Những chuyên án đi cùng năm tháng:

Cú đánh thần tốc vào băng nhóm tội phạm Dũng 'mặt sắt'

Thứ Sáu, 14/08/2015, 09:13
Sau khi băng nhóm của anh em Phương “Ninh hột” bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá thì Hà Tuấn Dũng, tức Dũng “mặt sắt”, đã cướp thời cơ để vươn lên thành “ông trùm bao biên” ở khu vực này. Chúng lộng hành, buôn lậu những mặt hàng cấm để thu lợi cực lớn. Khi lực lượng Cảnh sát 113 - tổ công tác đặc biệt của Tổng cục Cảnh sát thần tốc ra quân triệt phá toàn bộ băng nhóm Dũng “mặt sắt” thì nhiều người dân vùng biên mới thở phào nhẹ nhõm…

Dũng “mặt sắt” là ai?

Những năm trước đây, Dũng “mặt sắt” chỉ là kẻ lang thang, làm thuê trong các nhóm cửu vạn ở khu vực đường biên. Hắn từng tham gia một nhóm chuyên cướp tài sản ở đường biên, nhằm vào các khách du lịch người Trung Quốc. Sau khi vụ việc bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, Dũng và đồng bọn bị bắt giữ và xử án. Khi ra tù, Dũng vẫn chưa có “số má” gì ở cái đất Quảng Ninh nổi tiếng nhiều dân anh chị. 

Tuy nhiên, Dũng “mặt sắt” có một tính cách khá đặc biệt, đó là rất nhẫn nhịn, chờ thời. Hễ có “ông trùm” nào nổi lên ở khu vực vùng biên này là Dũng đến xin làm “đàn em”. Mà hắn rất chịu làm “đàn em” ngoan, nhưng sẵn sàng ngay sau đó phản chủ để làm “ông trùm”. Vụ việc với anh em nhà Phương “Ninh hột” cũng vậy. 

Bao năm, Dũng “mặt sắt” đã chịu sự sai khiến của anh em nhà Phương. Nhưng khi thấy đủ khả năng, hắn liền câu kết với Nguyễn Hữu Vinh, tức Vinh “mặt trắng”, em rể của Dũng, để đánh bằng với anh em ông trùm Phương “Ninh hột”, đòi chia địa bàn “bao biên”. Đến khi anh em Phương “Ninh hột” bị bắt giữ và đưa ra xét xử, Dũng “mặt sắt” lập tức leo lên ngôi “ông trùm” đường biên. 

Dũng “mặt sắt”.

Dũng “mặt sắt” đã thu nạp rất nhiều đệ tử thuộc giới giang hồ ở Quảng Ninh và Hải Phòng, kể cả các đệ tử trước đây dưới trướng Phương “Ninh hột” để gây “oai” và sẵn sàng tham gia các cuộc thanh toán lẫn nhau. Băng nhóm của Dũng “mặt sắt” dần dần thâu tóm các hoạt động của “thế giới ngầm” tại Móng Cái. 

Để trở thành “ông trùm bao biên”, Dũng “mặt sắt” và đồng bọn đã giở rất nhiều chiêu trò để buộc các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng lậu qua biên giới phải nộp tiền “bảo kê” cho chúng. Nếu không, các doanh nghiệp này sẽ gặp cảnh khốn đốn do Dũng chỉ đạo đàn em thực hiện. 

Chẳng hạn, các chủ hàng vận chuyển vải từ Trung Quốc về Việt Nam, nếu không nộp tiền cho Dũng “mặt sắt” thì bị hắn cho đàn em đổ dầu luyn chan chứa lên các xấp vải. Một chiêu nữa của Dũng “mặt sắt” là báo cho cơ quan chức năng bắt các chuyến hàng vận chuyển trái phép qua biên giới mà không nộp tiền bảo kê cho Dũng. Dân buôn ở Móng Cái nhiều người rất căm hận băng nhóm của Dũng “mặt sắt”, bởi tên trùm này “lòng tham vô đáy”, mức lệ phí hắn đặt ra cho các lô hàng muốn được qua biên trót lọt rất cao…

Cuộc chiến lúc nửa đêm

Để có thể triệt phá được băng nhóm của Dũng “mặt sắt”, các cán bộ, chiến sỹ của Cục Cảnh sát hình sự đã phải đằng đẵng theo đuổi chuyên án này từ năm 2008. Ngay trước thời điểm triệt phá băng nhóm của Phương “Ninh hột”, các trinh sát đã đặc biệt chú ý đến Dũng “mặt sắt”, bởi bản chất lưu manh và ghê gớm của hắn. 

Tuy nhiên, Dũng “mặt sắt” không phải kẻ dễ nhận diện, hắn là kẻ cực kỳ khôn ngoan, có mối quan hệ khá rộng, lại ẩn mình khá tốt bằng cách chỉ đứng đằng sau, chỉ đạo đám đàn em phạm tội. Một vài cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự còn gặp phen khốn đốn khi hắn cho đàn em dò được tên và tung tin thất thiệt đã “mua” được, “điều khiển” được hòng gây nghi kị, chia rẽ, vô hiệu hóa tổ chức tấn công chúng…

Cống thoát nước tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, nơi các đối tượng vận chuyển trái phép xe ôtô qua biên giới.

