Án mạng do dồn nén mâu thuẫn:

Cần chủ động phát hiện, giải quyết từ cơ sở

Chủ Nhật, 06/05/2018, 09:48
Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng khiến người chết, kẻ vào tù. Điều đáng nói là nạn nhân và hung thủ đều là người thân trong gia đình hoặc là hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè.


Nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn âm ỉ kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Cái chết tức tưởi của nữ sinh Trường THPT Tứ Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vào ngày 27-4 khiến dư luận đau xót, căm phẫn đối tượng gây án. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, SN 2001, trú tại Tân Mộc, huyện Lục Ngạn bất ngờ bị Lê Quốc Đạt, 22 tuổi, trú tại huyện Lục Nam dùng dao đâm nhiều nhát. 

Do vết đâm quá sâu vào chỗ hiểm khiến nữ sinh này gục ngã và tử vong ngay sau đó. Nguyên nhân của vụ án đau lòng là do Đạt và Thuỷ có quan hệ tình cảm với nhau nhưng do thấy Đạt không công ăn việc làm, tính tình hung hãn nên Thuỷ không muốn tiếp tục. 

Thêm vào đó, Đạt đi lao động ở Trung Quốc nên tình cảm càng phai nhạt, chị Thuỷ chia tay với Đạt, đồng thời đăng lên facebook ảnh đi ăn, hát với bạn nam khác. Điều này khiến Lê Quốc Đạt rất tức giận, vội vàng từ Trung Quốc về Bắc Giang níu kéo tình cảm. 

Trước khi xảy ra vụ án, đối tượng này đã nhiều lần đe doạ, thậm chí đánh nạn nhân thâm tím mặt mày nhưng không có được sự ngăn chặn kịp thời nên đã dẫn đến vụ án đau lòng trên.

Hai đối tượng giết người do nguyên nhân xã hội ở Bắc Giang.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Nhung, 56 tuổi, ở thôn Nga Trại, xã Hương Lâm, Hiệp Hoà bị đối tượng Nguyễn Văn Điệp, 31 tuổi, trú cùng thôn (là cháu họi bà Nhung bằng mợ) đâm chết cũng là vụ án điển hình do mâu thuẫn âm ỉ nhưng không được giải quyết. 

Số là, gia đình bà Nhung và gia đình Điệp có đổi đất cho nhau nhưng bà Nhung cho rằng không thoả đáng, bị nhà Điệp lừa nên thường xuyên sang nhà để chửi bới. Sự việc xảy ra đã khá lâu, ầm ĩ làng xóm nhưng hầu như không ai can ngăn, phân tích, hoà giải. 

Trưa 15-4, bà Nhung lại tiếp tục sang nhà Điệp chửi bới nên hai bên to tiếng. Sau đó, gia đình Điệp đã vào trong nhà, không nói nữa nhưng bà Nhung vẫn tiếp tục chửi mắng cả tiếng đồng hồ khiến Điệp bức xúc, dùng tuýp sắt và gạch đánh bà Nhung khiến người phụ nữ này tử vong. 

Tại cơ quan điều tra, Điệp khai rằng do bà Nhung nhiều lần sang nhà chửi bới về việc đổi đất giữa hai gia đình nên rất tức giận. Hôm đó bà Nhung còn nhổ nước bọt và thách thức có giỏi thì đánh nên Điệp không kiềm chế được mới xảy ra sự việc.      

Trước đó vài ngày, cũng vì tranh chấp đất đai mà bà Nguyễn Thị Nga (73 tuổi), ở thôn Thượng, xã Thượng Lan (Việt Yên) đã gây tội ác không ai ngờ tới. Không chỉ cắt nhiều nhát vào chân người em họ Nguyễn Đức Liên (63 tuổi), bà Nga còn liên tục cứa vào tay làm đứt các động mạnh chủ khiến ông Liên tử vong. 

