Liệu có thu hồi được những tài sản 'khủng' của Giang Kim Đạt ở nước ngoài?

Thứ Bảy, 18/07/2015, 16:48
Đến thời điểm này, Cơ quan điều tra đã làm rõ Giang Kim Đạt có ít nhất 40 bất động sản đắt tiền ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, cùng lô tài sản, biệt thự, cao cấp ở nước ngoài. Liệu có thu hồi được khối tài sản “khủng” này, đây là vấn đề dư luận đang quan tâm.

Nhiều người cũng bất ngờ về việc trong thời gian trốn truy nã tại Singapore, Giang Kim Đạt vẫn trang bị thêm hàng lô tài sản là biệt thự, căn hộ cao cấp tại đất nước này, trị giá lên đến 3,6 triệu USD. Trước đó, Đạt mua căn hộ khác tại đảo Sentosa, Singapore nhưng đã bán.

Theo CQĐT, việc đối tượng tham nhũng mua sắm tài sản trong quá trình trốn truy nã ở nước ngoài không có gì lạ, nhưng với Đạt, việc y mua số lượng tài sản lớn, lại mua đi bán lại nhiều lần cho thấy y dường như đã tin rằng, hàng tung của mình đã được an toàn. Trong thời gian sống ở đây, Đạt quan hệ tình cảm với một số phụ nữ tại các biệt thự, căn hộ cao cấp do y mua sắm.

Đối tượng Giang Kim Đạt và hồ sơ vụ án.

Vậy là, trong khi nhiều đồng phạm của Đạt đã bị bắt, xử lý, phải chấp hành án phạt tù trong trại giam mà Đạt vẫn ung dung sống cuộc sống phóng túng, giàu sang ở nước ngoài, tiêu pha hàng chục triệu USD bằng nguồn tiền tham nhũng, đó là điều không thể chấp nhận và càng buộc CQĐT nỗ lực để truy bắt y, làm rõ, để đảm bảo sự công bằng của luật pháp, kẻ tham nhũng, ăn chặn tiền bạc của nhân dân phải bị pháp luật xử lý, không thể để kéo dài cảnh phạm pháp vẫn sống xa hoa hưởng lạc như vậy.

Đó cũng chính là lý do khiến CQĐT vào cuộc tích cực, bất chấp những khó khăn, thách thức gặp phải. Đến nay, ngoài các quyết định khởi tố, tạm giam các bị can Giang Văn Đạt, Giang Văn Hiển thì nội dung quan trọng phục vụ cho việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng đã được CQĐT tiến hành: Phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản có dấu hiệu tham nhũng mà có của Đạt và người thân. 

Theo ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, sau vụ Vinashin, vấn đề cổ phần hóa tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đã được đẩy mạnh. Việc Bộ Công an bắt được Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinline có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc điều tra, xử lý vụ án mà còn khiến những bài học sau vụ Vinashin được nhắc lại, làm rõ thêm.

Trong vụ việc này, việc thu hồi tài sản trị giá 3,6 triệu USD của Giang Kim Đạt tại Singapore cũng là vấn đề được quan tâm. Hiện nay, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN đã được các quốc gia ASEAN ký vào ngày 29/11/2004 tại Kuala Lumpur, Malaysia - là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia Đông Nam Á, thể hiện sự quyết tâm chung của các nước ASEAN trong hợp tác phòng, chống tội phạm trong khu vực, nhất là tội phạm mang tính chất quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tham nhũng.

Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi trong việc triển khai thực thi Hiệp định, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý và đầu tư nhân lực, vật lực. Trước khi tham gia hiệp định này, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết hoặc phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế đa phương, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng… Do đó, trong vụ án này, chúng ta có cơ sở áp dụng hiệp định tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt khi xài tiền tham nhũng, mua sắm tài sản ở Singapore.

Từ vụ Vinashin, vụ án Giang Kim Đạt một lần nữa đặt ra bài học về cơ chế quản lý kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp. Lỗ hổng mua sắm của công còn lớn khiến một cán bộ chỉ cấp phòng, tuổi trẻ lại nghiễm nhiên ẵm số tiền hàng chục triệu USD của nhà nước dễ như thò tay rút tiền trong ví. Thứ hai là xem lại cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách minh bạch, công khai và thực chất hơn. Giàu có như Giang Kim Đạt, sở hữu tài sản kếch xù nhưng các bản kê khai tài sản đứng tên cá nhân của y thì vẫn “rất nghèo”!

Đăng Minh
.
.
.