Bạc Liêu đẩy mạnh triệt xóa các vụ “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 16/11/2018, 08:25
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện nhiều đối tượng từ các tỉnh, thành khác đến cho vay lãi nặng kiểu “tín dụng đen” với thủ đoạn manh động, liều lĩnh, gây tâm lý hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến ANTT địa phương.

Trước tình hình đó, Đại tá Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh với hành vi cho vay lãi nặng theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

Sau thời gian ra quân, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xử lý 4 vụ, liên quan đến 10 đối tượng. Cụ thể, ngày 20-10 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu, phối hợp với Công an thị xã Giá Rai, phát hiện 2 đối tượng Lê Đình Lâm (23 tuổi) và Lại Đức Quang (24 tuổi, cùng ngụ tỉnh Lâm Đồng), đang thu tiền nợ của người vay ở Phường 1, thị xã Giá Rai. Qua đấu tranh, các đối tượng thừa nhận từ Lâm Đồng xuống Bạc Liêu để cho vay lãi nặng. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng tại thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), cơ quan Công an thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên đến hoạt động cho vay lãi nặng; đồng thời tạm giữ hình sự thêm 3 đối tượng liên quan.

Một số đối tượng cho vay kiểu “tín dụng đen” tại Cơ quan điều tra.

Hai ngày trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự cũng tạm giữ Vương Bá Điệp (38 tuổi, ngụ Cao Bằng) và Trần Văn Vỹ (29 tuổi, ngụ Nam Định), đang thu tiền cho vay lãi nặng ở phường 7, TP Bạc Liêu. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đến Bạc Liêu “thu tiền” thuê cho đối tượng Nguyễn Ngọc Tiến…

Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu, để “săn” khách hàng, đối tượng in tờ rơi, danh thiếp có thông tin cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản rồi thuê người dán lên cột điện, bờ tường; đem rải ở các khu dân cư để người có nhu cầu vay tiền liên hệ. Với cách thức này, từ đô thị đến vùng nông thôn hẻo lánh, chỉ cần gọi điện thoại lập tức có người đến tận nhà “tư vấn” cho vay tiền. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… tùy theo nhu cầu, người vay có thể vay số tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, các đối tượng còn núp bóng dưới công ty tài chính, cầm cố tài sản để người vay vay số tiền lớn hơn. Với chiêu thức “Thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản”, khiến nhiều người dân cần tiền trở thành “con nợ” của các đối tượng cho vay lãi nặng. Nếu người cần vốn vay 5 triệu đồng, ngay trong ngày giao tiền, đối tượng trừ 600.000 tiền “cò” và 250.000 tiền lãi. Như vậy, người vay thực nhận 4.150.000 đồng. Với số tiền này, người vay phải trả cho đối tượng cho vay lãi nặng 250.000đồng/ngày/25 ngày.

Tổng số tiền người vay phải trả chưa đầy một tháng là trên 6.000.000 đồng, với lãi suất từ 20-30%/tháng. Sau một thời gian, nếu người vay không có khả năng trả tiền lãi hàng ngày, các đối tượng tiếp tục cho vay thêm để trả nợ cũ hoặc yêu cầu con nợ giới thiệu người vay mới để ăn tiền “cò”. Khi con nợ hết khả năng chi trả, các đối tượng bộc lộ bản chất côn đồ, chửi bới, đe dọa, thậm chí đánh đập…

Nhiều người dân vay tiền theo cách thức này đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất khả năng thanh toán và trở thành nạn nhân của đối tượng cho vay lãi nặng; gia đình rơi vào túng quẫn dẫn đến ly tán. Theo Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu, hiện trên địa bàn tỉnh, hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng theo kiểu “tín dụng đen” đang diễn biến rất phức tạp. Đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động nhằm che đẩy hành vi phạm tội, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; nhất là sử dụng hành vi côn đồ đe dọa, uy hiếp không cho con nợ lên tiếng tố giác…

“Đối với những trường hợp có nhu cầu vay vốn làm ăn hoặc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, người dân nên xem xét thận trọng với các hình thức vay vốn. Tốt nhất nên tiếp cận các nguồn vốn của Nhà nước, các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng có uy tín… Tuyệt đối không vay tiền của các tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc, không được Nhà nước cho phép hoạt động, nhất là vay tiền thông qua tờ rơi, danh thiếp quảng cáo”,  Đại tá Dương Tứ Phương khuyến cáo. Bên cạnh sự đấu tranh quyết liệt của cơ quan Công an thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống để đầu tư sản xuất, kinh doanh...

V.Đức – N.Mậu
.
.
.