Không ai có thể ngờ người phụ nữ bé nhỏ, gầy guộc, già nua đã hơn 70 tuổi lại có thể gây ra vụ án đau lòng đến thế. Lý giải cho tội ác của mình, bà Nga hối hận cho rằng, chỉ vì bức xúc lâu ngày không giải quyết được nên mới bột phát hành động như vậy.

Rồi vụ án giết chồng tại thôn Trại Mít, xã Đông Hưng (Lục Nam) xảy ra ngày 12-4 vừa qua cũng là ngọn lửa cháy âm ỉ lâu ngày bùng phát. Đối tượng là Hồ Thị Thắm, 48 tuổi đã đâm chết chồng là ông Bùi Văn Vĩnh (56 tuổi) là đỉnh điểm của mâu thuẫn bởi ông Vĩnh bị tai biến, sức khoẻ yếu lại hay rượu chè, còn Thắm thì khoẻ mạnh nên không muốn ràng buộc nhiều với ông Vĩnh. 

Chính vì vậy, Thắm thường xuyên đi lao động ở Trung Quốc, thi thoảng mới về, còn ông Vĩnh không đồng ý cho đi vì nghi ngờ Thắm có người đàn ông khác. Chính vì vậy, hai người thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã, sống li thân với nhau. Đỉnh điểm vào ngày 12-4, khi gà của Thắm sang phá rau của ông Vĩnh nên hai người cãi nhau, ông Vĩnh cầm dao doạ chém, Thắm giằng dao đâm chồng tử vong...

Trong các vụ án trên đều do mâu thuẫn xã hội kéo dài từ trước nhưng chưa được hóa giải dẫn đến nảy sinh phức tạp. Đối tượng giết người hành động trong trạng thái tâm lý bị kích động mạnh, không kiềm chế được bản thân. 

Không ít vụ bắt nguồn từ lỗi của nạn nhân gây ức chế tâm lý dẫn đến hành vi phạm tội. Tình trạng bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân gây nên các vụ án mạng, xô xát.

Công an Bắc Giang khám nghiệm vụ án giết người.

Thực tế cho thấy, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) pháp luật chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết chính quyền cơ sở nơi xảy ra các vụ án mạng đều nắm được những mâu thuẫn trước đó nhưng không quyết liệt vào cuộc giải quyết dứt điểm. 

Vì vậy, một trong những biện pháp hữu hiệu là sự vào cuộc, sớm can thiệp của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong giải quyết các vụ việc ngay từ khi phát sinh. Đại tá Lại Văn Đông, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, chỉ trong mấy tháng đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 9 vụ giết người do nguyên nhân xã hội, làm 10 người chết. 

Nguyên nhân đa phần là do bức xúc trong sinh hoạt dẫn đến mâu thuẫn kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời. 

Anh viện dẫn: “Điển hình như vụ đối tượng Điệp sát hại bà Nhung ở Hiệp Hoà, chúng tôi đã trích xuất camera cho thấy bà Nhung chửi bới gia đình Điệp hàng tiếng đồng hồ, ầm ĩ làng xóm nhưng không ai can ngăn nên dẫn đến sự việc đau lòng. Vụ vợ giết chồng hay chị dâu giết em họ cũng tương tự như vậy. Việc mâu thuẫn đã âm ỉ từ rất lâu, từng nhiều lần cãi nhau nhưng chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội không quan tâm, hoà giải”.

Đại tá Lại Văn Đông cho biết, để phòng ngừa các vụ án mạng, hằng năm, Công an tỉnh đều có kế hoạch đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tuyên truyền pháp luật tới toàn thể nhân dân. 

Tăng cường tuần tra, kiểm soát công khai, giải tán các vụ tụ tập đông người, ngăn chặn các vụ việc xô xát, mâu thuẫn bột phát. 

Tuy nhiên, bên cạnh công tác phòng ngừa của lực lượng Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của quần chúng để có biện pháp ổn định tâm lý, ngăn ngừa bức xúc trong nhân dân, hoà giải mâu thuẫn khi mới phát sinh. Có như vậy mới ngăn ngừa được các vụ án đáng tiếc xảy ra.

Phương Thu
.
.
.