Đau lòng những vụ án người tâm thần sát hại người thân

Bài cuối: Làm gì để ngăn chặn

Chủ Nhật, 31/05/2015, 14:32
Bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác, nếu được phát hiện, điều trị sớm thì sẽ dễ chữa hơn, hiệu quả cao hơn, thời gian điều trị nhanh hơn, đồng thời giảm khả năng người bệnh bị mãn tính và tàn phế.
>>Bài 1: Nuôi con bị tâm thần - nỗi niềm ai tỏ!

Mặc dù người tâm thần gây án rất nghiêm trọng và phức tạp nhưng việc điều trị, chữa bệnh cho những người mắc bệnh trên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, đối với những người tâm thần, họ gây án do không nhận thức được hành vi của mình nhưng hiện tại chưa có quy định nào về việc bắt buộc người có trách nhiệm (người giám hộ) hoặc cơ quan có thẩm quyền nào phải đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở y tế điều trị để ngăn ngừa người mắc bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, cũng chưa có quy định bắt buộc cơ sở y tế phải tiếp nhận người mắc bệnh tâm thần. 

Chỉ tính riêng ở Hà Nội, hiện nay có khoảng 20 nghìn người có bệnh tâm thần đang sống ở cộng đồng. Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, mỗi năm, có khoảng 3.500 đến 4.000 lượt bệnh nhân tâm thần được điều trị. Tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần – nơi điều trị bắt buộc đối với các bệnh nhân gây án do tâm thần thường xuyên có trên dưới 100 bệnh nhân, khi các bệnh nhân này khỏi bệnh hoặc ổn định, sẽ được trả về cho gia đình hoặc giao cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, xử lí theo quy định của pháp luật.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Thịnh, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thanh Hóa – người trực tiếp điều tra nhiều vụ án do người tâm thần gây ra cho biết, đa số các vụ án do người tâm thần gây ra đều do gia đình chủ quan, giấu, không muốn để hàng xóm, người quen biết con, em mình bị bệnh tâm thần, thậm chí nhiều gia đình mê tín dị đoan cho rằng “được ăn lộc”, “bị hành” nên không chữa trị.

Một trung tâm điều trị bệnh tâm thần.

Có những người, sau khi đã đưa người tâm thần đi chữa bệnh về nhưng không tiếp tục theo dõi, uống thuốc không đều, bỏ dở thuốc; bị hắt hủi, giễu cợt, mất mát về tình cảm, danh dự… đã dẫn việc bệnh bị tái phát. Cũng có gia đình vì nghèo quá không có tiền chữa bệnh nên phó mặc bệnh tật của con, em mình cho số phận.

Chúng tôi đã trao đổi với Bác sĩ cao cấp Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ông cho biết, chi phí điều trị bệnh nhân tâm thần cũng không quá cao, so với các bệnh nội khoa khác. Trung bình, mỗi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thì mỗi tháng mất khoảng 2 triệu đồng tiền thuốc. Một số dạng bệnh được miễn phí điều trị thường xuyên. Tuy nhiên, do đa số các bệnh nhân tâm thần thường không có thẻ bảo hiểm y tế nên chi phí trên gia đình phải trả.

Đặc biệt, tại Hà Nội, bệnh tâm thần phân liệt (bệnh nặng nhất trong các dạng tâm thần) thì lại không được thanh toán vì bảo hiểm xếp bệnh này vào bệnh xã hội (các địa phương khác bảo hiểm vẫn chi trả khoản này).

Bác sỹ Tình cảnh báo, hiện nay có một số nhóm bệnh dễ dẫn đến rối loạn hành vi nặng, các gia đình có bệnh nhân bị bệnh này cần đặc biệt chú ý chữa trị kịp thời, đúng theo phác đồ điều trị. Đó là bệnh tâm thần phân liệt – người bị bệnh này nhận thức bị rối loạn nên hành vi cũng sẽ bị rối loạn; dạng thứ 2 là bệnh loạn thần do chấn thương sọ não cũng dễ dẫn đến hành vi hành hung người khác, không kiểm soát được bản thân (trường hợp đối tượng Nguyễn Trung Kiên đã đập 300 bát hương ở nghĩa trang thôn Ỷ La, Hà Đông, Hà Nội cũng từng có tiền sử bị chấn thương sọ não); dạng thứ 3 là bệnh loạn thần do tuổi già, những người này có thể gây nguy hiểm cho người khác và cho chính bản thân mình (tự sát).

Vậy, làm gì để phòng ngừa các vụ án thương tâm không đáng có do người tâm thần gây ra? Bác sĩ cao cấp Lý Trần Tình cho biết, bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác, nếu được phát hiện, điều trị sớm thì sẽ dễ chữa hơn, hiệu quả cao hơn, thời gian điều trị nhanh hơn, đồng thời giảm khả năng người bệnh bị mãn tính và tàn phế.

Đa số các loại bệnh tâm thần đều có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Chỉ riêng bệnh tâm thần phân liệt thì theo nghiên cứu có khoảng 25% số người chỉ mắc bệnh 1 lần trong trong đời (nếu được chữa sẽ khỏi bệnh hoàn toàn), 50% không khỏi hoàn toàn, lúc bị nặng, lúc bị nhẹ, 25% còn lại không chữa khỏi hẳn được.

Như vậy, rõ ràng đa số các bệnh tâm thần đều có thể chữa được, chi phí cũng không quá tốn kém, nhưng điều quan trọng nhất đó là nhận thức, ý thức của gia đình bệnh nhân về việc chữa trị cho thân nhân của mình. Trong khi đó, pháp luật quy định về việc chữa bệnh cho người bị bệnh tâm thần chưa cụ thể. Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 7/2011 về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần nhưng việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Đây cũng là một trong những khó khăn trong việc ngăn ngừa những hậu quả xấu do những người mắc bệnh gây ra. Chính vì vậy, để tránh những thảm cảnh đau lòng, trước hết, chính những gia đình có người thân mắc bệnh trầm cảm, bệnh tâm thần, bệnh hiểm nghèo cần phải đưa thân nhân của mình đi điều trị kịp thời, nếu lơ là, coi thường biết đâu, chính gia đình, bản thân mình sẽ gánh chịu nỗi đau… Bên cạnh đó, Nhà nước cần dành quỹ phúc lợi để chữa bệnh cho người bị bệnh tâm thần hoặc quy định bảo hiểm y tế thanh toán 100% thuốc chữa bệnh để gia đình có người bị tâm thần có điều kiện để chữa trị.

P.Thủy – M.Hiền
.
.
.