Ngày thứ 4 xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm:

Cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn khai những người hưởng lợi từ Oceanbank

Thứ Hai, 23/04/2018, 15:25
Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, sáng 23-4, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm. 

Hầu toà ở phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank giữ nguyên kháng cáo 2 tội danh là tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Sơn cũng kháng cáo về bồi thường dân sự đối với tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Sơn bị tuyên phạt tử hình đối với 3 tội danh trên. Trả lời thẩm vấn Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trình bày kháng cáo kêu oan như trong đơn đã gửi Toà án cấp phúc thẩm trước đó. Bị cáo Sơn kêu oan với lý do “Bị cáo không tham ô tài sản vì đây là vụ án kinh tế liên quan đến hành vi chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo cũng vi phạm điều này nhưng lại bị quy kết tới 3 tội danh là không phù hợp”. 

Bị cáo Hà Văn Thắm

Trong phần trình bày, bị cáo Sơn cũng khai ra tên và địa chỉ của các cá nhân đã nhận tiền chi lãi ngoài do bị cáo trực tiếp đưa và đề nghị Hội đồng xét xử không quy kết bị cáo lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã nhận định. 

Hội đồng xét xử hỏi Nguyễn Xuân Sơn “Bị cáo có chứng minh được toàn bộ số tiền mà bị cáo Hà Văn Thắm đưa cho bị cáo được chuyển đúng địa chỉ không?”. Bị cáo Sơn trả lời “Bị cáo chứng minh được điều này vì những việc bị cáo đã  làm là có thật. Sự thật không chỉ ở lời nói của bị cáo mà sự thật còn thể hiện ở bằng chứng là những người nhận. Những người đó là ai thì bị cáo đã khai rõ sau phiên toà sơ thẩm. Bị cáo vẫn nhớ chi tiền cho ai trong điều kiện, thời gian và hoàn cảnh nào”.

“Tại sao bị cáo lại khai sau phiên tòa sơ thẩm chứ không phải khai trong quá trình điều tra và tại phiên toà sơ thẩm?”, Hội đồng xét xử hỏi. Bị cáo Sơn trình bày “Vì sau phiên tòa sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm đã kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ việc bị cáo đã chi tiền cho những ai nên bị cáo đã khai rõ, đầy đủ, bất kể người đó là ai. Bị cáo cáo khẳng định một lần nữa là những lời khai của bị cáo đều là thật vì bị cáo khai trong tình trạng bị cáo bị tuyên án tử hình rồi thì việc gì phải che giấu nữa”. 

Hội đồng xét xử hỏi “Nếu để bị cáo thể hiện sự tích cực khắc phục hậu quả thì bị cáo sẽ làm thế nào?”. Bị cáo Sơn trả lời “Trong các bản khai tại cơ quan điều tra, bị cáo đã đề nghị được dùng các tài sản của bị cáo đã bị kê biên và cả những tài sản hình thành cách đây 20 năm, gồm cả cổ phiếu và nhà cửa cũng sẽ được bán đi để khắc phục hậu quả. Bị cáo chỉ xin giữ lại căn nhà gia đình bị cáo đang ở cùng với mẹ vợ bị cáo. Vì căn nhà này phần lớn là tiền của mẹ vợ bị cáo”.

Bản án sơ thẩm xác định, trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ Oceanbank có 20% là tiền của Nhà nước do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn, tương ứng là hơn 49 tỷ đồng. Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này nên hành vi của bị cáo đã cấu thành tội tham ô tài sản. Đây là số tiền được xác định là do Sơn tham ô và đó là khoản tiền thuộc sở hữu Nhà nước do PVN đại diện quản lý. 

Vì thế PVN có yêu cầu được nhận lại tiền nên Toà án cấp sơ thẩm  buộc Sơn phải bồi thường số tiền này cho PVN. Liên quan đến hành vi tham ô tài sản của Sơn, Hà Văn Thắm là người chấp thuận yêu cầu đòi chi tiền của Sơn và chỉ đạo cấp dưới lấy tiền từ Oceanbank để chi và Sơn chiếm đoạt hơn 49 tỷ đồng. Thắm được xác định là đã đồng phạm giúp sức cho hành vi tham ô tài sản của Sơn.

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hà Văn Thắm tỏ ra băn khoăn khi cho rằng , nếu Toà án cấp sơ thẩm xác định PVN được đền bù thì các cổ đông khác cũng phải được đền bù. “Bị cáo sở hữu hơn 62% cổ phần ở Oceanbank, nếu các cổ đông được đền bù thì bị cáo sẽ được nhận khoảng 1.000 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại”, Thắm khai. 

Nhưng bị cáo Thắm cho rằng, thiệt hại trong vụ án này là Oceanbank thiệt hại chứ không phải cổ đông của Oceanbank thiệt hại. Lý do được bị cáo Thắm giải thích, tiền chi để chăm sóc khách hàng là không thiệt hại vì số tiền đã chi để làm lợi cho Oceanbank. Nhưng người đưa tiền để “chăm sóc khách hàng” mà người cầm tiền số tiền này lại “giữ lấy sử dụng cá nhân” thì đó là thiệt hại. “Chi lãi ngoài là chi trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ là thiệt hại phi vật chất.

Nếu Hội đồng xét xử xác định là thiệt hại thì vẫn có thể thu hồi 66 tỷ đồng mà Oceanbank đã chi cho 51.000 người là khách hàng cá nhân. Và hoàn toàn có thể đòi được những khách hàng này vì có đầy đủ địa chỉ của họ. Bị cáo được biết Oceanbank có văn bản cấm các chi nhánh thu hồi tiền đã chi lãi ngoài cho các khách hàng”, bị cáo Thắm nói. 
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Theo quan điểm của bị cáo Thắm, ai hưởng lợi số tiền của Oceanbank thì người đó phải bồi hoàn lại cho Oceanbank. Ai hưởng lợi thì sẽ do Hội đồng xét xử phán quyết vì các bị cáo đã cung cấp rõ ràng cho Hội đồng xét xử tên và địa chỉ của những người hưởng lợi của Oceanbank.

“Bị cáo đưa ra minh chứng cụ thể là anh Nguyễn Hồng Quân, cựu Giám đốc Oceanbank, chi nhánh Cà Mau đã thu lại 100% tiền đã chi lãi ngoài (còn gọi là “chăm sóc khách hàng”). Vì thế việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phải bồi hoàn thiệt hại là tiền chi lãi ngoài thì những người đã trả lại tiền nhận lãi suất ngoài sẽ thấy không công bằng. Và họ có thể đòi lại số tiền đó thì ai sẽ là người trả cho họ”, bị cáo Thắm trình bày. 

Hà Văn Thắm nói tiếp “Bị cáo là chủ sở hữu nắm giữ hơn 60% cổ phần tại Oceanbank nhưng lại không nhận được thông báo của Nhân hàng Nhà nước về việc Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm làm rõ quan hệ pháp luật về việc mua Oceanbank với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước. Quan điểm của bị cáo là phải bán ngân hàng với giá từ 6.000 đến 7.000 tỷ đồng chứ không thể bán với giá 0 đồng được”.

Hội đồng xét xử giải thích với bị cáo Thắm rằng “Bị cáo có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc mua Oceanbank với giá 0 đồng. Còn ở phiên tòa này không bàn đến chuyện đó nên không sa đà vào việc mua 0 đồng để tránh mất thời gian.

Nguyễn Hưng
.
.
.