị cáo My vẫn khẳng định đã trực tiếp chi trả lãi ngoài cho PVEP số tiền 11 tỷ đồng. “Việc đưa trả tiền lãi suất ngoài diễn ra rất nhanh chóng, mỗi lần đưa tiền không quá 30 giây”, bị cáo My khai. 

Một doanh nghiệp khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPOWER) cũng bị My tố đã nhận tiền chăm sóc khách hàng của Ocean Bank ba lần, trị giá hơn 2,2 tỷ đồng.

Tương tự như lời khai của đại diện PVEP, đại diện PVPOWER là bà Tạ Thị Minh Nguyệt cho biết, từ năm 2009- 2014, doanh nghiệp này có nhiều hợp đồng vay tiền và gửi tiền tại Ocean Bank. 

Theo bà Nguyệt, quá trình giao dịch không thông qua Công ty cổ phần BSC Việt Nam (doanh nghiệp của Hà Văn Thắm) mà tất cả đều đàm phán trực tiếp với Ocean Bank. Về việc không nhận tiền “chăm sóc khách hàng” từ Ocean Bank, bà Nguyệt giải thích rằng, do doanh nghiệp này đã hưởng lãi suất kịch trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nên không có căn cứ để nhận lãi ngoài hợp đồng.

Khi mà hai đại diện của PVEP và PVPOWER phủ nhận việc đã nhận tiền lãi suất ngoài của Ocean Bank thì một số công ty khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn lại tiền nhận lãi suất ngoài cho Ocean Bank. Điều này được các nhân viên của Ocean Bank khai rõ trước Toà. Tuy nhiên, số tiền mà các công ty hoàn trả lại là không lớn. 

...và bà Tạ Thị Minh Nguyệt (đại diện PVPOWER) đều phủ nhận doanh nghiệp của mình không nhận lãi suất ngoài của Ocean Bank.

Trong khi các cựu lãnh đạo của Ocean Bank và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch thừa nhận đã thực hiện trả lãi suất ngoài cho khách hàng thì cựu Tổng Giám đốc Ocean Bank Nguyễn Xuân Sơn vẫn không nhận tội. 

Bị cáo Sơn khai “Thời điểm tôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc thì Ocean Bank không thực hiện trả lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng. Tôi chỉ thực hiện chính sách phát triển khách hàng, chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh”. 

Trả lời thẩm vấn liên quan đến hành vi làm thất thoát khoản vay 500 tỷ đồng đối với Công ty Trung Dung (Công ty con của bị án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng- Chủ tập HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh), bị cáo Thắm cho rằng, Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Ocean Bank. 

Lý do được Thắm giải thích, đối với khoản tiền 500 tỷ đồng cho Danh vay thông qua Công ty Trung Dung được sử dụng bằng tài sản đảm bảo là 250 tỷ đồng tiền ảo vốn điều lệ của Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung. 

Trên thực tế, Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung chỉ là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh được dựng lên làm Tổng Giám đốc để Danh thực hiện các kế hoạch phía sau. Ngoài ra, còn có 5 tài sản đảm bảo khác liên quan đến hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà tại hai dự án ở tại TP Hồ Chí Minh. 

“Nhưng do vẫn lăn tăn về tài sản đảm bảo nên bị cáo đã yêu cầu phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đại Tín, bao giờ có chứng từ gốc mới giải ngân”, Thắm khai.

Phản pháo lời khai của Thắm, bị án Danh trình bày “Tôi không hề biết về thủ tục cho vay đối với khoản tiền này. Sau khi giải ngân khoản tiền này, tôi có gặp Thắm nhưng cũng chưa được nghe nói việc giải ngân số tiền này là đúng hay sai”. 

Theo bị án Danh, 500 tỷ đồng hiện vẫn còn ở trong Ngân hàng TMCP Đại Tín. “Nếu khoản tiền này cho vay sai quy định, không có cơ sở pháp lý thì đề nghị chuyển trả lại tiền cho Ocean Bank”, bị án Danh nói. 

Về khoản tiền 69 tỷ đồng có được từ dịch vụ thu phí thông qua Công ty BSC Việt Nam (công ty sân sau của Thắm), Thắm khai, dùng số tiền này để chi cho Nguyễn Xuân Sơn chăm sóc khách hàng thuộc ngành dầu khí.

Nguyễn Hưng
.
.
.