Lập "công ty ma" mua bán hóa đơn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Thứ Tư, 14/12/2016, 16:25
Từ đầu năm 2016 đến nay, Sơn đã bán 50 quyển hóa đơn GTGT, trị giá doanh thu ghi trên các hóa đơn khoảng trên 30 tỷ đồng, Sơn được hưởng khoảng 1,5 tỷ đồng. Còn Hiển được hưởng lợi khoảng 320 triệu đồng

Rạng sáng 14-12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, đồng thời bắt khẩn cấp 3 đối tượng gồm Phạm Hồng Sơn (53 tuổi, trú tại khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông); Tào Duy Hiển (36 tuổi, trú tại phố Phương Mai, quận Đống Đa) và Phạm Đình Đôn (23 tuổi, ở phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) về hành vi mua bán hóa đơn. 

Tài liệu điều tra ban đầu xác định, Phạm Hồng Sơn, đối tượng chính trong vụ án đã từng có thời gian làm phiên dịch tiếng Nga cho một số đoàn xuất khẩu lao động tại Cộng hòa liên bang Nga.

Lực lượng Công an niêm phong số tài liệu chứng từ hóa đơn liên quan đến vụ án.

Đến năm 2005, đối tượng này về nước, làm nghề buôn bán... Khoảng 2011, Sơn cùng một số người đã thành lập doanh nghiệp tư nhân nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ đã bỏ công ty. Tiếp những năm sau đó, thông qua mạng Internet, Hiển và Đôn đã gặp Sơn, các đối tượng bàn nhau lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn.

Bằng thủ đoạn mua gom chứng minh nhân dân tại các hiệu cầm đồ với giá từ 3-5 triệu đồng/chiếc, các đối tượng đã thông qua và thuê các công ty luật để làm thủ tục thành lập công ty.

Cụ thể, Sơn đã thành lập được 11 công ty, trong đó có Công ty 3 men 36, do Sơn quản lý và thành lập. Các công ty còn lại do Sơn lập ra cũng đều không sản xuất, kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Trong đường dây này, Hiển và Đôn thực hiện mua bán hóa đơn GTGT do sự điều khiển của Sơn.

Hóa đơn giá trị gia tăng và dấu Giám đốc của "công ty ma".

Theo quy chế, Hiển và Đôn đi tìm mối hàng chủ yếu là khách hàng cơ quan, xí nghiệp Nhà nước cần mua hóa đơn GTGT. Các đối tượng thỏa thuận, khi mua, người mua phải trích lại 5% tổng số tiền ghi trên hóa đơn, có nhiều hóa đơn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong quá trình mua bán hóa đơn, nếu Sơn tìm được mối khách hàng thì được 5%. Trong trường hợp, Hiển và Đôn giao hóa đơn trực tiếp cho khách hàng thì được hưởng 2%, trong số 5% đã trích lại. 

Đối tượng Phạm Hồng Sơn tại Cơ quan Công an.

Tại cơ quan Công an, Sơn khai nhận: Từ đầu năm 2016 đến nay đã bán 50 quyển hóa đơn GTGT, trị giá doanh thu ghi trên các hóa đơn khoảng trên 30 tỷ đồng, Sơn được hưởng khoảng 1,5 tỷ đồng. Còn Hiển khai nhận đã hưởng lợi từ việc bán hóa đơn GTGT trái phép trong thời gian vừa qua khoảng 320 triệu đồng...

Cơ quan Công an đã thu giữ 13 con dấu của 11 Công ty do Sơn thành lập; 105 quyển hóa đơn GTGT chưa ghi nội dung; 18 thùng đựng hóa đơn GTGT liên một và liên ba, tương đương với 200 quyển hóa đơn GTGT đã bán cho khách hàng.

Vụ án hiện đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đang mở rộng điều tra, làm rõ những đơn vị, cơ quan xí nghiệp đã mua hóa đơn GTGT của các đối tượng trên.

Minh Khoa - Xuân Mai
.
.
.