Năm 2012, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã quyết định thành lập Ban chuyên án đấu tranh với các hoạt động phạm tội của băng nhóm Dũng “mặt sắt”. Trưởng ban chuyên án là Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Lực lượng tham gia chủ công là các trinh sát, điều tra viên của Cục Cảnh sát hình sự, Văn phòng cơ quan CSĐT, được tuyển chọn vào Tổ ĐB-113. Ròng rã nhiều tháng, các trinh sát, điều tra viên đã phải bám trụ ở địa bàn Móng Cái để thu thập các tài liệu về hành vi phạm tội của băng nhóm Dũng “mặt sắt”. 

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Tổ phó Tổ ĐB-113 cho biết, chính vì Dũng “mặt sắt” có “mối quan hệ”, lại rất manh động và liều lĩnh nên công tác xác minh, điều tra của các trinh sát rất vất vả và nguy hiểm. Các trinh sát luôn phải cực kỳ bí mật, theo sát và thu thập tài liệu về các đối tượng giang hồ cộm cán trong băng nhóm của Dũng “mặt sắt”. Nếu không có bản lĩnh, sự dũng cảm và nghiệp vụ cao thì khó có thể thu được kết quả. 

“Để “bóc trần” được băng nhóm này, điều quan trọng nhất là phải chứng minh được rõ ràng hành vi phạm tội của bọn chúng. Đó là một việc làm mất rất nhiều thời gian và trí lực. Chẳng hạn, để chứng minh các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép ôtô qua biên giới, nhóm điều tra viên chúng tôi phải tìm được chứng cứ quan trọng nhất, đó chính là số Vin thực tế của xe không đúng với số Vin mà các doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ tạm nhập, tái xuất với cơ quan hải quan” - Thượng tá Sơn cho biết. 

Nhưng để làm được điều này, suốt 6 tháng ròng rã, các điều tra viên phải “lang thang” ở các đơn vị hải quan thuộc khu vực biên giới để tìm hiểu về bản chất của việc buôn lậu qua đường tạm nhập, tái xuất, bản chất của số Vin… Để đảm bảo bí mật của chuyên án, họ không thể làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng như bình thường. Thậm chí, nhiều lần, các anh tự lần mò ra các bãi xe, chui vào gầm xe để quan sát các số Vin, tìm hiểu việc các đối tượng có thể làm sai lệch số Vin như thế nào?…

Đến đầu tháng 5/2013, sau khi nắm chắc nguồn tin về việc băng nhóm Dũng “mặt sắt đang có hành vi vận chuyển trái phép ôtô qua biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Ban chuyên án quyết định cho phá án. Đêm 5/5/2013, Tổ ĐB-113 phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai kế hoạch bắt giữ các đối tượng tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Bởi đây là nơi các đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển từng chiếc ô tô qua đường cống ngầm thoát nước sang Trung Quốc. 

Khoảng 23h58, các lực lượng tham gia phá án bắt đầu lặng lẽ di chuyển về khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Đường vào cửa khẩu Bắc Phong Sinh độc đạo, cách địa điểm bọn chúng vận chuyển ôtô 5km, chúng đã để một chiếc ôtô to chình ình chắn ngang đường không cho các phương tiện khác đi qua. Chính vì thế, bắt đầu từ đoạn này, để đảm bảo bí mật, bất ngờ, tất cả lực lượng tham gia phá án phải dùng sức để vác súng AK… chạy bộ. Tự nhiên, trời lại đổ mưa, nước mưa ào ạt ướt sũng quần áo các cán bộ tham gia phá án. Nhưng không ai kịp nghĩ cho mình, tất cả đều dốc lực để tiếp cận thật nhanh khu vực các đối tượng đang tập kết và vận chuyển hàng trái phép.

Khi phát hiện ra lực lượng Công an, các đối tượng bỏ chạy tán loạn. Những lực lượng tham gia phá án như những gọng kìm bủa vây tứ phía. 14 đối tượng nhanh chóng bị bắt giữ. Chúng khai nhận đang sửa chữa, lắp bánh, bơm lốp, đổ xăng, gắn biển kiểm soát của Trung Quốc vào từng xe ô tô để đưa sang Trung Quốc theo đường cống. Trước khi bị bắt giữ, bọn chúng đã đưa trót lọt 7 xe ô tô qua đường biên giới giao cho đối tượng ở phía bên kia.

Trong số 22 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án này, có 13 bị can thuộc Công ty Tuấn Đông do Dũng “mặt sắt” làm Giám đốc, có “trợ thủ đắc lực” Bùi Thị Phương, tức Lỵ, vợ của Dũng “mặt sắt”. Còn Dũng “mặt sắt” cùng 3 đối tượng khác đang trốn truy nã. Khi gã trùm này vẫn chưa sa lưới pháp luật, công việc của các trinh sát, điều tra viên tham gia chuyên án vẫn chưa thể kết thúc, vẫn còn những ngày tháng theo đuổi gian truân. 

Thế nhưng, với những gì các anh đã làm được, có thể tự hào rằng, họ đã san phẳng được một tổ chức tổ phạm nguy hiểm ở đường biên, góp phần đem lại sự ổn định cho nơi này; đồng thời khiến các hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở các cửa khẩu tại Quảng Ninh, cũng như các tỉnh biên giới khác phải chấn chỉnh theo đúng quy định của Bộ Công Thương và UBND tỉnh.

Nhật Quang
.
.
.